22/11/2020 08:05 GMT+7

Giao thông kết nối liên vùng: Không thể trễ hơn nữa

ĐÔNG HÀ thực hiện
ĐÔNG HÀ thực hiện

TTO - Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có hệ thống giao thông nội tỉnh khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, những con đường "cái quan" có tính chất liên vùng, liên tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển.

Giao thông kết nối liên vùng: Không thể trễ hơn nữa - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án cầu Phước An

Việc đầu tư hạ tầng giao thông để nối cảng Cái Mép - Thị Vải với sân bay quốc tế, kết nối các khu công nghiệp trong vùng với cảng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu là việc không thể chậm trễ hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Thọ

anh box 5

Đặc biệt, từ khi cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải dần tăng năng suất, đón những siêu tàu container, nhu cầu về giao thông liên vùng càng bức thiết. Trước cuộc hội thảo "Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ", Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xung quanh vấn đề này.

Chưa được đầu tư đúng mức

Mở đầu cuộc trao đổi, ông Nguyễn Văn Thọ nói: "Mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông nội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thành bộ khung, kết nối toàn tỉnh nhưng hạ tầng giao thông kết nối tỉnh với Đông Nam Bộ, với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và khu vực. 

Nguyên nhân là bởi trong những năm qua, hệ thống giao thông kết nối liên vùng chưa được đầu tư đúng tầm, đúng mức. Trong khi đó, cảng biển Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ quốc tế của cả khu vực. Sự phát triển năng động của cảng này đã được minh chứng trên thực tế. 

Đó là sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh hằng năm, với trung bình từ 10-15%. Cái Mép - Thị Vải được đánh giá là một trong những khu vực cảng phát triển nhanh trên bản đồ hàng hải thế giới. Và là một trong hơn 20 cảng của thế giới mà tàu container trọng tải lên đến trên 200.000 tấn cập được. Có thể khẳng định Cái Mép - Thị Vải là một trong những trung tâm phát triển của vùng.

Tương lai không xa, khi cảng hàng không Long Thành vào hoạt động - một trung tâm mới của ngành hàng không cũng sẽ hình thành.

Do đó, việc đầu tư hạ tầng giao thông để nối cảng cửa ngõ với sân bay quốc tế, kết nối các khu công nghiệp trong vùng với cảng, để khơi thông nguồn hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu là việc phải làm. Tôi nghĩ, việc này không thể chậm trễ hơn nữa.

* Xin ông cho biết cụ thể những dự án nào là đòi hỏi bức thiết, sát sườn để tạo ra kết nối giao thông liên vùng?

Đó là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mạng lưới cao tốc quốc gia và giảm áp lực cho quốc lộ 51, vốn đang quá tải. Hiện dự án này đang chờ trung ương phê duyệt báo cáo tiền khả thi.

Đó là cầu Phước An để kết nối đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép với cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây để kết nối với TP.HCM và khu vực Tây Nam Bộ rộng lớn.

Đường vành đai 4 TP.HCM và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cũng là những dự án kết nối quan trọng.

Có thể khẳng định các dự án tôi kể trên là những hạ tầng quan trọng, tạo ra kết nối có tính chất "xương sống", đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mục tiêu lớn nhất của các dự án là tạo ra giao thương thuận lợi cho cả vùng, từ đó tạo ra những cú hích mạnh cho cả nước.

Do đó, rất cần sự ủng hộ chủ trương, tập trung đầu tư của các bộ, ngành trung ương. Về phía địa phương, nhất định trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức vùng Đông Nam Bộ.

Giải bài toán "tiền đâu?"

* Những dự án như ông nói ở trên cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Bà Rịa - Vũng Tàu có những phương án gì để giải bài toán về vốn?

- Việc tìm nguồn vốn cho dự án chắc chắn cần có sự chỉ đạo và hỗ trợ của trung ương.

Hội thảo "Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 22-11 tại khách sạn Pullman, TP Vũng Tàu.

Đối với dự án cầu Phước An, chúng tôi phấn đấu thi công hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, trong đó vốn trung ương khoảng 50%, phần còn lại do ngân sách tỉnh. 

Còn dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh đang nghiên cứu áp dụng phương thức đầu tư PPP, kết hợp nguồn vốn ngân sách nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng và kêu gọi nguồn vốn xã hội đầu tư.

Đường vành đai 4 TP.HCM là tuyến cao tốc đô thị dài gần 200km. Hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu đầu tư đoạn Bến Lức - Hiệp Phước dài hơn 35km, với kinh phí khoảng 19.500 tỉ đồng. Hiện các tỉnh và bộ đang tập trung tìm giải pháp về nguồn vốn để triển khai dự án.

Với đường sắt, tỉnh cũng đang đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam điều chỉnh bổ sung quy hoạch đoạn tuyến vào Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và điều chỉnh kế hoạch đầu tư đoạn tuyến Biên Hòa - Phú Mỹ trong giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục đầu tư khu đoạn Phú Mỹ - Vũng Tàu trong giai đoạn sau 2030.

Vai trò nhạc trưởng nên là lãnh đạo Chính phủ mới có thể điều phối, chỉ đạo các bộ ngành hoặc các tỉnh sớm đẩy nhanh dự án.

Ông Trần Quang Lâm

lam

Ông Trần Quang Lâm

TP.HCM ưu tiên dự án nào?

TP.HCM đã lên danh sách các dự án ưu tiên, trong đó tập trung nguồn lực khép kín 3 đường vành đai, hoàn thiện cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, mở rộng quốc lộ để khơi thông cửa ngõ đi về các tỉnh lân cận.

Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết như vậy. Thông tin về diễn tiến các dự án giao thông kết nối giữa TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm, ông Lâm nói: "Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM có 3 đường vành đai 2, 3, 4 kết nối giao thông vùng. Đây là các trục giao thông quan trọng, phân luồng xe tải nặng quá cảnh TP không đi vào nội thành, rút ngắn thời gian đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.

TP.HCM đã làm việc với các tỉnh trong khu vực để đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn lực dẫn đến chưa đầu tư hoàn thiện các tuyến huyết mạch. Đến nay, tuyến vành đai 2 (TP.HCM) còn 14km chưa khép kín; vành đai 3 dài hơn 89km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An chỉ mới làm một đoạn hơn 16km ở Bình Dương; vành đai 4 chưa triển khai nghiên cứu.

Việc thực hiện các cao tốc cũng chậm so với quy hoạch, mới đưa vào khai thác 2 tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương. Tuyến Bến Lức - Long Thành tiến độ rất chậm, lẽ ra đã hoàn thành nhưng do nhiều vướng mắc, phải lùi đến năm 2022. Tuyến TP.HCM - Mộc Bài, hiện TP.HCM và Tây Ninh cũng đang chuẩn bị thủ tục, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.

Các tuyến quốc lộ kết nối TP như quốc lộ 1, 50 nối Long An, quốc lộ 22 nối Tây Ninh, quốc lộ 13 nối Bình Dương chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch. Hiện mặt cắt chỉ từ 4-6 làn xe cho nên kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh đang hạn chế.

* Vậy trong thời gian tới, các dự án kết nối vùng sẽ được ưu tiên đầu tư ra sao?

- Đây là nội dung TP.HCM ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể hóa trong đề án kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM mới thông qua. Ưu tiên hàng đầu là: khép kín đường vành đai 2, hoàn thành cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, mở rộng các tuyến quốc lộ. Việc đầu tư đang thuận lợi bởi TP đã chấp thuận chủ trương, ưu tiên nguồn lực ngân sách để thực hiện.

Riêng các đường vành đai 3, 4 đi qua nhiều tỉnh thành, TP.HCM đã kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận giao cho Bộ GTVT lập đề xuất chủ trương đầu tư theo dự án quan trọng của quốc gia.

Ngoài ra, ý tưởng về một tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành cũng đang được tính đến, phù hợp để nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn từ nay đến sân bay Long Thành đưa vào khai thác. Đây là tuyến đường sắt thuộc tuyến đường sắt quốc gia, Bộ GTVT đang cho thực hiện nghiên cứu. Về phía TP cũng đã có kiến nghị sớm nghiên cứu dự án này.

* Theo ông, để sớm đẩy nhanh các tuyến đường đi qua nhiều địa phương, có cần một nhạc trưởng điều phối việc này?

- Thời gian qua cái khó nhất trong việc thực hiện các dự án trọng điểm là vốn. Còn các tỉnh trong vùng cũng đã thống nhất cao là ưu tiên đầu tư cho các đường vành đai. Hiện TP.HCM là chủ tịch Hội đồng vùng, Sở GTVT TP.HCM cũng là tổ trưởng tổ điều phối giao thông vùng. Nhưng vai trò đang ở mức rà soát theo dõi, đề xuất cấp có thẩm quyền. Về cơ chế nhạc trưởng, Sở GTVT TP.HCM mạnh dạn đề xuất Hội đồng vùng nên có người có đủ thẩm quyền điều hành hạ tầng giao thông kết nối vùng. Vai trò nhạc trưởng nên là lãnh đạo Chính phủ mới có thể điều phối, chỉ đạo các bộ ngành hoặc các tỉnh sớm đẩy nhanh dự án.

ĐỨC PHÚ thực hiện

Khắc phục điểm nghẽn hạ tầng: giảm chi phí logistics Khắc phục điểm nghẽn hạ tầng: giảm chi phí logistics

TTO - Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiện nay chi phí về logistics của các doanh nghiệp Việt Nam khá cao, thiếu tính cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới, gây trì trệ quá trình phát triển kinh tế quốc gia.

ĐÔNG HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên