27/05/2022 09:27 GMT+7

Gỡ nút thắt cho đầu tư công

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Tập trung tháo gỡ những nút thắt như phân bổ vốn, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... mới có thể khơi thông được nguồn vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả vào nền kinh tế.

Gỡ nút thắt cho đầu tư công - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt dài 208km đến nay mới đầu tư được 19km đoạn Liên Khương - Prenn (Đà Lạt) - Ảnh: T.T.D

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng "có tiền mà không tiêu được" như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khuyến cáo. 

Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết việc phân bổ vốn đang có nhiều bất cập. Đơn cử như việc triển khai vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững với trên 100.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025, đến nay mới phân bổ vốn. Đưa vốn xuống các bộ ngành, địa phương nhanh nhất cũng mất tới 1 tháng nữa...

* Nhiều địa phương than thủ tục hành chính triển khai dự án rất chậm, thưa ông?

- Quả thực, thủ tục hành chính hiện nay rất phức tạp. Đơn cử như chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa, đất rừng sang đất chuyên dụng rất nhiêu khê. Dự án Trường Sơn Đông là ví dụ. Dù đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, các quyết định phân bổ vốn đầu tư công trung hạn, rồi kế hoạch sử dụng đất... và trình các cấp có thẩm quyền rồi, nhưng dự án này suốt nhiều năm nay vướng vì chuyển đổi đất rừng. Tương tự, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, dù vốn đầu tư công đã bố trí hơn 2.000 tỉ đồng, nhà đầu tư cũng chuẩn bị vốn nhưng lại vướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng hơn một năm nay.

Do đó, cần phải có quy định thủ tục hành chính nhanh, gọn và ấn định thời gian rõ ràng về tiến độ thực hiện. Chứ chúng ta đang làm theo kiểu "không giới hạn" về tiến độ và thời gian, các bộ ngành và địa phương cũng không đưa ra mốc thời gian là đến bao giờ cần phải thực hiện xong thủ tục hành chính, hồ sơ bị trả lên trả xuống sẽ không thể làm được.

* Những bất cập trong quy định đấu thầu, đấu giá cũng là rào cản của việc giải ngân vốn đầu tư công?

- Trong đấu thầu hiện nay, các cơ quan đều có tâm lý ngại, không dám mua sắm. Thậm chí có tình trạng là mời tất cả các thành phần không phải trong hội đồng thẩm định giá (các cơ quan tố tụng như kiểm sát, công an...) đến dự để chia sẻ kinh nghiệm. Do đó, hội đồng thẩm định giá, cơ quan tư vấn thẩm định giá cũng không dám ký hợp đồng. Bởi trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận có độ vênh, không ai dám đấu giá, đấu thầu.

Vì vậy, trong Luật đấu giá, đấu thầu phải tính toán sửa đổi cơ chế chính sách, gắn với sửa đổi quy định quản lý tài sản công. Theo tôi, cần có trung tâm mua sắm tài sản công từng địa phương, thực hiện vai trò mua sắm, đấu thầu thiết bị tài sản công, có năng lực thẩm định giá, năng lực đấu thầu, bám sát diễn biến thị trường... mới có hiệu quả được.

* Việc thiếu cơ chế điều chỉnh giá nguyên vật liệu đầu vào, khi giá của hầu hết các nguyên vật liệu tăng mạnh, cũng là lý do khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ?

- Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhất là cuộc chiến Nga - Ukraine, giá vật liệu xây dựng tăng đồng loạt, giá xăng dầu, rồi giá vận chuyển tăng mạnh... khiến giá đầu vào bị đội lên trong khi việc bỏ thầu diễn ra trước đó, có độ trễ về giá. Nhưng cơ quan nào sẽ thẩm định giá cho phù hợp, sát với giá thị trường?

Ví dụ, giá một khối đá là 500.000 đồng nhưng bây giờ tăng lên 700.000 đồng, ai sẽ điều chỉnh? Việc điều chỉnh có vi phạm pháp luật hay không?... Nếu không được các cơ quan thẩm định phê duyệt sẽ làm cho dự án càng chậm trễ. Do đó, luật về giá cần phải sửa đổi bổ sung để các cơ quan có thẩm quyền ban hành khung giá linh động, quyết định giá cả sát với thị trường. Bởi với giá cả như vậy, nhà đầu tư thường có tâm lý chờ thay đổi chính sách hơn là làm sẽ bị lỗ, dẫn tới dự án bị kéo dài và chậm trễ.

Gỡ nút thắt cho đầu tư công - Ảnh 2.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài - Ảnh: Q.ĐỊNH

* Theo ông, cần có giải pháp nào để gỡ nút thắt "có tiền mà không tiêu được"?

- Vừa qua Thủ tướng đã thành lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho từng địa bàn. Với từng dự án, trung ương và địa phương phải ngồi lại, đánh giá khâu nào đội vốn và lãng phí, đặc biệt là gỡ nút thắt về vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì dự án càng chậm, tiền đền bù giải phóng mặt bằng càng tăng, vốn đầu tư bị đội lên, dự án kém hiệu quả, lãng phí và ta sẽ có tội với dân.

Chỉ có chính quyền địa phương hiểu được dân, nắm sắt dân. Do đó, cần tách hợp phần giải phóng mặt bằng tái định cư cho chính quyền địa phương làm, thí điểm từng tỉnh sẽ hiệu quả hơn nhiều, thậm chí còn vận động được nhân dân hiến đất, giảm chi phí. Vừa rồi có bài học ở Long Thành đã thực hiện, giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, tới đây các dự án khác cũng cần làm theo mô hình này.

Để tránh việc sợ trách nhiệm, cần phải tổng hợp lại những vướng mắc, bất cập, xin Quốc hội phê duyệt một nghị quyết trên luật để tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, thí điểm cho từng vấn đề ở từng địa phương trước khi nhân rộng ra cả nước nếu có hiệu quả. Chứ cứ để vướng mắc như vậy sẽ khó đẩy nhanh giải ngân vốn.

* Đại biểu Trương Quốc Huy (chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam):

Sớm gỡ thủ tục đấu thầu

Anh Box 4

Khó khăn, ách tắc nhất trong việc giải ngân vốn đầu tư công chính là vấn đề giải phóng mặt bằng. Do đó, để giải ngân vốn đầu tư công nhanh, việc đẩy mạnh giải phóng mặt bằng là số 1, khi có mặt bằng nhà thầu thi công sẽ thực hiện nhanh. Ngoài ra, phải lựa chọn nhà thầu thi công có đủ năng lực, cơ bản khối lượng sẽ thực hiện bằng đúng năng lực chứ ít sử dụng nhà thầu phụ.

Với tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được", theo tôi, là do các thủ tục đấu thầu mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, một dự án muốn triển khai được phải qua 3 lần đấu thầu gồm đấu thầu tư vấn thiết kế, lập bản vẽ thi công và lựa chọn nhà thầu xây lắp hoặc xây dựng. Mà nếu giao vốn chậm, chắc chắn không tiêu được khi có tới 3 lần đấu thầu như vậy. Do đó, cần giao vốn sớm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cho phép chỉ định thầu với những nhà thầu uy tín, thay cho đấu thầu 3 lần như hiện nay sẽ nhanh hơn.

* Đại biểu Hà Sỹ Đồng (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị):

Cần một nghị quyết riêng về đầu tư công

Anh Box 3

Vấn đề đầu tư công hiện nay luật đang quy định rất là cứng, phân bổ nguồn lực có phần chậm theo kế hoạch, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tiền nằm trên giấy còn nhiều, như chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững... 2 năm rồi mới bắt đầu phân bổ, rất là chậm và không đạt kỳ vọng.

Theo tôi, việc triển khai chưa đạt được như kỳ vọng do cơ chế của chúng ta chưa đảm bảo tính linh hoạt trong lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực chậm tiến độ, chưa kể nút thắt đền bù giải tỏa và giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ có giải pháp để phân bổ nguồn lực sớm hơn, kịp thời hơn, cho các địa phương cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh giá, điều chỉnh dự toán bổ sung theo giá thị trường.

Ngoài ra, cần tính đến việc ban hành nghị quyết điều chỉnh các chính sách khác cho phù hợp để nâng cao chất lượng đầu tư công.

T.CHUNG - N.AN

* Ông Phan Văn Mãi (chủ tịch UBND TP.HCM):

Sẽ điều chuyển vốn những dự án chậm giải ngân

Anh Box 2

TP.HCM có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, một số chủ đầu tư, nhà thầu chưa quyết liệt chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư; giá vật tư tăng, rồi ảnh hưởng của dịch COVID-19... Về chủ quan, UBND TP phân bổ, giao vốn chậm, đến hết tháng 2-2022 mới hoàn thành việc phân bổ. Sở KH-ĐT còn nể nang, không quyết liệt nhắc nhở kịp thời các chủ đầu tư, nhà thầu trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục...

Ngoài việc chỉ đạo đẩy nhanh việc giao vốn, vừa qua TP đã có văn bản chỉ đạo và chương trình hành động cụ thể đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công. Hằng tháng, TP tổ chức họp giao ban để kiểm tra tiến độ, tháo gỡ vướng mắc và đôn đốc việc giải ngân. TP cũng thành lập 2 tổ công tác, một tổ theo dõi các dự án được giao vốn lớn nhưng giải ngân chậm và một tổ về giải phóng mặt bằng.

Thời gian tới, TP thành lập thêm tổ theo dõi các dự án có vốn ODA. Đặc biệt, TP sẽ rà soát và mạnh dạn điều chuyển vốn của những dự án không giải ngân được sang cho các dự án có tiến độ, có khối lượng.

T.LONG

* Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên):

Phải hỗ trợ giải phóng mặt bằng

Anh Box 1

Thái Nguyên nằm trong tốp các địa phương giải ngân vốn đầu tư công tốt của cả nước, đạt 27% so với mức gần 17% của cả nước. Muốn giải ngân vốn đầu tư công tốt, theo tôi, đầu tiên phải tăng cường công tác hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch, sớm, đúng quy định, giúp các nhà thầu có thể thực hiện nhanh các dự án.

Công tác chuẩn bị đầu tư cũng phải được chuẩn bị kỹ càng, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường phối hợp, xin ý kiến của các cơ quan trung ương, bộ, ngành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng tăng cường các phiên họp chuyên đề để quyết định nhanh việc đầu tư dự án. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng có khó khăn khi có sự chồng chéo của các quy định pháp luật, thiếu thống nhất, đồng bộ của các văn bản hướng dẫn.

T.CHUNG

Giải ngân vốn đầu tư công: Cả chục ngàn tỉ Giải ngân vốn đầu tư công: Cả chục ngàn tỉ 'nằm kho' vì cán bộ lo... trách nhiệm

TTO - Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt 22,37% kế hoạch. Vì thế, không chỉ yêu cầu kiểm điểm với đơn vị không hoàn thành kế hoạch, Thủ tướng đã phải lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên