17/10/2018 14:16 GMT+7

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế

Giáo sư TRẦN CHỦNG
Giáo sư TRẦN CHỦNG

TTO - Do địa thế đặc biệt của nước ta, khu vực miền Trung trở thành đòn gánh của hai vùng kinh tế phát triển tập trung là miền Bắc và miền Nam. Thông thương của nền kinh tế cả nước phụ thuộc vào vùng đất hẹp trải dài suốt miền Trung này.

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế - Ảnh 1.

Cần có tầm nhìn xa hơn và nếu chưa đủ nguồn tài chính thì đừng có bạt núi, lấp thung lũng để làm ra những con đường chỉ có tuổi thọ quá ngắn"

Giáo sư Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng)

Nhưng, miền Trung không những hẹp về chiều rộng mà còn nhiều núi cao, đèo dốc đổ từ dãy Trường Sơn ra biển Đông, cản trở không nhỏ cho việc thông thương giữa hai miền Bắc-Nam.

Đã bao đời nay, việc lưu thông này phải ven theo các dãy núi, thung lũng với bao hiểm nguy về an toàn giao thông, nhưng điều quan trọng hơn là mất nhiều thời gian qua lại.

Thế giới ngày nay, thời gian trở thành giá trị không chỉ về mặt kinh tế mà còn là cơ hội. Tăng thời gian giao thông - nhất là trong đường bộ - thì giải pháp duy nhất là các đường cao tốc.

Nhưng giải bài toán này trong thời điểm hiện nay còn phải tuân thủ điều kiện nghiêm ngặt của các yêu cầu về "Phát triển bền vững" (Sustainable Development) đang trở thành trào lưu và là các yêu cầu quan trọng cần thỏa mãn của quá trình phát triển trên toàn thế giới cũng như ở mỗi quốc gia.

Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển. Đó là: phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Những yêu cầu này là thách thức cho mục tiêu phát triển hệ thống đường cao tốc qua miền Trung.

Vì vậy, xây dựng công trình giao thông ở khu vực miền Trung qua các vùng địa hình cần sử dụng các giải pháp đột phá.

Để đáp ứng các yêu cầu về Phát triển bền vững đảm bảo yêu cầu thân thiện với môi trường, có lẽ công tác thiết kế trong ngành giao thông phải tuân thủ nguyên tắc: muốn làm đường "qua núi phải đào hầm; qua thung lũng phải bắc cầu".

Cần có tầm nhìn xa hơn và nếu chưa đủ nguồn tài chính thì đừng có bạt núi, lấp thung lũng để làm ra những con đường chỉ có tuổi thọ quá ngắn.

Dứt khoát, sự can thiệp thô bạo này sẽ bị thiên nhiên nổi giận: bạt núi, núi đồi sẽ sạt, trượt lấp đường và lấp thung lũng, nước lũ sẽ cuốn trôi những cung đường.

Ngành xây dựng thực hiện các hoạt động xây dựng tạo nên môi trường nhân tạo cho con người từ việc tạo ra các sản phẩm xây dựng, bao gồm công trình nhà cửa, hạ tầng, các công trình kỹ thuật và các công trình khác.

Môi trường nhân tạo này là một phần môi trường sống của con người, vì thế, chúng có ảnh hưởng lớn đến điều kiện sống, phúc lợi và sự phát triển của chúng ta, thông qua đó có cả các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến phát triển bền vững.

Hầm xuyên đèo Cổ Mã, đèo Cả, đèo Cù Mông, hầm Hải Vân cùng kết nối được với tuyến cao tốc Bắc - Nam với hình hài cụ thể của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ là tuyến đường huyết mạch, là động lực phát triển kinh tế của cả Quốc gia nói chung và của miền Trung, Tây nguyên nói riêng.

Mục tiêu khác của dự án này sẽ xóa được điểm đen lớn nhất về nguy cơ ách tắc, mất an toàn giao thông trên QL1A và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội đối với khu vực và cả nước.


Giáo sư TRẦN CHỦNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên