09/07/2022 09:19 GMT+7

Hà Nội, TP.HCM đầu tư lớn cho nhà ở xã hội

T.L. - C.Q. - T.C. - H.M. - M.V.
T.L. - C.Q. - T.C. - H.M. - M.V.

TTO - Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X đã bế mạc sau hai ngày rưỡi làm việc vào hôm 8-7. Các đại biểu đã thảo luận và biểu quyết thông qua 40 nghị quyết.

Hà Nội, TP.HCM đầu tư lớn cho nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Người dân sinh hoạt cộng đồng tại khu nhà xã hội trên đường Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

TP.HCM: có 4 nghị quyết về chế độ, cơ chế chính sách xã hội - y tế - giáo dục; 3 nghị quyết về kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn; 22 nghị quyết về chủ trương triển khai dự án và 11 nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác.

Đáng chú ý, HĐND TP đã đồng thuận dành 12.400 tỉ đồng ngân sách xây gần 100.000 nhà ở xã hội đến năm 2030; thống nhất chủ trương triển khai dự án cải tạo hệ thống thoát nước, nước thải, thích ứng với biển đổi khí hậu tại khu vực Tham Lương - Bến Cát và tại lưu vực Tây Sài Gòn với hơn 16.000 tỉ đồng vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á;

bố trí thêm 6.000 tỉ đồng để thực hiện 16 dự án cầu đường, trường học quan trọng trên địa bàn TP.HCM...

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, đây là những nghị quyết hết sức quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân TP.HCM trong thời gian tới. Bà Lệ yêu cầu UBND TP triển khai nghiêm túc, đảm bảo công khai minh bạch và đạt hiệu quả cao nhất của các nghị quyết.

Hà Nội: Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI bế mạc ngày 8-7 sau ba ngày rưỡi làm việc. HĐND TP Hà Nội đã thông qua chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu gần 7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội đến năm 2030, TP dự kiến xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung, trong đó 2 khu đã được quy hoạch tỉ lệ 1/500. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt 29,5m2.

Đến năm 2030, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà ở xã hội phục vụ người lao động; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt 32m2. Hà Nội sẽ xây mới gần 20 triệu m2 sàn nhà ở thương mại...

Cần Thơ: Sáng cùng ngày, ngày thứ ba của kỳ họp HĐND TP Cần Thơ tiếp tục với phần chất vấn giám đốc các sở và thủ trưởng một số ngành của TP.

Trong phần trả lời chất vấn, ông Trần Phước Hoàng - chánh thanh tra TP Cần Thơ - cho biết theo báo cáo của các quận, huyện, sở, ngành 6 tháng đầu năm và báo cáo chuyên đề về phòng chống tham nhũng UBND TP gửi các đại biểu, các đơn vị, địa phương chưa phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, giám sát nội bộ.

"Đây là chuyện đáng mừng nhưng cần phải quan tâm. Cần tự kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, đừng để xảy ra rồi phải xử lý theo quy định của pháp luật", ông Hoàng nói.

Đồng Nai: Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Đồng Nai bế mạc chiều 8-7 đã biểu quyết thông qua 26 dự thảo nghị quyết về bổ sung các giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong 6 tháng cuối năm 2022 và các nghị quyết liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách, đầu tư công, về kết quả giám sát việc triển khai các dự án có thu hồi đất trên địa bàn tỉnh...

Lâm Đồng: nhiều cán bộ tiếp tay phá rừng

Trong kỳ họp khóa X kết thúc chiều 8-7, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thống nhất chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp để thực hiện dự án, đường giao thông trên địa bàn.

Các đại biểu đã thống nhất thông qua nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để thực hiện dự án. Trong đó gồm 3 dự án đầu tư công, với tổng diện tích 6,58ha (có 2,55ha đất rừng phòng hộ và 4,03ha đất trồng lúa) thuộc huyện Cát Tiên và Đam Rông.

Nghị quyết này cũng phê duyệt chuyển đất rừng phòng hộ sang mục đích khác để thực hiện 5 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng diện tích 19,51ha đất rừng phòng hộ. Trong đó gồm các dự án khu nghỉ dưỡng - khách sạn, khu du lịch và dự án quản lý rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp tại TP Đà Lạt...

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp thừa nhận mặc dù đã được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo nhưng vẫn còn xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nổi cộm, phức tạp, gây dư luận không tốt về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, điều đáng buồn là có sự tiếp tay, bao che, thông đồng của chính quyền, kiểm lâm, ban quản lý bảo vệ rừng ở cơ sở.

TP.HCM dành 12.400 tỉ đồng ngân sách xây gần 100.000 nhà ở xã hội TP.HCM dành 12.400 tỉ đồng ngân sách xây gần 100.000 nhà ở xã hội

TTO - Giai đoạn 2021-2030, TP.HCM dự kiến xây 93.000 căn nhà ở xã hội. Theo đó, nguồn vốn ngân sách xây nhà ở xã hội chiếm 10% tổng nguồn vốn với khoảng 3.770 tỉ giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỉ giai đoạn 2026-2030.

T.L. - C.Q. - T.C. - H.M. - M.V.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên