15/05/2024 08:47 GMT+7

Giáo sư Nguyễn Huy Dung: Người thầy đáng kính có tâm hồn thơ ca

Ngày 15-5, người thân, bạn bè, nhiều thế hệ học trò… đã tiễn biệt giáo sư, bác sĩ Nguyễn Huy Dung về nơi an nghỉ cuối cùng, ông qua đời ngày 10-5.

Mặc dù lớn tuổi thế nhưng GS Nguyễn Huy Dung vẫn luôn tâm huyết với nghề khiến nhiều thế hệ học trò kính phục - Ảnh: FB GS NGUYỄN HUY DUNG

Mặc dù lớn tuổi thế nhưng GS Nguyễn Huy Dung vẫn luôn tâm huyết với nghề khiến nhiều thế hệ học trò kính phục - Ảnh: FB GS NGUYỄN HUY DUNG

Giáo sư Nguyễn Huy Dung là người chăm sóc Bác Hồ trong những năm tháng cuối đời Bác.

GS Nguyễn Huy Dung sinh ngày 22-11-1931 tại TP Vinh (Nghệ An). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, ông là em ruột của liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai và liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Năm 1966, ông được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ. Ông là người chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ giai đoạn cuối cuộc đời.

Sau này, với cương vị ủy viên Hội đồng Sức khỏe nhà nước, ông đã góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khỏe các lãnh đạo trung ương. Không chỉ tham gia khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, ông còn tích cực tham gia công tác giảng dạy cho sinh viên y khoa.

Người thầy đáng kính

"Khi nghe tin GS Nguyễn Huy Dung - một người thầy lớn của nhiều thế hệ bác sĩ giỏi - đã ra đi, tôi thực sự thấy thương tiếc, xót xa và nhớ về hình ảnh một người thầy độ lượng", đó là chia sẻ của PGS Nguyễn Trường Sơn (nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy).

Nói về người thầy của mình, PGS Sơn chia sẻ năm 1988, khi nhận công tác về khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy, lúc đó GS Huy Dung là phó giám đốc phụ trách hệ nội khoa. Ông đã dìu dắt, giúp đỡ PGS Sơn rất nhiều.

"Mấy chục năm đã qua nhưng tôi vẫn nhớ rõ mỗi buổi sáng giao ban do GS Huy Dung chủ trì. Chúng tôi lắng nghe và học được rất nhiều điều từ những ý kiến đóng góp quý báu của thầy về chuyên môn, đạo đức, tính nhân văn.

GS Huy Dung là một trong những tiến sĩ y khoa đầu tiên của Việt Nam, được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh những tháng năm cuối đời.

Ông từng đảm nhận các chức vụ: ủy viên Hội đồng Sức khỏe nhà nước; phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; giảng dạy tại Trường đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Với cá nhân tôi, nhớ về GS Huy Dung là nhớ đến một người thầy lớn, cả trong công việc, chuyên môn đến cư xử với đồng nghiệp, người bệnh.

Thầy độ lượng, tận tình nhưng khi có vấn đề chuyên môn cần thiết hoặc với ai làm việc trái đạo đức, thầy cũng sẽ nghiêm khắc. Sau khi nghỉ hưu, thầy tập trung cho công tác giảng dạy và đào tạo.

Có thể nói GS Huy Dung là một người toàn tài. Thầy còn say mê làm thơ và thơ rất hay. Tôi được thầy tặng hai quyển trong số những tập thơ đã xuất bản. Trong những buổi gặp mặt cuối năm hoặc sự kiện Bệnh viện Chợ Rẫy mời, thầy luôn hiện diện và có chỉ dạy với đàn em, đàn cháu", PGS Sơn bày tỏ.

PGS Sơn chia sẻ chặng đường phát triển của Bệnh viện Chợ Rẫy ghi ơn công sức của nhiều thế hệ đi trước, trong đó có người thầy đáng kính - GS Huy Dung.

Ông là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự lớn mạnh của hệ nội khoa, về chuyên môn và y đức.

"Ông hiếm khi tự nói về mình nhưng chúng tôi luôn ngưỡng vọng thầy - một con người say mê với nghề y và công tác giảng dạy, đào tạo các thế hệ bác sĩ giỏi về chuyên môn và biết thương yêu người bệnh.

Giáo sư ra đi là một mất mát của ngành y tế nước nhà nói chung và của Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng! Trân trọng cúi đầu tiễn biệt trước sự ra đi của thầy với lòng thương tiếc khôn nguôi!", PGS Sơn thương tiếc chia sẻ.

Vị bác sĩ có tâm hồn nhà thơ

Không chỉ là một bác sĩ giỏi nghề, một vị lãnh đạo giàu y đức, GS Nguyễn Huy Dung còn là một nhà thơ, từ năm 2001 đến 2017 ông đã xuất bản 14 tập thơ.

Từng chia sẻ với báo chí về câu chuyện làm thơ của mình, ông nói y khoa và thơ gần nhau lắm, một bên cứu người bằng thuốc thang, bằng tay nghề bác sĩ, một bên cứu tâm hồn người bằng những lãng mạn, sẻ chia, hướng tới cái đẹp.

Những bài thơ của ông dung dị, mộc mạc. Ông viết về hết thảy các chủ đề gắn với trải nghiệm của mình, từ những bài thơ viết về Hà Nội, Sa Pa hay những bài thơ về mẹ, về quê hương và chính bản thân mình.

Tuổi leo thang mái tóc

Tự vấn tâm không lùi

Cuối đời tươi ánh bạc

"Sáng tạo" đạt niềm vui

Đó là những vần thơ ông sáng tác trong bài Tuổi và niềm vui. Những câu thơ thấy được sự lạc quan, yêu đời và tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo của ông.

Hay trong bài thơ Nhớ quê được xuất bản năm 2005 trong tập thơ Cát Pha lê, ông viết:

Xanh hỡi! Cho ta trở lại quê

Tìm hồn mắt biếc buổi

trăng thề

Cho ta về lại bao huyền diệu

Của một thời thơ sống

thỏa thuê

Những lời thơ của ông cũng cho thấy nỗi niềm của người con xứ Nghệ luôn nặng tình với quê hương.

GS Nguyễn Huy Dung không chỉ để lại cho nhân gian những công trình nghiên cứu về y học, tấm gương sáng về y đức mà còn cả những vần thơ mộc mạc, để những thế hệ sau nhìn lại và noi theo.

Con người giáo sư Nguyễn Huy Dung đậm chất đạo đức cách mạng

GS Nguyễn Đức Công - phó chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam - chia sẻ GS Nguyễn Huy Dung đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về cả con người lẫn trí tuệ.

"Ấn tượng nhất của tôi về thầy là hình ảnh người thầy nhiệt huyết, đã có thời gian thầy là chủ nhiệm bộ môn nội Trường đại học Phạm Ngọc Thạch lúc giảng dạy rất say mê. Thầy có trí nhớ rất tốt, gặp ai cũng nhiệt tình chào hỏi và rất khiêm nhường, động viên mọi người cùng phát triển. Con người đậm chất đạo đức cách mạng.

GS Huy Dung là một tấm gương sáng đáng để các thế hệ sau học tập, noi gương và trưởng thành. Sự ra đi của thầy là niềm tiếc thương đối với ngành tim mạch, ngành nội khoa cũng như ngành giáo dục y khoa", GS Công cho hay.

GS - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Huy Dung là một trong những tiến sĩ y khoa đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Moskva Pirogov năm 1959, bảo vệ tiến sĩ tại Viện Tim của Viện hàn lâm Khoa học y toàn Liên Xô năm 1963.

GS Huy Dung nghiên cứu chuyên sâu về nội khoa và tim mạch học. Ông có hai công trình lớn là "Nghiên cứu đột quỵ do xuất huyết não ở Việt Nam" (1963 - 1967) và "Bệnh sốt thấp cấp ở Việt Nam" (1964 - 1970).

Ngoài ra, những năm sau này ông còn nghiên cứu thêm hai vấn đề chính là "Nghiên cứu về tiên lượng cho từng nhóm bệnh nhân tăng huyết áp" và "Phối hợp trị liệu cho các bệnh tim mạch". Những đánh giá và tiên đoán của ông đã giúp các bác sĩ rất nhiều trong hiểu sâu và điều trị bệnh tăng huyết áp, bởi vào thời điểm đó y học thế giới vẫn chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Ông cũng là người đã chỉ ra ba điểm còn hạn chế của "Bảng phân tầng nguy cơ tăng huyết áp" của Ủy ban Liên quốc gia về phòng chống, bảo vệ, đánh giá và điều trị bệnh tăng huyết áp, trong khi bảng này được đánh giá khá cao trên thế giới. Chỉ một năm sau đó, những tiên đoán của ông đã được Tổ chức Y tế thế giới bổ sung đầy đủ trong bảng phân tầng mới.

Cuối thế kỷ 20, khi nghiên cứu về "phối hợp trị liệu", ông cho rằng đây là điều tất yếu trong thế kỷ mới. Và đến bây giờ, dự đoán xu hướng ấy hoàn toàn chính xác.

Một bác sĩ thế hệ vàng của nền y khoa Việt Nam

"GS Nguyễn Huy Dung là một bác sĩ trong thế hệ vàng của nền y khoa nước nhà", PGS Nguyễn Hoài Nam đã nhận xét.

Theo PGS Hoài Nam, bác sĩ Huy Dung có kiến thức rất thông tuệ. Nhiều thế hệ sinh viên trường y tại TP.HCM không chỉ học được những kiến thức về chuyên ngành tim mạch mà còn học được một nhân cách sống. Khi giảng dạy cho sinh viên thầy Huy Dung là người thầy dạy tận tình cho các sinh viên, thầy truyền cảm hứng về "sứ mệnh" làm nghề y cho các sinh viên. Còn khi là một người bác sĩ thầy rất tận tình, hiểu được nỗi đau của bệnh nhân và tìm mọi cách để điều trị cho bệnh nhân. Nhiều ca bệnh khó tưởng như không thể sống nổi đã được thầy cứu sống.

Các bài giảng của thầy cho các sinh viên y khoa đều rất hay và luôn có hai phần.

Một phần về lý thuyết, một phần chia sẻ kinh nghiệm của thầy trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

"Những phần chia sẻ kinh nghiệm của thầy đều là những bài học từ thực tiễn, là hành trang quý báu cho nhiều thế hệ y khoa về sau", PGS Hoài Nam kể lại.

"Thầy còn luôn dặn chúng tôi, là một người thầy thuốc trước khi khám bệnh tim mạch cho bệnh nhân, đều cần giới thiệu: "Tôi là bác sĩ tên…", " Tôi có thể khám tim mạch được không?". Và chỉ khi bệnh nhân đồng ý, người bác sĩ mới được thăm khám cho bệnh nhân".

Học thầy Huy Dung trong nhiều năm, PGS Hoài Nam còn nhiều lần đến nhà thầy ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM chơi nhưng chưa khi nào PGS Hoài Nam thấy thầy nóng giận, lúc nào thầy cũng chân thành, vui vẻ.

"Dáng thầy nhỏ nhưng ở thầy luôn toát ra sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Thầy đã ra đi nhưng những lời giảng của thầy, cách sống của thầy sẽ vẫn được thế hệ học trò của thầy khắc cốt ghi tâm", PGS Hoài Nam chia sẻ.

Vĩnh biệt GS.TS.BS Nguyễn Huy Dung, người thầy lớn của nhiều thế hệ bác sĩVĩnh biệt GS.TS.BS Nguyễn Huy Dung, người thầy lớn của nhiều thế hệ bác sĩ

Thầy thuốc nhân dân, GS.TS.BS Nguyễn Huy Dung, người từng chăm sóc sức khỏe Bác Hồ, người thầy lớn của nhiều thế hệ bác sĩ giỏi, đã từ trần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên