07/04/2022 08:39 GMT+7

Gỡ rối giảm thuế VAT

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Các cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xuất một hóa đơn có nhiều mức thuế, trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỉ lệ tính thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ…

Gỡ rối giảm thuế VAT - Ảnh 1.

Nhiều siêu thị cho biết mỗi ngày xuất hàng chục ngàn hóa đơn, nếu phải tách thành hóa đơn riêng cho từng loại thuế suất sẽ quá tải và tăng chi phí - Ảnh: QUANG ĐINH

Đây là đề xuất của Bộ Tài chính trong tờ trình Chính phủ liên quan đến sửa đổi nghị định 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết 43 của Quốc hội.

Theo bộ này, phản ảnh của doanh nghiệp, nhất là các đơn vị bán lẻ, cho thấy quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 8% làm tăng chi phí cho doanh nghiệp do tốn thêm chi phí sử dụng hóa đơn.

Siêu thị rối, người tiêu dùng "mù mờ"

Trái với sự háo hức ban đầu khi nghe tin được giảm thuế VAT, nhiều người tiêu dùng cho biết dù mua hàng hóa ở nơi có hóa đơn chứng từ nhưng không biết có được giảm thuế hay không.

Chị Kim Phượng (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết trong hóa đơn 466.000 đồng khi mua hàng ở siêu thị Emart gần nhà, ở mục thuế có ghi rõ "VAT08" và "VAT10", kế bên là số tiền. Chị hiểu đó là số tiền nộp thuế tương ứng với thuế suất 8% và 10%.

Từng mặt hàng thuế suất bao nhiêu thì chị không biết vì siêu thị chỉ ghi chung chung. Trong khi ở siêu thị, trên hóa đơn cũng với 4 cột thể hiện mặt hàng, đơn giá, số lượng, thành tiền nhưng cuối hóa đơn lại không có dòng nào thể hiện số thuế VAT cũng như mức được giảm là bao nhiêu mà chỉ ghi chú một câu ngắn gọn là "Giá đã bao gồm thuế VAT".

"Như vậy, tôi không biết mặt hàng nào thuế suất bao nhiêu, mặt hàng nào giảm mặt hàng nào không. Không biết mình nhờ ưu đãi thuế VAT tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Khi được tôi hỏi, nhân viên siêu thị nói tính tự động trên hệ thống, mặt hàng quá nhiều nên cũng không biết thuế mỗi mặt hàng là bao nhiêu", chị Kim Phượng nói.

Anh Mạnh Quân (quận 7) nói khi đi uống cà phê tại quán Phúc Long, ly nước niêm yết trên thực đơn giá 55.000 đồng nhưng khi tính tiền anh chỉ phải trả 54.000 đồng. Nhân viên bán hàng nói giá giảm do giảm thuế, nhưng khi in hóa đơn chỉ ghi giá chứ không thể hiện thuế.

Tương tự, anh Quân mua đồ trong cửa hàng Circle K, hóa đơn cũng không ghi mức thuế bao nhiêu mà chỉ ghi chung chung là đã bao gồm thuế. Khi tìm hiểu, anh mới biết rằng có vướng mắc trong quy định tách gộp hóa đơn.

Cụ thể, mỗi hóa đơn chỉ ghi 1 thuế suất, nếu gộp tất cả mặt hàng với nhiều thuế suất trên một hóa đơn sẽ tính theo thuế suất cao nhất, người tiêu dùng bị thiệt.

Nhưng nếu tách hóa đơn theo quy định sẽ làm phát sinh chi phí rất lớn do số lượng hóa đơn trên toàn hệ thống siêu thị mỗi ngày lên đến con số hàng chục ngàn. Do vậy, mỗi nơi ghi mỗi kiểu, miễn sao lách được việc tách hóa đơn mà người tiêu dùng cũng được giảm thuế.

Gỡ rối giảm thuế VAT - Ảnh 2.

Nhiều cửa hàng tính thuế VAT theo nhiều cách khác nhau - Ảnh: N.PHƯỢNG

Quá phức tạp, tốn thời gian và chi phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc phụ trách tài chính một siêu thị lớn tại Hà Đông (Hà Nội) cho rằng siêu thị kinh doanh hàng ngàn sản phẩm với thuế suất 10%, 8% và 5%, nên việc tách hóa đơn khiến kế toán mất rất nhiều thời gian.

"Giá như hàng hóa và dịch vụ được lập cùng 1 hóa đơn, trên hóa đơn thể hiện từng mặt hàng ứng với mức thuế và giá tiền thì doanh nghiệp sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều", vị này nói.

Một khó khăn nữa là siêu thị không thể tìm lại người mua để xuất lại hóa đơn được. Do quyết định giảm thuế VAT (từ 10% xuống 8% với một số hàng hóa, dịch vụ) được ban hành sát Tết Nguyên đán và có hiệu lực từ ngày 1-2 (mùng 1 Tết) nên nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay.

"Việc tìm lại người mua để hai bên lập biên bản hủy hóa đơn cũ rồi xuất lại hóa đơn theo mức giảm thuế như quy định... khó như lên trời", lãnh đạo một siêu thị nói.

Chị N.Q.L. - kế toán trưởng của một doanh nghiệp chuyên dịch vụ chăm sóc, sửa chữa ôtô trên đường Giải Phóng (Hà Nội) - cho biết việc xuất hóa đơn dịch vụ sửa chữa có gắn với phụ tùng, linh kiện gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, khách cần bảo dưỡng và sơn phần bị trầy xước ở cửa xe với tổng chi phí 5 triệu đồng, gồm tiền sơn và dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa.

Do dịch vụ sửa chữa được hưởng thuế suất 8%, trong khi sơn không được giảm thuế VAT nên phải lập hóa đơn VAT riêng, rất phức tạp và mất thêm thời gian.

"Nếu khách đồng ý xuất chung hóa đơn, chúng tôi không tách và để cùng một thuế suất VAT là 10%, khách hàng bị thiệt. Nếu xuất 2 hóa đơn riêng, doanh nghiệp lại mất thêm thời gian" - chị N.Q.L. đặt câu hỏi.

Nhiều doanh nghiệp lớn cũng vướng mắc về vấn đề này. Gửi câu hỏi đến Cục Thuế TP Hà Nội, Công ty TNHH Panasonic VN cho hay hệ thống không cài đặt được để xuất hóa đơn tách linh kiện có thuế 8% và 10% vì có quá nhiều loại linh kiện.

Vậy doanh nghiệp có xuất chung hóa đơn với thuế suất 10% được không? Theo Cục Thuế TP Hà Nội, doanh nghiệp phải lập hóa đơn riêng, nếu không sẽ không được giảm thuế.

Lập hóa đơn chung để giảm chi phí

Trong tờ trình Chính phủ lấy ý kiến sửa đổi nghị định 15 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết 43 của Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ có thuế suất 8% làm tăng chi phí cho doanh nghiệp do tốn thêm chi phí sử dụng hóa đơn.

Tại TP.HCM, hệ thống siêu thị Co.opmart phản ánh một ngày hệ thống sử dụng trên 10.000 hóa đơn điện tử, việc tách riêng các hóa đơn sẽ gây tốn kém chi phí của doanh nghiệp. Tại Hải Phòng, công ty cấp nước thu tiền nước trên toàn TP mỗi tháng phải lập 400.000 số hóa đơn.

Việc phải tách hóa đơn cho khoản thu hộ tiền dịch vụ thoát nước với thuế 8% khiến số hóa đơn lập một tháng sẽ tăng gấp đôi.

Tiền dịch vụ thoát nước được xác định căn cứ vào số nước tiêu thụ hằng tháng nên việc tách hóa đơn sẽ gây khó khăn trong việc đối chiếu, kiểm tra của khách hàng, chưa kể phát sinh rất lớn các chi phí về nâng cấp, sửa đổi phần mềm hóa đơn, phần mềm kế toán, nhân lực đi kèm... cho doanh nghiệp.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN cũng đề nghị cho phép doanh nghiệp được lập chung 1 hóa đơn và trên hóa đơn thể hiện thuế suất cho từng mặt hàng.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất nội dung sửa đổi là cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xuất hóa đơn có nhiều mức thuế, trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỉ lệ tính thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ.

Từ ngày 1-2 đến ngày nghị định này có hiệu lực, cơ sở kinh doanh đã xuất hóa đơn mà ghi rõ thuế suất không phải điều chỉnh lại hóa đơn và không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.

Giảm thuế VAT, vừa làm vừa lo Giảm thuế VAT, vừa làm vừa lo

TTO - Hơn một tháng kể từ khi áp dụng nghị định 15 của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%, nhiều doanh nghiệp vừa làm vừa lo vì chưa được hướng dẫn cụ thể, trong khi việc giảm thuế này đang gặp nhiều vướng mắc.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên