12/09/2017 16:48 GMT+7

Hà Nội đổi hơn 800 ha đất để xây 4 cây cầu

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - Đó là thông tin được ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12-9.

Hà Nội đổi hơn 800 ha đất để xây 4 cây cầu - Ảnh 1.

Ông Vũ Duy Tuấn trả lời các câu hỏi của báo chí - ẢNh: LÂM HOÀI

Cụ thể, có tổng số 5 dự án xây dựng cầu hiện đang được UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai. Trong số này có 4 dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT), gồm: 

Cầu Tứ Liên (quận Tây Hồ) và đường dẫn cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 17.000 tỉ đồng; 

Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng (quận Long Biên và quận Hoàn Kiếm) với tổng mức đầu tư 7.000 tỉ đồng; 

Cầu Giang Biên (huyện Gia Lâm) và đường dẫn hai cầu tổng mức đầu tư trên 6.000 tỉ đồng; 

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên) với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp xây dựng 4 cây cầu này sẽ được khai thác quỹ đất rộng 836 ha tại các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh); các xã Yên Thường, Yên Viên, Dương Xá, Đông Dư, Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) và các phường Long Biên, Cự Khối (quận Long Biên)… 

Ngoài 4 cầu nói trên, dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Gia Lâm, Q.Long Biên) với tổng mức đầu tư 6.000 tỉ đồng sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Theo ông Tuấn, với các dự án BT, do ngân sách thành phố không có khả năng đáp ứng được nên thành phố phố phải kêu gọi các nhà đầu tư. 

"Đến nay các dự án đều có các nhà đầu tư lớn đăng ký tham gia như Tập đoàn T&T, SunGroup, Him Lam, VinGroup… Nhà đầu tư bỏ tiền ra làm công trình, thành phố sẽ thanh toán bằng quỹ đất", ông Tuấn thông tin.

Trước nghi vấn liệu có nguy cơ các nhà đầu tư xây cầu để phục vụ cho các dự án của họ hay không, ông Tuấn nói "chắc chắn không có", bởi đây là các dự án công trình trọng điểm, phù hợp với quy hoạch và phục vụ mục tiêu chung của thành phố.

Đề cập tới lo ngại liệu các quỹ đất sau khi giao cho nhà đầu tư có phát sinh quá tải dân số nếu được xây dựng khu đô thị, ông Tuấn nói quỹ đất để giao cho doanh nghiệp đã có quy hoạch phân khu được duyệt, trong đó có một phần phát triển đô thị. Do đó các dự án đầu tư xây dựng sau này đều phải tuân thủ các quy hoạch và Luật đê điều.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cũng khẳng định tất cả các dự án sẽ được đấu thầu chặt chẽ, công khai, minh bạch theo quy định với hai bước sơ tuyển và đấu thầu xét lựa chọn hồ sơ thầu (trừ trường hợp đặc biệt sẽ chỉ định thầu).  

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên