10/08/2013 10:32 GMT+7

Gỡ vướng gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỉ

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Đến hết tháng 5-2013, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản lên tới trên 237.000 tỉ đồng, tăng 4% so với thời điểm cuối tháng 12-2012.

Sáng 9-8, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, nhiều doanh nghiệp và địa phương cho rằng các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, đặc biệt là gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, vẫn chưa phát huy tác dụng do vướng mắc tại các ngân hàng.

56 người vay 11 tỉ đồng từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồngBộ trưởng Trịnh Đình Dũng: gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được triển khai đúng hướngGói tín dụng 30.000 tỉ đồng: Thủ tục cản lối người vay

VH2KCzFU.jpgPhóng to
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (trái) và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trao đổi tại kỳ họp lần 11 về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
YMu7WCse.jpgPhóng to
Không chỉ người dân mà chủ đầu tư dự án nhà xã hội cũng khó tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng - Ảnh: N.KHÁNH

Tại cuộc họp, Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết hết tháng 5-2013, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản lên tới trên 237.000 tỉ đồng, tăng 4% so với thời điểm cuối tháng 12-2012.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, để đảm bảo an toàn, các NH thương mại vẫn chỉ cho vay đối với khách hàng tiềm năng, có tài sản đảm bảo, do vậy nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn.

Vẫn khó tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng

Trao đổi về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản tại cuộc họp, đại diện Vietinbank cho biết đến nay NH này đã ký hợp đồng được 12 dự án, tiếp nhận hồ sơ của 300 khách hàng, trong đó đã ký hợp đồng tín dụng với 66 khách hàng với số tiền cam kết cho vay 20,3 tỉ đồng.

Vietcombank cũng đã ký hợp đồng với 50 khách hàng, số tiền giải ngân 11,7 tỉ đồng, trong khi chưa ký hợp đồng với dự án nào. Đại diện BIDV cho biết NH này đã nhận được 23 hợp đồng, nhưng vẫn chưa giải ngân được do vướng ở Bộ Tư pháp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đồng Tiến - phó thống đốc NH Nhà nước - cho rằng việc giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đang gặp khó vì nguồn cung nhà ở xã hội chưa nhiều, nhà ở thương mại đủ điều kiện vay còn ít, chưa kể một số vướng mắc khác liên quan tới tài sản bảo đảm, công chứng hồ sơ...

NH Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát chỉ đạo, xem việc triển khai gói tín dụng này là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2013. Cũng theo ông Tiến, NH Nhà nước nhất trí lập tổ công tác do NH Nhà nước chủ trì đi kiểm tra, giám sát việc triển khai gói 30.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN Nguyễn Ngọc Thành bức xúc cho rằng trong thực tế, khi khách hàng gõ cửa một số NH, chẳng hạn như Vietinbank, BIDV..., hầu hết các chi nhánh của những NH này đều cho biết chưa có hướng dẫn của hội sở nên không biết ký hợp đồng cho vay như thế nào.

Theo ông Thành, Vietinbank yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ sổ đỏ. Đây là một đòi hỏi gây khó cho doanh nghiệp, do các dự án nhà ở xã hội đều mới triển khai.

Ông Thành cũng cho biết nhiều doanh nghiệp cam kết nếu khách hàng sau khi vay tiền mà không đủ điều kiện thanh toán, chủ đầu tư sẽ mua lại căn hộ, nhưng đến nay chưa NH nào chấp thuận đề xuất này của doanh nghiệp, dẫn đến việc vay vốn của người dân gặp không ít khó khăn.

“Gói 30.000 tỉ đồng là chủ trương hết sức đúng đắn, nhưng dư luận nhân dân đang rất thất vọng do có quá nhiều thủ tục nhiêu khê khiến người có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được nguồn vốn này” - ông Thành nói.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các NH phải tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. “Tôi rất mừng khi nghe các NH báo cáo về số hồ sơ được duyệt, nhưng tại sao giải ngân còn ít. Đề nghị cần kiểm tra tiến độ trong một tháng tới đây để xem giải quyết được bao nhiêu, vướng cái nào để gỡ. Các bộ, các địa phương cũng vậy, vướng chỗ nào cần ra văn bản để tháo gỡ kịp thời ngay” - ông Hải nói.

Ông Hải cũng lưu ý các dự án nhà ở xã hội đã ký hợp đồng trước ngày 7-1-2013 (thời điểm Chính phủ ban hành nghị quyết 02 - PV) cần phải đưa vào danh mục được vay gói 30.000 tỉ đồng.

Giải phóng tồn kho bất động sản để cứu ximăng, thép...

Dừng dự án đã giải phóng mặt bằng dưới 30%

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam kiến nghị Chính phủ cho phép tạm dừng triển khai các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang đạt dưới 30% diện tích của dự án tại tất cả địa phương trên cả nước.

Các dự án đã giải phóng mặt bằng trên 70% đang thi công xây dựng dở dang, cho phép cơ cấu lại dự án theo hướng tăng căn hộ diện tích nhỏ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cho phép một số dự án chuyển công năng từ nhà ở sang nhà dịch vụ, văn phòng, trung tâm thương mại mà thị trường có nhu cầu. Ngoài ra, lựa chọn một số trong các dự án này để chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động khu công nghiệp.

Cũng tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. “Tồn kho không chỉ ở chung cư, nhà xây xong rồi mà cả những dự án chưa giải phóng mặt bằng, hoặc dự án giải phóng xong nhưng chưa đầu tư hoặc đầu tư được một phần hạ tầng mà chưa xây dựng công trình. Thậm chí có những dự án đã thu tiền của người dân nhưng vẫn chưa xây dựng hoặc xây dựng dang dở, dẫn đến tranh chấp, gây mất ổn định xã hội” - ông Dũng nói.

Trong khi đó, hiện có tới 1,74 triệu người có thu nhập thấp và khoảng 1,75 triệu công nhân có nhu cầu bức thiết về nhà ở, tương đương 700.000 căn hộ. Do đó, không hề lo bị ế hay tồn cung, vấn đề cần quan tâm là tăng cầu cho phân khúc này. Ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho biết một bộ phận khá lớn cán bộ công chức, lực lượng vũ trang hiện đang rất bức xúc về nhà ở. Số này thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng, trong đó chi phí cho đi lại ăn ở học hành tới 70-80%, hết sức tiết kiệm mới dành dụm được 15-20% còn lại thì cũng rất khó để mua nhà ở hiện nay.

Chẳng hạn, nếu mua một căn hộ giá khoảng 800 triệu đồng, trừ 170 triệu đồng (hơn 20% giá trị) phải nộp ngay, số còn lại phải vay NH với lãi suất hiện hành, mỗi năm người vay phải trả 40 triệu đồng tiền lãi, chưa kể tiền nợ gốc thì rất khó trong điều kiện thu nhập nêu trên. “Cần xem xét lại chính sách và lãi suất để làm thế nào vừa giải quyết được cán bộ công nhân viên có được mức thu nhập như mong muốn, vừa có thể tiếp cận được với nhà ở” - ông Tín nói.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội không có ngân sách bao cấp là một khó khăn lớn, do doanh nghiệp không mặn mà vì lợi nhuận thấp, thu hồi kéo dài. Thực tế chuyển đổi từ dự án thương mại sang nhà ở xã hội dù đăng ký nhiều nhưng hiện nay Hà Nội chỉ mới có hai dự án, trong khi TP.HCM vẫn chưa có dự án nào được thi công. Ông Dũng khẳng định thời gian tới cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản gắn với chiến lược phát triển nhà ở. “Hướng phát triển nhà ở xã hội để giải quyết hàng tồn kho không chỉ là bất động sản mà còn là thép, ximăng, đồ gia dụng, điện tử...” - ông Dũng nói.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục rà soát về chuyển dịch cơ cấu nhà, đặc biệt tập trung gỡ các vướng mắc ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phải công khai minh bạch thông tin, nghiên cứu khung pháp lý để cải tạo chung cư cũ, đẩy mạnh các phần việc liên quan tới nhà ở cho người có công, nhà ở cho người nghèo, nhà chống lũ miền Trung, cụm tuyến dân cư đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở sinh viên, nhà ở cho người nước ngoài...

Tồn kho bất động sản gần 109.000 tỉ đồng

Đến hết tháng 6-2013, theo thống kê của Bộ Xây dựng, báo cáo của 56/63 sở xây dựng trên cả nước cho biết tổng giá trị tồn kho bất động sản lên tới gần 109.000 tỉ đồng. Trong đó, chung cư tồn kho gần 28.000 căn, nhà thấp tầng 15.000 căn, đất nền nhà ở gần 9 triệu m2 và đất nền thương mại khác hơn 2 triệu m2. Nếu cộng thêm số liệu của bảy địa phương chưa báo cáo (gồm Yên Bái, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Trà Vinh), con số này chắc chắn sẽ tăng thêm không ít. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, số liệu này chưa đầy đủ do một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định, nội dung báo cáo chưa đầy đủ và kịp thời.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên