28/12/2023 09:28 GMT+7

Gỡ điều kiện kinh doanh karaoke, vẫn còn nhiều quy định chồng chéo

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 54/2019 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Trong đó, đề xuất sửa đổi nhiều nội dung quan trọng.

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đề xuất bỏ một số quy định. Trong ảnh: quán karaoke hoạt động tại quận Bình Thạnh, TP.HCM  (ảnh chụp tối 27-12)  - Ảnh: T.T.D.

Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đề xuất bỏ một số quy định. Trong ảnh: quán karaoke hoạt động tại quận Bình Thạnh, TP.HCM (ảnh chụp tối 27-12) - Ảnh: T.T.D.

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến từ nhiều phía về các đề xuất này.

Bỏ và không bỏ những quy định nào?

Trong số các đề xuất, đầu tiên là bỏ quy định diện tích phòng hát karaoke tối thiểu 20m2 và phòng vũ trường có diện tích từ 80m2 (không kể công trình phụ).

Cùng với đó, đề xuất bỏ quy định địa điểm kinh doanh karaoke, vũ trường phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa từ 200m.

Tuy vậy, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung yêu cầu cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phải bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn áp dụng liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn áp dụng, liên quan đến PCCC tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường.

Cùng với đó, giữ nguyên quy định "không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động" đang quy định tại nghị định 54.

Với việc xuất hiện những hình thức "hát cho nhau nghe", loa kẹo kéo, cơ quan soạn thảo khẳng định các cơ sở kinh doanh karaoke chuyển đổi công năng hoặc biểu diễn là không phù hợp với nghị định 54. Khi đó, các cơ quan chức năng tại địa phương cần kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, bà Ninh Thị Thu Hương, cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết hiện dự thảo nghị định đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó bộ sẽ tiếp thu và trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Bà Hương cho hay, Bộ Xây dựng đã có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với PCCC cho các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường. Vì vậy, quy định điều kiện diện tích tối thiểu phòng hát sẽ không còn cần thiết, không có ý nghĩa cho việc đảm bảo tăng cường công tác PCCC tại cơ sở.

Điều kiện này có tính chất bắt buộc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi thực tế đa số các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình nên chỉ cần các phòng hát đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh đó, việc dự kiến bỏ một số điều kiện, theo bà Hương, cũng đã tháo gỡ một số vướng mắc cho doanh nghiệp.

Quán karaoke đang hoạt động trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Quán karaoke đang hoạt động trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Vấn đề là còn nhiều quy định chồng chéo

Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cũng chỉ rõ thời gian vừa qua đã có rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nói chung và kinh doanh karaoke nói riêng, đặc biệt là liên quan đến công tác đảm bảo an toàn PCCC. Do đó, Thủ tướng đã có các chỉ đạo, yêu cầu tháo gỡ khó khăn.

Theo ông Sơn, hoạt động kinh doanh karaoke không đơn thuần chỉ là một dịch vụ giải trí, mà rõ ràng rằng còn nhiều ý nghĩa hơn thế trong việc giải quyết công ăn việc làm, đáp ứng nhu cầu của người dân. 

Khi các hoạt động kinh doanh karaoke tạm dừng, đã thấy nhiều hệ lụy khác diễn ra, từ việc kinh doanh chui đến việc gây ô nhiễm tiếng ồn ở các khu dân cư, dẫn đến những mâu thuẫn không cần thiết ở cộng đồng, chưa kể là những khó khăn mà người kinh doanh gặp phải. 

Vì vậy, việc chấn chỉnh, sớm đưa dịch vụ karaoke vào hoạt động trở thành yêu cầu cần thiết.

Về việc hoạt động karaoke chưa thể quay trở lại bình thường, ông Sơn cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, qua thực tế cho thấy liên quan đến quy định PCCC, thời gian qua loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn gặp khó khăn. Cụ thể:

Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh liên quan đến loại hình cơ sở kinh doanh karaoke (xây dựng, PCCC, điện, cấp giấy phép ANTT) có sự chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc khắc phục, đảm bảo an toàn về PCCC. 

Thứ hai, đa số cơ sở kinh doanh karaoke được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình, dẫn đến không đáp ứng đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ngay từ thời điểm đưa công trình vào hoạt động và không được duy trì thường xuyên. 

Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ kinh doanh, người dân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo các quy định của pháp luật về PCCC, có tâm lý làm đối phó, dẫn đến vi phạm về PCCC trong đầu tư xây dựng. 

Tất cả những nguyên nhân này khiến việc thực hiện nghiêm các quy định về PCCC trở nên khó khăn nên khi Chính phủ dù có chủ trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động PCCC trên nguyên tắc "bảo đảm yêu cầu an toàn cháy nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm" vẫn khiến hoạt động kinh doanh này chưa thể hoạt động trở lại sớm như mong muốn.

Thời gian tới, ông Sơn nhấn mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dịch vụ karaoke. 

Tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với kinh doanh dịch vụ karaoke theo thẩm quyền, tổ chức tuyên truyền triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh dịch vụ karaoke. 

Đồng thời chỉ đạo sở văn hóa, thể thao và du lịch kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh karaoke.

"Tuy nhiên, do kinh doanh dịch vụ karaoke là dịch vụ hết sức đặc thù, cần có sự phối hợp của các ngành công an, xây dựng, công thương nên hoạt động quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ có thể hiệu quả nếu có sự phối hợp với các bộ, ngành và UBND các cấp. 

Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương cấp phép, quản lý loại hình dịch vụ này sẽ giúp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke. Đồng thời, giúp dịch vụ đặc thù này đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội ở các địa phương", ông Sơn nói thêm.

Nhiều quán karaoke ở Hà Nội vẫn phải đóng cửa do chưa đảm bảo các quy định về PCCC - Ảnh: THÀNH CHUNG

Nhiều quán karaoke ở Hà Nội vẫn phải đóng cửa do chưa đảm bảo các quy định về PCCC - Ảnh: THÀNH CHUNG

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất gỡ khó

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại nhiều tuyến phố trước đây được coi là "thiên đường" karaoke ở Hà Nội như Nguyễn Khang, Triều Khúc, Đê La Thành, Xã Đàn... giờ đây vắng lặng hẳn.

Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tính đến tháng 7-2023, trong tổng số 1.438 cơ sở kinh doanh karaoke có 202 cơ sở đã chính thức giải thể; 93 cơ sở đang tháo dỡ hệ thống âm thanh, loa đài, chuyển đổi loại hình; 128 cơ sở đã chuyển đổi loại hình (nhà hàng, cà phê ca nhạc...).

Đến nay, đã có 21 cơ sở đảm bảo các yêu cầu về PCCC để được đưa vào hoạt động trở lại và 15 cơ sở được cấp giấy chứng nhận thẩm quyền duyệt thiết kế về PCCC đang thi công theo thiết kế được duyệt để tiếp tục được nghiệm thu PCCC và được đưa vào hoạt động, sử dụng trong thời gian ngắn sắp tới.

Đại diện Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội cho hay với tình trạng trên, hiện một số cơ sở đang hoạt động dưới dạng nhà hàng, quán cà phê nhưng có hoạt động tương tự karaoke.

Công an TP Hà Nội sẽ phối hợp cùng đơn vị, ban ngành để tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục các tồn tại về PCCC của các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Góp ý vào dự thảo nghị định, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất giữ nguyên quy định khoảng cách tối thiểu từ quán karaoke, vũ trường đến trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa từ 200m.

Bởi theo sở này, các cơ sở kinh doanh này dùng nhạc mạnh, độ ồn và độ rung lớn, ảnh hưởng cộng đồng xung quanh, nhất là những nơi cần yên tĩnh như đã nêu.

Đề xuất bỏ khoảng cách tối thiểu còn khiến cơ quan chức năng địa phương khó xử lý vi phạm tiếng ồn khi các quán karaoke, vũ trường sử dụng nhạc mạnh. Cơ quan chức năng hiện chưa có phương tiện hữu hiệu đo cường độ, âm lượng, độ rung của âm thanh phát ra từ các cơ sở này.

An toàn cho khách vẫn phải ưu tiên

Được hỏi về nội dung những đề xuất, anh Cường (chủ sở hữu ba cơ sở karaoke ở TP Bắc Giang) nói giờ quy định "như thế nào cũng được" bởi các cơ sở của anh đã đáp ứng các tiêu chí theo quy định cũ và hoạt động trở lại gần nửa năm nay.

Về quy định khoảng cách tối thiểu, anh Cường cho rằng nên giữ như cũ bởi quán karaoke quá gần các cơ sở tín ngưỡng, trường học "ít nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng".

"Về quy định PCCC, tôi cho rằng cần làm mạnh, đúng chứ không làm sai và nên để nguyên quy định này. Nếu nới lỏng không may xảy ra cháy chết người, cuối cùng chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm" - anh Cường nói thêm. Được biết, để hoàn thiện hệ thống PCCC, anh Cường đã phải đầu tư hơn 10 tỉ đồng cho ba cơ sở karaoke mà mình sở hữu.

Còn anh Dũng (chủ hai quán karaoke ở Hà Nội) cho biết hiện các cơ sở của mình đang áp dụng theo tiêu chuẩn hiện hành và đã đủ điều kiện.

Anh cho rằng những dự thảo trên chỉ mang tính hình thức, có chăng nên xem xét cho các quán karaoke hoạt động muộn hơn hoặc nới lỏng các quy định PCCC thì sẽ hiệu quả và bớt phiền hà hơn.

"Quy chuẩn mới 06 của Bộ Xây dựng về PCCC giờ cũng khó cho các quán karaoke, rất tốn kém tiền đầu tư. Hai cơ sở của tôi để đáp ứng các yêu cầu phòng cháy và quay trở lại hoạt động phải đầu tư thêm gần 20 tỉ đồng" - anh Dũng nói thêm.

Nên bỏ tổ chức đoàn thẩm định

Diện tích phòng hát karaoke là một trong các đề xuất bỏ quy định này - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Diện tích phòng hát karaoke là một trong các đề xuất bỏ quy định này - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cũng góp ý vào dự thảo, văn bản của UBND TP.HCM do Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đề nghị bỏ nội dung quy định việc phải tổ chức đoàn thẩm định trước khi cấp phép vì dự thảo đã bãi bỏ các điều kiện về diện tích phòng hát, chốt cửa.

Việc cấp phép căn cứ trên các thành phần hồ sơ đã được tiếp nhận và đảm bảo về các quy định PCCC được xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình tại cơ sở kinh doanh.

Do đó, thời gian cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sẽ được rút ngắn; đồng thời các đơn vị quản lý nhà nước về karaoke, vũ trường tại địa phương tăng cường công tác hậu kiểm các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phù hợp với tình hình thực tế.

Trường hợp cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên thành phần đoàn thẩm định từ nhiều cơ quan như văn hóa, công an, xây dựng và các cơ quan khác liên quan, cần nêu rõ đơn vị chủ trì đoàn thẩm định để xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên, cơ quan tham gia đoàn; thời gian tổ chức đoàn thẩm định do đến từ nhiều cơ quan nên thời gian thẩm định thực tế nên sửa đổi thành bảy ngày làm việc.

Cùng với đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm hai quy định về thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh.

Gồm văn bản chứng minh bảo đảm các điều kiện về phòng chống cháy nổ theo quy định và văn bản chứng minh việc bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Đồng thời quy định cụ thể các biểu mẫu để thống nhất trong quá trình thực hiện, cụ thể là mẫu biên bản kết quả thẩm định; mẫu quyết định thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke; các biểu mẫu quy định phù hợp với dự thảo sửa đổi.

Nên điều chỉnh để dễ kinh doanh

Liên quan đến những nội dung đề xuất sửa đổi, một số chủ quán karaoke ở TP.HCM đều có ý kiến cho rằng họ gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh và đồng tình điều chỉnh diện tích phòng hát karaoke cho phù hợp.

Anh P.V.Q. (chủ quán karaoke ở huyện Bình Chánh) cho biết ủng hộ việc đề xuất điều chỉnh diện tích phòng hát karaoke vì tại TP.HCM đa số các quán karaoke đều thuê lại mặt bằng và cải tạo, kinh doanh nên việc diện tích phòng hát phải từ 20m2 trở lên gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp.

Cũng theo anh Q., anh có một số người bạn mở quán karaoke khu vực trung tâm, tiền thuê mặt bằng giá "trên trời" nên nếu phòng hát có diện tích lớn, số phòng sẽ giảm đi và lợi nhuận không còn cao, không đủ tiền bù vào tiền mặt bằng và các chi phí khác.

Một cán bộ cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM cho biết hiện khá nhiều địa điểm kinh doanh karaoke vẫn còn vi phạm diện tích phòng hát, nhất là khu vực trung tâm.

Theo đó, sử dụng phòng không đủ diện tích sẽ bị phạt từ 15 triệu đến 20 triệu đồng (quy định tại điểm a khoản 6 điều 15 nghị định 38/2021/NĐ-CP). Mức phạt đối với hành vi trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân, còn với tổ chức mức phạt sẽ nhân đôi (khoản 2, 3 điều 5 nghị định 38/2021/NĐ-CP).

Bộ chuyên ngành đề xuất bỏ quy định phòng karaoke tối thiểu 20m²Bộ chuyên ngành đề xuất bỏ quy định phòng karaoke tối thiểu 20m²

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bỏ quy định diện tích phòng hát karaoke tối thiểu 20m², phòng vũ trường có diện tích từ 80m², không kể công trình phụ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên