Giọt nước mắt cho người không quen

TRÚC ANH 18/09/2022 05:05 GMT+7

TTCT - Điều gì khiến nhiều người có cảm giác đau buồn, mất mát và tiếc thương trước cái chết của người nổi tiếng hay nhân vật của công chúng, những người họ chỉ biết chứ không quen?

Giọt nước mắt cho người không quen - Ảnh 1.

Áo đấu, hoa và nến được đặt tại một điểm tưởng niệm tạm thời cho huyền thoại NBA Kobe Bryant (1978-2020). Ảnh: AFP

Hiện tượng sau ngày càng trở nên phổ biến: khi có một nhân vật có tầm ảnh hưởng vượt ngoài biên giới bản quốc qua đời, nhiều người khắp thế giới sẽ đau buồn và công khai bày tỏ sự tiếc thương bằng nhiều hình thức - tham gia các buổi lễ tưởng niệm hay viết những dòng tiễn biệt trên mạng xã hội.

Cái chết của những nghệ sĩ nổi tiếng như John Lennon, Kurt Cobain, Prince và Michael Jackson hay các nhân vật tiếng tăm trong lĩnh vực khác như thẩm phán Tòa tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg, cựu thủ tướng Nhật Abe Shinzo và tất nhiên, gần nhất là Nữ hoàng Anh, đều mang lại sự đau buồn rộng khắp như thế.

Đa số những người tiếc thương đó thậm chí còn chưa từng thấy những ngôi sao, chính trị gia hay nhân vật giải trí đó ngoài đời. Điều gì khiến nhiều người có cảm giác đau buồn, mất mát và tiếc thương trước cái chết của người họ chỉ biết chứ không quen?

Trước tiên, không ai cấm việc thấy buồn trước cái chết của một người, dù thân hay sơ. Như tài khoản @ElusiveJ khái quát trên Twitter: "Ta không khóc vì ta biết họ, ta khóc vì họ đã giúp ta hiểu biết chính mình". Trang Vox cho rằng chỉ cần dòng tweet này là đủ để trả lời câu hỏi: tại sao chúng ta thương tiếc những nghệ sĩ mình chưa từng gặp.

Nhưng đó là với nghệ sĩ - những người ta có thể cảm thấy thân thương và thấu hiểu thông qua tác phẩm nghệ thuật hay hiện thân con người họ. Phải lý giải thế nào cho sự bàng hoàng và đau buồn mà cái chết của những chính trị gia nổi tiếng, một vận động viên xuất chúng ta chỉ thấy qua TV, hay nguyên thủ của một đất nước xa xôi mang lại cho nhiều người? 

"Với những người nổi tiếng và nhân vật của công chúng, chúng ta gần như có cảm giác mình đang có quan hệ với họ... Đôi khi ta cảm thấy như mình biết họ, và biết cả gia đình của họ" - Darcy Walker, cựu giám đốc điều hành một trung tâm chuyên trị liệu cho trẻ em gặp vấn đề về buồn đau ở Philadelphia, nói với báo The Philadelphia Inquirer.

Tình cảm này là "đơn phương", song điều đó không có nghĩa là cảm xúc không thật. Theo Krause, cái chết của một nhân vật nổi tiếng sẽ khơi dậy nhiều cảm xúc, ký ức và suy nghĩ khác nhau trong mỗi người. Tháng 7 vừa qua, huyền thoại bóng rổ Mỹ Bill Russell qua đời ở tuổi 88. Krause cho rằng những người tiếc thương Russell không nhất thiết phải từng sống một cuộc đời như siêu sao này, mà đơn giản là "bạn cùng tuổi với ông ta, có cùng sở thích, có con cháu cũng tầm tuổi như con cháu ông ta, hay trước nay vẫn xem ông ta là hình mẫu lý tưởng".

Chuyên gia và diễn giả về tâm lý đau buồn này nói thêm rằng những người của công chúng vẫn thường đóng vai cameo (khách mời nổi tiếng) trong những ký ức quý giá nhất của chúng ta - người nghệ sĩ chơi nhạc trong buổi hẹn hò đầu tiên, nhân vật chính của lễ cưới hoàng gia ta và cả nhà đã từng dõi theo trên TV. Những tình cảm và liên hệ rất cá nhân này là thứ châm ngòi cho cảm xúc đau buồn khi biết tin những người đó đã giã biệt thế giới.

Trong một bài viết năm 2020, biên tập viên sức khỏe tờ Washington Post Angela Haupt cho rằng việc thể hiện đau buồn có vẻ sượng sùng, thậm chí bất công với bạn bè và gia đình thực thụ của chúng ta. "Những người quanh ta có thể coi thường đau buồn của ta (...). Nhưng có nhiều kiểu đau buồn khác nhau và các chuyên gia nhấn mạnh rằng tất cả chúng đều chính đáng" - Haupt viết.

Tác giả dẫn lời nhà tâm lý học Robert A. Neimeyer - giám đốc Portland Institute for Loss and Transition, tổ chức chuyên đào tạo việc trị liệu đau buồn - cho biết vấn đề không phải là quan hệ họ hàng mà là sự gắn bó. Bản chất con người có thể cảm thấy gắn bó không chỉ với đồng loại mà còn với động vật, vật dụng hay những sự kiện thăng trầm của thế giới. 

"Khi tất cả những thứ này mất đi, ta sẽ cảm thấy đau buồn cùng cực. Và tất nhiên, điều này cũng đúng khi ta nói đến một người mình chưa từng quen" - Neimeyer kết luận.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận