08/03/2014 07:01 GMT+7

Gói 30.000 tỉ đồng: Vốn treo, người nghèo đói vốn

A.HỒNG - Đ.DÂN - L.HOÀI
A.HỒNG - Đ.DÂN - L.HOÀI

TT - Sau gần mười tháng triển khai, đến nay gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng mới chỉ giải ngân được khoảng... 9%, số cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ này vẫn còn rất ít.

Gói 30.000 tỉ đồng: đã giải ngân được 1.068,5 tỉ đồng

Phóng to
Công nhân làm việc trên công trình xây dựng nhà ở xã hội HQC Plaza (ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Đây là dự án đầu tiên của TP.HCM được giải ngân gói 30.000 tỉ đồng (ảnh chụp ngày 7-3) - Ảnh: T.T.D.

Phóng to
Đến nay, tại TP.HCM chỉ mới có một doanh nghiệp được xét duyệt cho vay và giải ngân gói 30.000 tỉ đồng - Ảnh: T.T.D.

Trong khi các ngân hàng (NH) bảo phải đảm bảo khả năng thu hồi nợ, nhiều khách hàng cho biết đã bị NH làm khó.

Khách hàng, chủ dự án đều gặp khó

Suốt hai tháng nay chị Lê Bảo Chi, một viên chức Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, cất công lùng sục các dự án trên địa bàn nằm trong diện được vay gói 30.000 tỉ đồng, nhưng công cốc. “Các sản phẩm nhà ở xã hội quá ít, có một vài dự án nhưng đang trong quá trình làm móng, lại ở vị trí rất xa. Khi tìm được các dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện, nhưng đến NH làm thủ tục thì họ trả lời không giải ngân cho các dự án đó”, chị Chi ngao ngán.

Người vay vốn phải tự chịu trách nhiệm về khai báo tình trạng nhà ở

Trong văn bản đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc gói 30.000 tỉ đồng vừa được gửi các cơ quan thẩm quyền, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị sớm có hướng dẫn cho phép sử dụng căn hộ hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp, thay vì đòi tài sản thế chấp và phương án trả nợ khả thi như hiện nay. Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị sửa đổi quy định về xác nhận điều kiện nhà ở của cán bộ công nhân viên chức tại thông tư 18 của Bộ Xây dựng. Theo đó, người vay vốn phải chịu trách nhiệm về sự khai báo tình trạng nhà ở của mình, thay vì yêu cầu “đơn vị xác nhận phải chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận của mình”.

Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Q.Tân Phú cho biết phần lớn dự án do đơn vị này phân phối đều đủ điều kiện để khách có thể vay gói 30.000 tỉ đồng như diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nhưng luôn bị tắc tại các NH. Chỉ riêng trong tháng 2-2014, hơn 20 khách hàng của sàn này đến NH làm thủ tục vay gói 30.000 tỉ đồng, nhưng “hồ sơ mang đến lại mang về”, với những nút thắt chủ yếu là xác nhận hiện trạng nhà ở, chứng minh thu nhập...

Trong khi đó, chủ đầu tư những dự án nhà ở thương mại đã được chuyển đổi sang nhà ở xã hội cũng bức xúc cho rằng việc tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng gặp rất nhiều khó khăn ở khâu thẩm định của NH. Chẳng hạn, dự án khu căn hộ tại quận Tân Phú của Công ty 584 với 418 căn đã được phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi NH Nhà nước đề xuất cho dự án này được vay 125 tỉ đồng, nhưng đến nay sau ba tháng NH BIDV vẫn “đang thẩm định hồ sơ”. Do vẫn “dài cổ” chờ giải ngân, kế hoạch hoàn thành dự án vào tháng 3-2014 đang có nguy cơ phá sản.

Hỗ trợ người mua hay chủ đầu tư?

Trao đổi với chúng tôi, các NH cho biết dù muốn cho vay để giải phóng nguồn vốn nhưng có quá nhiều vướng mắc. Dẫn trường hợp dự án căn hộ tại Tân Phú như khách hàng phản ảnh, ông Nguyễn Ngọc Linh, PGD BIDV chi nhánh TP.HCM, cho biết đơn vị bán hàng là nhà đầu tư thứ cấp chứ không phải chủ đầu tư. Trong khi đó, theo quy định, NH chỉ được cho vay gói 30.000 tỉ đồng khi khách hàng mua căn hộ của chủ đầu tư chứ không được cho vay khi ký qua nhà đầu tư thứ cấp.

“Chúng tôi đã hướng dẫn khách hàng nhờ doanh nghiệp đầu tư thứ cấp xin ủy quyền của chủ đầu tư, nhưng đến nay thủ tục này vẫn chưa có nên chúng tôi chưa thể xét duyệt, còn về phía khách hàng không vướng mắc gì” - ông Linh nói. Theo ông Linh, nếu chủ đầu tư bán trực tiếp cho khách hàng thì không sao, nhưng nếu bán qua một nhà đầu tư thứ cấp thì khách hàng không được hưởng gói 30.000 tỉ đồng do theo quy định, NH chỉ hỗ trợ chủ đầu tư đầu tiên. “Nên bỏ quy định này vì nếu không, chính sách ưu đãi này chỉ tháo gỡ cho chủ đầu tư chứ không hỗ trợ được cho người mua nhà”, ông Linh nói.

Ngoài ra, các NH cũng cho biết đang gặp vướng mắc là hầu hết dự án đều đã bị chủ đầu tư thế chấp trước đó để lấy vốn triển khai dự án. “Một tài sản không thể thế chấp tại hai NH. Do vậy phải gỡ bằng cách yêu cầu NH cho vay trước ra văn bản khẳng định có biết chủ đầu tư bán căn hộ đã được thế chấp và chấp nhận điều này để làm bằng chứng. Tuy nhiên nhiều NH không chấp nhận vì tâm lý muốn giữ khách hàng để chính NH cho vay”, lãnh đạo một NH nói.

Khâu xác nhận tình trạng nhà ở cũng là một “thách thức” với các NH. Để thúc đẩy nhanh khâu này NH phải hỗ trợ làm hồ sơ cho khách hàng, tư vấn cách xin xác nhận ở phường, thậm chí cần thiết nhân viên NH phải đi chung với khách hàng vì hiện nay nhiều địa phương vẫn làm khó dễ người mua nhà vì sợ liên lụy trách nhiệm. “Thậm chí chúng tôi phải yêu cầu cán bộ ghi thẳng vào hồ sơ là “không xác nhận” để làm báo cáo gửi lên UBND TP.HCM thì địa phương mới buộc lòng xác nhận”, giám đốc một NH kể.

Lại chờ tháo gỡ vướng mắc

Ông Đỗ Đức Duy - chánh văn phòng Bộ Xây dựng - cũng cho rằng tỉ lệ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng quá thấp trước hết là do sản phẩm nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp không nhiều hoặc chưa đủ nhiều để có thể giải ngân. Đến nay, trong tổng số 81 dự án nhà ở xã hội với tổng số 47.000 căn, chỉ mới có 11 dự án đang mở bán với tổng số 6.800 căn. Còn lại chủ yếu đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị khởi công và vừa mới khởi công.

Ngoài ra, theo ông Duy, gói 30.000 tỉ đồng đang bị vướng phía các NH. Trong khi hầu hết khách hàng là người nghèo, có thu nhập thấp thì các NH khi xem xét hồ sơ vay đều buộc phải có tài sản thế chấp, phương án thu hồi nợ khả thi. Điều này khiến việc duyệt hồ sơ gặp khó và số lượng hồ sơ không được nhiều.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, ông Duy cho biết Bộ Xây dựng hiện đang phối hợp với NH Nhà nước cùng các bộ ngành liên quan để sớm ban hành thông tư, trong đó quy định cho phép người mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp được thế chấp nhà ở trong tương lai để vay vốn. Dự kiến trong tháng 3-2014, thông tư này sẽ được ban hành để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất với Chính phủ và NH Nhà nước cho phép kéo dài thời hạn cho vay lên 15 năm, hạ lãi suất từ 6%/năm xuống 5%/năm.

A.HỒNG - Đ.DÂN - L.HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên