18/09/2004 07:48 GMT+7

Góp thêm 3 ý kiến cho chấn hưng giáo dục

HOÀNG TƯ KHOA (Hà Nội)
HOÀNG TƯ KHOA (Hà Nội)

TT - Ngoài những vấn đề mà GS Hoàng Tụy đã nêu, chúng tôi thấy cần bổ sung một số ý kiến như sau:

1. Một nguyên nhân cơ bản của sự yếu kém trong ngành GD là những người lãnh đạo GD ở ta trên diễn đàn chính thức (trả lời chất vấn của Quốc hội) và không chính thức đều không tỏ ra có nhận thức và thực tâm đau lòng một cách có trách nhiệm trước những yếu kém của ngành GD mà xã hội, cha mẹ học sinh và chính các học sinh đang phải gánh chịu do sự yếu kém trong đổi mới quản lý GD.

Dư luận bàn luận nhiều về yếu kém của quản lý SGK nhưng ít ai nói tới nguyên nhân của sự trì trệ kéo dài trong quản lý SGK, có lẽ là do lợi nhuận khổng lồ của Nhà xuất bản GD đang là nguồn tài chính quan trọng cho cơ quan Bộ GD-ĐT và nhiều cá nhân khác.

Nếu bộ máy quản lý không thật muốn đổi mới theo một tư duy quản lý mới thì việc sửa chữa, khắc phục các yếu kém lại sẽ chỉ là hình thức, chắp vá để đối phó với dư luận.Do vậy để đổi mới GD nước nhà, một việc cần làm là phải đổi mới nhận thức và con người trong bộ máy quản lý GD hiện hành.

2. Một thực tế trong xã hội thị trường là phân hóa giàu nghèo và những người giàu có nhu cầu tiêu tiền để con cái họ được hưởng thụ chế độ GD tốt hơn những người nghèo. Đó là một thực tế tồn tại từ xưa tới nay và xã hội ta khi chuyển sang kinh tế thị trường cũng không tránh được qui luật này.

Ở các nước phát triển, người ta tổ chức các trường tư thục với chất lượng GD rất cao, chi phí lớn để đáp ứng nhu cầu này của người có tiền trong xã hội. Nhưng trong nền GD ở ta, khu vực trường tư non yếu lại không được Nhà nước quan tâm để phát triển theo hướng này (thậm chí có nơi còn đánh thuế), trong khi khu vực trường công lại được Nhà nước đầu tư tốt hơn nhiều.

Dần dần, điều này lôi cuốn các nhóm phụ huynh ở các tầng lớp khác trong các đô thị lớn dùng tiền để tiêu cực, xin cho con em vào trường công có đầu tư trọng điểm của Nhà nước, cũng như khi vào trường rồi thì lại chạy chọt cho con em đi học thêm, tạo lợi thế riêng từ quan hệ với thầy qua học thêm để có kết quả đánh giá ở lớp chính khóa cao hơn. Điều này tạo ra sự mất bình đẳng nghiêm trọng về cơ hội được GD giữa các khu vực dân cư có tiền và không có tiền, và người thầy cũng từ đó bị đồng tiền lôi kéo từng bước để rồi nhiều khi quay trở lại không nhận ra chính mình đang biến chất như thế nào.

Do vậy đổi mới cơ chế quản lý GD phải tính đến đặc điểm của xã hội thị trường và được tổ chức sao cho phù hợp với vận động khách quan, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp xã hội khác nhau.

3. Chúng tôi đồng ý với GS Hoàng Tụy là cần phải có một đánh giá khách quan, nghiêm túc, toàn diện về thực trạng nền GD VN đang ở đâu so với thế giới và khu vực, từ đó mới có thể định hướng rõ ràng về những đổi mới trong quản lý GD.

Việc đánh giá này tốt nhất là do một nhóm chuyên gia hỗn hợp quốc tế và VN đảm nhận, và quan trọng nhất là thành viên của nhóm không thể có các nhà quản lý GD hiện hành như cách Bộ GD-ĐT đang làm hiện nay, tránh hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, “mẹ hát con khen hay”, để rồi Nhà nước và nhân dân sẽ không bao giờ được biết những nguyên nhân gốc rễ các căn bệnh trầm kha kéo dài nhiều năm trời trong nền GD VN.

HOÀNG TƯ KHOA (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên