14/10/2020 17:41 GMT+7

Giới nhà giàu tăng nhanh sẽ là động lực tăng trưởng bất động sản du lịch Việt Nam

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Đó là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế và bất động sản đưa ra tại hội thảo 'Sức hút đô thị biển' do báo Đầu tư tổ chức sáng 14-10 tại TP.HCM.

Giới nhà giàu tăng nhanh sẽ là động lực tăng trưởng bất động sản du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Bất động sản du lịch được đánh giá là lĩnh vực đầu tư tiềm năng vì sự phát triển nhanh chóng của du lịch Việt Nam cùng với sự gia tăng của giới trung lưu VN trong những năm tới

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên hiếm có và sự tăng trưởng nhanh chóng của "giới nhà giàu" trong nước, du lịch của Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian tới qua đó sẽ thúc đẩy đầu tư và phát triển thị trường bất động sản du lịch.

Theo ông Tuấn, hiện Việt Nam có 19 khu kinh tế biển với quy mô 47 - 48 % GDP của cả nước. Trong đó, GDP kinh tế thuần biển chiếm 20 - 22% tổng GDP cả nước. Đóng góp các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98% kinh tế biển. Chủ yếu khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, dịch vụ cảng biển và một phần là du lịch. 

Chưa kể, đô thị hóa tại Việt Nam hiện nay vẫn chậm, trong khi đô thị hóa phải là động lực tăng trưởng trong thập niên tới.

Trong khi đó, tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng nhanh chóng khi Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua và có khả năng đuổi kịp các nước mới công nghiệp phát triển (NICs).

Cụ thể, năm 2020 tầng lớp trung lưu của Việt Nam chiếm 15% dân số (15 triệu người) tương đương dân số Hong Kong + Singapore. Tới năm 2025, giới trung lưu chiếm 25% dân số (25 triệu người) tương đương dân số Đài Loan hiện nay. Và tới năm 2045 có đến 50% dân số (50 triệu người) thuộc tầng lớp trung lưu, tương đương dân số Hàn Quốc.

Giới nhà giàu tăng nhanh sẽ là động lực tăng trưởng bất động sản du lịch Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng già hóa dân số cũng là một cơ hội để phát triển dịch vụ du lịch tại Việt Nam - Ảnh: HỒNG PHÚC

Thu nhập người dân cũng tăng theo thời gian. Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu giai đoạn 2012 - 2017. Forbes dự kiến tốc độ tăng trưởng trong giới siêu giàu tại Việt Nam là 170% vào năm 2026.

Khi thu nhập tăng, người ta có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ra ngoài thành phố vào cuối tuần tăng lên, đặc biệt nhờ vào hệ thống đường sá, cao tốc có thể di chuyển dễ dàng và thuận lợi hơn. Ngoài việc nghỉ dưỡng, second home còn là một kênh đầu tư hiệu quả cho dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư.

Hơn nữa, một cơ hội lại đến từ dân số già. Bởi dân số già hóa với sức khỏe, an sinh và năng động cả về kinh tế và xã hội có thể có những đóng góp không ngừng cho xã hội. Du lịch chăm sóc sức khỏe cho người già và du lịch hưu trí sẽ có cơ hội phát triển.

Để thị trường phát triển bền vững, ông Tuấn cho rằng cần có một số ưu tiên về chính sách của Nhà nước như thúc đẩy công nghiệp hóa "không khói". 

Phát triển đô thị hóa cần có trọng tâm và cần có chiến lược đối với già hóa dân số. Đồng thời, cũng cần sớm hoàn thiện các chính sách về quy hoạch, đất đai, sở hữu tài sản, pháp lý… và không ngừng thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Vũ Văn Phấn - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho rằng về tiềm năng phát triển du lịch, phát triển bất động sản du lịch nói chung và đô thị biển là chắc chắn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải tính toán đầu tư từng giai đoạn phát triển cho phù hợp tránh cung vượt quá cầu. 

"Để làm một dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cần phải thông qua nhiều cơ quan khác nhau. Đây đúng là sức hút và nhu cầu thực của thị trường, tiềm năng có và nhu cầu rất lớn. Nhưng chúng ta phát triển phải có trọng tâm, một thực tế hiện nay là thừa cung bởi lúc làm không tính toán kỹ", ông Phấn cho biết.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên