Giới trẻ không muốn làm cho ngành dầu mỏ

LÊ MY 20/11/2022 06:07 GMT+7

TTCT - Khi mưa lũ, cháy rừng và khói bụi ngày càng tệ, người trẻ khắp thế giới ngày càng có nhiều lý do để từ chối làm việc cho những công ty đã gây ra biến đổi khí hậu.

Giới trẻ không muốn làm cho ngành dầu mỏ - Ảnh 1.

Ảnh: Iron & Earth

Nếu như không có biến đổi khí hậu, đây có vẻ là thời điểm hoàn hảo để nhân loại đào thêm dăm ba cái giếng dầu, bởi xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá nhiên liệu tăng chóng mặt. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+, trong đó có Nga và Saudi Arabia, hồi đầu tháng 10 còn quyết định cắt giảm sản lượng thêm 2 triệu thùng dầu/ngày.

Nhưng, giới dầu khí ngược lại không tài nào tranh thủ thời cơ. Giả sử có sẵn tiền và máy móc, họ cũng không có thêm nhân lực để vận hành.

Người cũ quay lưng

Trước tiên, hãy lắng nghe những người có thâm niên. Độ tuổi trung bình của người làm trong ngành dầu khí hiện là 44, theo báo cáo "Triển vọng ngành dầu khí năm 2023" của Deloitte. Lực lượng lao động đã qua đào tạo và có kiến thức đang dần về hưu, hoặc "dứt áo ra đi" để sang các ngành nghề khác. Với nhóm người sau, đó gần như là một tuyên ngôn đạo đức, vì những thông điệp xanh tươi và lời hứa giảm phát thải của các tập đoàn dầu mỏ không thấy đi kèm với hành động.

"Tôi không thể tiếp tục làm việc cho một công ty vốn phớt lờ mọi cảnh báo và gạt bỏ những rủi ro về biến đổi khí hậu và sự sụp đổ sinh thái" - Caroline Dennett viết trên LinkedIn hồi tháng 5, công khai kết thúc mối quan hệ 11 năm ròng với Tập đoàn Shell trong tư cách cố vấn an toàn. 

"Bởi vì, trái ngược với những phát ngôn công khai của Shell về [phát thải ròng bằng 0], họ không cắt giảm dầu và khí đốt, mà đang lên kế hoạch tìm kiếm và khai thác nhiều hơn nữa" - Dennett nêu lý do. Bà thừa nhận việc kinh doanh, sự nghiệp và danh tiếng của mình có thể bị ảnh hưởng, nhưng "không còn lựa chọn nào khác".

Một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây của AirSwift cho thấy 82% lao động dầu khí hiện nay cân nhắc chuyển sang lĩnh vực năng lượng khác trong ba năm tới; tỉ lệ này hồi năm 2020 là 73%. Trong số những người đang nghĩ đến chuyện "quay lưng", hơn một nửa cho biết họ thích lĩnh vực tái tạo hơn cả.

Khi một tên tuổi dầu khí xuất hiện trên tin tức, thường là đã có một chuyện tồi tệ xảy ra: sự cố tràn dầu, các vụ kiện, hoặc các hoạt động kinh doanh bẩn thỉu khác. Hình ảnh của người lao động cũng bị ảnh hưởng theo. 

"Chúng tôi không muốn trở thành kẻ xấu", một công nhân dầu mỏ ẩn danh trả lời khảo sát của Đại học Hoàng gia London (Anh) - kết quả nghiên cứu vừa đăng trên Energy Research and Social Science.

Dennett nói với tạp chí Grist: "Giữ chân lao động là một vấn đề lớn, rất lớn. Họ (giới dầu khí) đang mất đi các kỹ thuật viên, kỹ sư, nhà thiết kế, nhà điều hành, thợ máy… chuyên nghiệp, cao tay nghề và giàu kinh nghiệm nhất. Tôi nghĩ họ sẽ thèm khát những tài năng mới".

Là những sinh viên tốt nghiệp, bạn nắm giữ lá bài quyết định... Đừng làm việc cho những kẻ tàn phá khí hậu. Hãy sử dụng tài năng của bạn để đưa chúng ta hướng tới một tương lai tái tạo

António Guterres (tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Seton Hall, Mỹ vào ngày 24-5-2022)

Người mới… chẳng thấy đâu!

Người cũ đang rời đi, còn lớp sau như thế hệ millennial (sinh đầu thập niên 1980 đến giữa 1990) và những người trẻ hơn, thuộc thế hệ "bãi khóa vì khí hậu", cũng chẳng muốn đầu quân cho dầu mỏ. Theo một khảo sát năm 2020 của PwC, hơn một nửa millennial cho biết họ sẽ không làm việc trong ngành nào có hình ảnh tiêu cực, và dầu mỏ và khí đốt đứng đầu danh sách những ngành kém hấp dẫn nhất.

Còn theo một khảo sát 2017, cứ ba thanh thiếu niên Mỹ (16-19 tuổi) thì có hơn hai người nói rằng ngành dầu khí tạo ra các vấn đề thay vì giải quyết chúng. Người trẻ có xu hướng coi nghề dầu mỏ là "không ổn định, khó khăn, nguy hiểm và có hại cho xã hội".

Và như mọi khi, người trẻ không nói suông. Ở Mỹ, giữa tháng 10, hàng chục sinh viên đại học Harvard, MIT và Brown đã làm gián đoạn các buổi tuyển dụng tại trường cho ExxonMobil, khẳng định rằng tập đoàn dầu khí đa quốc gia này đang phá hoại tương lai của họ. Còn tại Anh, lần đầu tiên các công ty nhiên liệu hóa thạch bị cấm tuyển dụng sinh viên thông qua văn phòng hướng nghiệp của Đại học London.

Cùng lúc đó, sinh viên năm nhất cũng "chê" các chương trình đào tạo ngành dầu khí, góp phần làm phình to cái "giếng rỗng" về nguồn nhân lực. Trong 5 năm qua, số lượng người Mỹ tốt nghiệp ngành dầu khí đã giảm 83%, từ 2.300 xuống còn khoảng 400, theo thống kê của Lloyd Heinze, giáo sư Đại học Công nghệ Texas. 

Ngay giữa các trung tâm xăng dầu của Mỹ, các trường như Đại học bang Louisiana và Đại học Houston đang "ế" sinh viên ngành kỹ sư dầu khí. Đại học Calgary của Canada và Đại học Hoàng gia London đều chấm dứt các chương trình đào tạo liên quan dầu khí vào năm ngoái.

Xu hướng tẩy chay lan tỏa từ ngoài mỏ vào tận văn phòng. Từ 2006 đến 2020, số sinh viên kinh tế mới tốt nghiệp làm việc trong ngành dầu khí đã giảm 40%, theo một cuộc khảo sát của LinkedIn với 3,5 triệu thạc sĩ quản trị kinh doanh. Trong khi đó, số lượng sinh viên đầu quân cho năng lượng tái tạo đã tăng lên.

"Tình thế tiến thoái lưỡng nan này đang xảy ra ở mọi công ty, bởi vì nếu bạn tham gia các dự án mà bạn biết là có hại cho môi trường, những gì bạn làm mỗi ngày đang kiểm tra đạo đức của bạn" - Manuel Salazar, một nhà hoạt động môi trường ở Ireland, nói với Grist.

Giới trẻ không muốn làm cho ngành dầu mỏ - Ảnh 4.

Ảnh: oilprice.com

Đi làm vì Trái đất

"Tôi không thể tưởng tượng một sự nghiệp mà không liên quan, thậm chí chỉ là một phần nhỏ, đến các giải pháp" - báo The Guardian dẫn lời Mimi Ausland, 25 tuổi, người sáng lập Free the Ocean, một công ty muốn tối ưu những hành động nhỏ để loại bỏ nhựa khỏi đại dương.

Ausland nằm trong số những tân binh của lực lượng lao động đang đi làm vì Trái đất. Ta có thể kể ngay vài nghề mà thế giới đang cần: kỹ sư tuốc bin gió, thợ lắp đặt pin mặt trời, chuyên gia xe điện, nhà sáng chế (một loại nhựa thân thiện hơn chẳng hạn), phòng chống cháy rừng, nông dân đô thị…

Và cơ hội của họ cũng đang rộng mở nhanh chóng. Trên toàn cầu, số lượng bài tuyển dụng yêu cầu "kỹ năng xanh" - như ngăn ngừa ô nhiễm hoặc kiểm toán môi trường - đã tăng 8% một năm so với cùng kỳ. Cùng lúc đó, số lượng lao động liệt kê những kỹ năng trên trong CV và/hoặc có kinh nghiệm làm một công việc "xanh hoặc đang hóa xanh" đã tăng 6% hằng năm, theo Báo cáo kỹ năng xanh toàn cầu 2022 của LinkedIn.

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang bùng nổ và thu hút những người trẻ nào tìm kiếm một công việc phù hợp với giá trị của họ. Chỉ tính riêng Mỹ vào năm 2021, có 3,2 triệu người đang làm việc trong các ngành năng lượng sạch - gấp 3,5 lần lao động trong ngành nhiên liệu hóa thạch, theo Tổ chức Environmental Entrepreneurs.

Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ dự đoán rằng cơ hội việc làm cho các nhà khoa học môi trường và "các chuyên gia liên quan" sẽ tăng 8% trong 10 năm tới. Và mức lương trung bình năm 2020 của các nhà khoa học môi trường là 73.230 USD, trong khi luật sư môi trường trung bình kiếm được 122.960 USD. Các nông dân đô thị - con đường sự nghiệp không yêu cầu bằng cấp - kiếm được khoảng 71.160 USD một năm.

"Có một niềm tin phổ biến rằng: nếu bạn làm điều tốt cho thế giới, sẽ không ai trả tiền cho bạn làm điều đó. Tôi nghĩ nó không đúng - Christopher Schlottmann của ĐH New York (Mỹ) nói với The Guardian - Nếu bạn hiểu cách thức hoạt động của biến đổi khí hậu thì một ngân hàng sẽ cực kỳ muốn nói chuyện với bạn vì họ muốn giới hạn phần rủi ro của mình".

Báo Financial Times xin lời khuyên từ những millennial đã thật sự tìm được "bến đỗ xanh". Evelina Olago, giám đốc khách hàng của Just Climate, cho rằng công cuộc giải quyết biến đổi khí hậu có nhiều vai trò khác nhau - từ đầu tư, sử dụng vốn hiệu quả đến thiết lập tiêu chuẩn, đo lường tác động và thúc đẩy chính sách; điều quan trọng là phải "suy nghĩ rộng ra" để chọn vai trò mình muốn theo đuổi và đóng góp.

Claire Healy, giám đốc Tổ chức tư vấn về khí hậu E3G, đã làm việc với nhiều người trong lĩnh vực khí hậu và nói rằng họ đến từ đủ loại chuyên môn. "Ngay cả những người trong các công ty nhiên liệu hóa thạch hoặc phát thải nhiều carbon đôi khi cũng đang làm việc tốt (cho Trái đất), vì bạn sẽ có thể thay đổi các tổ chức này từ bên trong" - cô khẳng định.

Công ty lớn và lâu đời có thể tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng, còn các công ty khởi nghiệp có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo. ■

Không muốn dính líu ngành dầu khí

Khoảng 400 công ty quảng cáo và PR đã ký cam kết với nhóm Clean Creativity để "cắt đứt quan hệ" với các công ty nhiên liệu hóa thạch. Và khi các công ty dầu mỏ đối mặt với hàng đống vụ kiện liên quan đến khí hậu, một số luật sư trẻ đang miễn cưỡng bào chữa cho họ. Hai năm trước, 600 sinh viên luật đã ký một lá thư gửi đến Hãng luật Paul Weiss, nói rằng họ sẽ không làm việc cho công ty này, chừng nào ExxonMobil còn là khách hàng (tới giờ vẫn còn).

Gần đây, trên chuyên mục đạo đức của New York Times, một sinh viên luật ẩn danh đặt câu hỏi rằng: liệu người này có thể bào chữa cho các công ty gây ô nhiễm đáng ghét để… trả hết khoản vay sinh viên. Hỏi tiếp: liệu rằng việc đó sẽ tạo ra một "vết nhơ" trên CV của họ?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận