23/04/2023 05:52 GMT+7

Hạ tầng bế tắc vì dự án chưa bàn giao: TP Thủ Đức phải chủ động xử lý

Giải pháp nào để gỡ khó cho vấn đề bế tắc về hạ tầng của TP Thủ Đức? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến chuyên gia và cư dân về chuyện này.

Đến nay hạ tầng khu tái định cư (trong khu đô thị Nam Rạch Chiếc, thuộc phường An Phú, TP Thủ Đức) vẫn chưa hoàn chỉnh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đến nay hạ tầng khu tái định cư (trong khu đô thị Nam Rạch Chiếc, thuộc phường An Phú, TP Thủ Đức) vẫn chưa hoàn chỉnh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hàng trăm dự án chưa bàn giao khiến hạ tầng "bế tắc", ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cư dân TP Thủ Đức bức xúc khi ngay cả nhu cầu lưu thông kết nối thuận lợi, an toàn cũng chưa bảo đảm chứ chưa tính đến tiện ích hạ tầng khác.

Chẳng lẽ nhà đầu tư làm cù nhầy đến nửa đời người, cả đời người mới xong dự án thì chính quyền vẫn để yên?

Cần có đường đi an toàn cho cư dân

Tình trạng đường sá xuống cấp trầm trọng, thiếu kết nối giao thông khu vực, mất an toàn là khá phổ biến tại các dự án chưa bàn giao hạ tầng.

Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, điển hình như trục giao thông Nguyễn Hoàng - Vũ Tông Phan của hai khu đô thị An Phú - An Khánh và khu đô thị phát triển An Phú (phường An Phú); đường 711 nối đường Đỗ Xuân Hợp là lối vào độc đạo, nhỏ hẹp, xuống cấp của dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên Đại học Bách Khoa TP.HCM (tại phường Phú Hữu) hay lối vào dự án dân cư Cát Lái (phường Cát Lái) khuất tầm mắt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...

Đề xuất hướng giải quyết, trên cơ sở rà soát các dự án mới đây, Sở GTVT TP.HCM cho hay sẽ kiến nghị UBND TP cho phép các cơ quan nhà nước được tiếp nhận theo hiện trạng hạ tầng đối với các dự án chưa bàn giao, chủ đầu tư không còn liên hệ được hoặc doanh nghiệp đã giải thể.

Sau khi tiếp nhận xong sẽ thực hiện công tác bảo trì các công trình theo quy định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về phương hướng trên, TS Chung Thành Tiến - chuyên gia kinh tế - cho rằng việc này là có cơ sở.

"Chính quyền địa phương phải rà soát pháp lý, hiện trạng các dự án để giải quyết ngay, tối thiểu bảo đảm đường sá cho dân đi an toàn. Chính quyền hoàn toàn đủ thẩm quyền để buộc bàn giao hạ tầng và nguồn ngân sách duy tu, bảo trì đường sá bài bản...", ông Tiến nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Hải Long, trưởng phòng tư vấn pháp lý Công ty luật TNHH AGL cho rằng đề xuất của Sở GTVT là "lối ra" hợp lý để giải quyết thực trạng bế tắc hạ tầng.

Theo ông Hải Long, theo quy định thì hạ tầng khu dự án sau khi hoàn thành chủ đầu tư sẽ bàn giao cho Nhà nước quản lý. Tuy nhiên vì nhiều chủ đầu tư chậm bàn giao hoặc thậm chí không còn thì Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách áp dụng quy định thu hồi phần đất hạ tầng dự án đầu tư chậm triển khai.

Cơ quan chức năng rà soát pháp lý, hiện trạng dự án căn cứ vào quyết định giao đất và quyết định đầu tư đã được phê duyệt để xác định diện tích hạ tầng nào sẽ phải bàn giao để tính việc thu hồi.

Đối với dự án không còn chủ đầu tư thì việc thu hồi hạ tầng sẽ diễn ra đơn giản hơn. Đối với các dự án vẫn còn chủ đầu tư thì phải thanh kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư. Trường hợp nếu chủ đầu tư đồng ý bàn giao phần hạ tầng đó lại cho Nhà nước thì tiếp nhận được sớm.

Trường hợp chủ đầu tư không đồng ý thì cơ quan nhà nước áp dụng quy định về gia hạn thời gian thực hiện dự án là 24 tháng nếu vẫn chưa xong, bàn giao thì ra quyết định thu hồi.

Hạ tầng khu nhà ở cán bộ công nhân viên Đại học Bách khoa TP.HCM (hơn 25ha) đã xuống cấp - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hạ tầng khu nhà ở cán bộ công nhân viên Đại học Bách khoa TP.HCM (hơn 25ha) đã xuống cấp - Ảnh: CHÂU TUẤN

Địa phương quản lý, duy tu toàn diện

Phân tích về tính khả thi của việc tiếp nhận hạ tầng theo hiện trạng, ông Hải Long kỳ vọng có thể tiếp nhận khoảng hơn 1/2 hạ tầng giao thông chính, tuyến trục của tổng số dự án chưa bàn giao hạ tầng ở Thủ Đức vì các dự án này đa số có thời gian triển khai đã lâu, hạ tầng giao thông chính đã cơ bản đáp ứng.

"TP Thủ Đức cần phối hợp các sở ngành tích cực rà soát, dự án nào đủ cơ sở để bàn giao hiện trạng, thu hồi thì thực hiện sớm...", ông Long góp ý.

Về phân cấp quản lý và duy tu đường, một chuyên gia giao thông cho hay căn cứ tính chất và tiêu chí phân loại đường sá trong trường hợp tiếp nhận thì theo phân cấp Sở GTVT quản lý, duy tu các tuyến đường quan trọng, kết nối các quận huyện hoặc các tỉnh thành với nhau (ví dụ như trục Nguyễn Hoàng, Vũ Tông Phan), còn đường nhỏ và đường nội bộ dự án thì quận, huyện, TP Thủ Đức phải quản lý, duy tu.

Về kinh phí duy tu, nếu dự án còn chủ đầu tư và chủ đầu tư đồng ý bỏ kinh phí để duy tu thì sử dụng kinh phí này. Trường hợp không còn chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư không còn khả năng tài chính thì Nhà nước dùng nguồn ngân sách hoặc có thể vận động nguồn xã hội hóa.

Mới đây, TP Thủ Đức cũng trình TP.HCM về đề án thành lập Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Thủ Đức để tiếp nhận quản lý hạ tầng.

Mục tiêu của việc thành lập trung tâm này nhằm thống nhất đơn vị đầu mối tiếp nhận và quản lý chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng thủy lợi và hệ thống hạ tầng - xã hội gồm: công viên, vườn hoa, sân chơi và các hệ thống hạ tầng xã hội khác liên quan trên địa bàn.

Trung tâm sẽ tổ chức thực hiện quản lý dự án; quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, kết cấu hạ tầng thủy lợi và các công trình phụ trợ khác liên quan, kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn.

Như vậy, với việc tiếp nhận hiện trạng hạ tầng tại các dự án chưa bàn giao trong thời gian tới thì Thủ Đức hoàn toàn có đủ cơ sở thực hiện.

* PGS.TS Vũ Anh Tuấn (giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức):

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm xã hội

Việc chậm kết nối, chậm bàn giao hàng trăm tuyến đường ở TP.HCM ảnh hưởng lớn đến giao thông đô thị, trách nhiệm đầu tiên và chính yếu thuộc về chủ đầu tư.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề trên thì chính quyền địa phương phải rà soát từng dự án cụ thể xem vì sao chưa thể hoàn thành bàn giao, vướng mắc cụ thể từng điểm là như thế nào để có hướng giải quyết phù hợp theo thẩm quyền.

Thậm chí, các đơn vị làm việc với các chủ đầu tư, yêu cầu làm đúng hợp đồng ban đầu. Chủ đầu tư nào làm sai, chậm trễ có thể xem xét xử phạt.

Về nguồn kinh phí, TP.HCM căn cứ vào hợp đồng với các chủ đầu tư để yêu cầu họ xử lý. Những tuyến đường hay khu đô thị nào mà chủ đầu tư đã giải thể, chính quyền địa phương vẫn phải đảm bảo đường sá cho dân đi lại.

Nguồn kinh phí này có thể kiến nghị xin từ ngân sách TP.HCM cho phù hợp.

* Bà L.T.M.N. (người dân ở TP Thủ Đức, TP.HCM):

Công cụ kiểm soát dự án đâu?

Đọc thông tin trên Tuổi Trẻ thấy cả trăm dự án khu dân cư, khu đô thị ở TP Thủ Đức chưa bàn giao hàng chục năm qua mới thấy rằng trách nhiệm quản lý đô thị hiện nay đang có vấn đề, lỏng lẻo và có nhiều bất cập.

Đặc biệt, TP Thủ Đức là thành phố trong thành phố, là nơi tiên phong và có đủ điều kiện để đẩy nhanh tiến độ dự án. Vậy tại sao lại để dự án kéo dài, TP Thủ Đức thời gian qua đã làm gì để giải quyết các bất cập?

Thật lãng phí khi những mảnh đất đắc địa được giao làm khu đô thị dang dở nhiều năm chưa triển khai hoặc làm da beo, hạ tầng ngổn ngang. Nếu những nơi này làm đúng hẹn sẽ tránh lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP hơn nữa.

Đã đến lúc TP cần rà soát, xem xét trách nhiệm của các sở ngành liên quan. Trong đó, trách nhiệm của quản lý phát triển đô thị và nhà ở của Sở Xây dựng TP ra sao và trách nhiệm theo dõi dự án trên địa bàn của TP Thủ Đức thế nào mà lại để các dự án kéo dài một phần ba đời người chưa xong.

Chẳng lẽ nhà đầu tư làm cù nhầy đến nửa đời người, cả đời người mới xong dự án thì chính quyền vẫn để yên?

Rà soát hạ tầng ở khu đô thị: TP Thủ Đức và nhiều quận chưa hồi âmRà soát hạ tầng ở khu đô thị: TP Thủ Đức và nhiều quận chưa hồi âm

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã gửi 3 công văn đề nghị TP Thủ Đức và các quận huyện đề nghị rà soát hạ tầng ở khu đô thị, dự án nhà ở. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 9 quận huyện hồi âm.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên