06/07/2023 09:24 GMT+7

Hạ tầng TP.HCM chuyển mình từ cơ chế mới

Nghị quyết 98 của Quốc hội 'Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM' được coi là đòn bẩy cho hạ tầng TP.HCM.

Công trường thuộc dự án vành đai 2 (đoạn 3) đã bị hoang hóa, máy móc hoen gỉ - Ảnh: CHÂU TUẤN

Công trường thuộc dự án vành đai 2 (đoạn 3) đã bị hoang hóa, máy móc hoen gỉ - Ảnh: CHÂU TUẤN

Rất nhiều công trình hạ tầng quan trọng của TP đang chờ đợi, thậm chí tắc nghẽn hàng thập niên được kỳ vọng sẽ bật dậy và khơi thông từ cơ chế đặc thù này.

Dự án chậm, người dân khổ

Trên thực tế, không ít tuyến đường huyết mạch tại TP.HCM vẫn thường xuyên diễn ra tình trạng kẹt xe nhiều năm qua do xuống cấp, thắt nút cổ chai nhưng lại vướng mắc về cơ chế nên chưa thể mở rộng xây dựng, như dự án mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước).

Chẳng hạn như sau cơn mưa lớn chiều 29-6 vừa rồi, tại khu vực giao lộ quốc lộ 13 với đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), tình trạng ngập đường rồi kẹt xe kéo dài đến tối khiến ai đi qua đây cũng lắc đầu ngao ngán.

Sự việc bắt đầu vào giờ cao điểm nên gây kẹt xe kéo dài hơn 5km, từ ngã tư Bình Phước về đến cầu Bình Triệu. Đặc biệt, xe bị kẹt cứng ngắc tại nút thắt cổ chai cầu Ông Dầu.

Một số người đi xe máy bất chấp chạy ngược chiều trên cầu khiến khung cảnh kẹt xe càng diễn ra hỗn loạn hơn. Do đó, người dân đều mong muốn dự án mở rộng quốc lộ 13 sớm được đầu tư thi công...

Hay như các dự án đoạn 3 đường vành đai 2 TP.HCM từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP Thủ Đức).

Trở lại công trường dự án này vào ngày 3-7, hiện tại cỏ cây mọc um tùm khắp hai cây cầu đang được xây dựng dang dở. Đường trong khu này là đường đất nhỏ, nhiều vũng nước đọng cùng vô số bãi rác.

Dọc con đường này hướng về cầu vượt Gò Dưa (đoạn kết nối với quốc lộ 1) cũng có một công trường thuộc dự án này đang bị hoang hóa, cũ kỹ, do thời gian thi công đình trệ lâu. Những khối dầm cầu bê tông bị mốc rêu, kèm theo đó là bộ khung sắt của hai cây cầu hiện đã hoen gỉ. Công trường cũng không được rào chắn.

Dự án đình trệ gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân. Chị Đặng Như Hiệp (ngụ TP Thủ Đức) cho biết vì dự án đình trệ nên nhiều đoạn "biến" thành nơi đổ bậy rác thải sinh hoạt, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

"Một số người dân có đất lân cận dự án đã phải rào chắn tạm thời bằng kẽm gai để ngăn tình trạng đổ rác bừa bãi. Tuy nhiên, cách giải quyết căn cơ nhất là sớm hoàn thành dự án. Từ đây, người dân đi lại cũng được thuận tiện hơn", chị Hiệp chia sẻ.

Người dân và doanh nghiệp mong muốn chính quyền TP.HCM sớm đưa nghị quyết 98 vào hiện thực, tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng để cuộc sống người dân bị ảnh hưởng ổn định trở lại, kinh tế của TP cũng có thêm điều kiện phát triển.

Khơi thông cửa ngõ

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nghị quyết 98 được thông qua sẽ giúp TP tháo gỡ một số dự án BT ký hợp đồng trước ngày Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực.

Chẳng hạn như dự án đoạn 3 đường vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1 (TP Thủ Đức). Đối với các dự án mới, TP.HCM đang lập đề xuất một số dự án BT thanh toán bằng tiền (trả chậm), BOT trên trục đường chính đô thị, đường trên cao như mở rộng quốc lộ 22, cầu đường Bình Tiên, quốc lộ 13...

TP sẽ chủ động cân đối vốn để quyết định chủ trương đầu tư một số dự án chiến lược như cầu Thủ Thiêm 4, vành đai 2, vành đai 4, cầu Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái trong thời gian tới đây.

Trong khi đó, TP cũng phối hợp với các bộ ngành đang hoàn thiện dự thảo nghị định hướng dẫn triển khai nghị quyết 98 làm cơ sở triển khai các nhóm cơ chế. Trong dự thảo nghị định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cách đây ít hôm, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, TP cũng nêu trình tự thủ tục triển khai các dự án theo cơ chế mới.

Chẳng hạn, với dự án BOT trên trục chính đô thị, đường trên cao được áp dụng theo nguyên tắc phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Trên cơ sở quy hoạch, tình trạng giao thông và điều kiện thực tế, TP lập danh mục dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT, trình HĐND TP thông qua làm cơ sở thực hiện bước thủ tục tiếp theo.

Đối với hợp đồng BT (trả chậm) được thực hiện như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Về thời gian trả tiền cho nhà đầu tư, thông thường khoảng 5-10 năm. Tức là làm ở kỳ trung hạn này và sẽ cân đối vào những kỳ trung hạn sau để thanh toán. Nghị định cũng quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án BT cho nhà đầu tư.

Ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM - cho biết thiếu cơ chế khiến nhiều con đường, cây cầu huyết mạch nằm ở chế độ... chờ nhiều năm, thậm chí cả thập niên. Thiếu cơ chế làm cho TP chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng giao thông.

Bởi vậy, ngay sau khi có cơ chế mới, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư giao thông rất hoan nghênh, chuẩn bị các điều kiện để tham gia các dự án khi có danh mục.

Theo ông Trường, nghị quyết thông qua có nhiều cơ chế, rất nhiều cơ hội rộng mở ra cho hạ tầng giao thông TP. Vấn đề bây giờ là cách thực hiện thế nào để đưa các cơ chế mới đi vào thực tiễn, để vài năm tới đây người dân TP có thể thấy được những cây cầu, những con đường được hình thành.

"Tôi thấy danh mục dự án dự kiến làm theo hình thức BT, BOT mà Sở Giao thông vận tải TP nêu đều là những dự án rất cấp bách. Chẳng hạn như quốc lộ 13, phía tỉnh Bình Dương đã mở rộng, còn phía TP còn nút thắt cổ chai.

Cách đây 15 năm, trong lần đi khảo sát, lúc đó tôi thấy chi phí rất rẻ, còn bây giờ chi phí rất cao, nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhưng cao cũng phải làm, vì càng chờ đường càng tắc, còn vốn cũng sẽ đội lên gấp nhiều lần", ông Trường nói.

Ùn xe kéo dài trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng về nút giao An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ùn xe kéo dài trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hướng về nút giao An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần cán bộ dám nghĩ dám làm

Làm sao để đưa các cơ chế đi vào thực tiễn? PGS.TS Nguyễn Văn Trình - giảng viên cao cấp Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) - nói cơ chế đã có và vấn đề còn lại là TP chuẩn bị ngân sách chi trả cho các dự án BT, chuẩn bị dự án mới để kêu gọi BOT; tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện TOD.

Ngoài cơ chế mới, các loại hình vốn dĩ có trong Luật PPP cũng cần được triển khai song song, tạo ra sự đa dạng về nguồn vốn xã hội hóa như BTO, BOO, O&M, BTL và BLT. Tuy nhiên, vấn đề quyết định vẫn là đội ngũ cán bộ, phải dám nghĩ dám làm để đưa nghị quyết đi vào thực tiễn.

Đồng tình với quan điểm trên, theo TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, quan trọng nhất vẫn là con người, phải có tính kỷ luật cao. Nếu thấy các đầu việc tại các sở ban ngành chậm trễ có thể luân chuyển cán bộ đứng đầu để lựa chọn những người dám nghĩ dám làm.

Đối với các dự án trọng điểm lo nhất vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng. Vì vậy, quá trình triển khai, TP cần vận dụng, sáng tạo để làm sao người dân cảm thấy hài lòng và có sự đồng thuận cao.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Hà Ngọc Trường, cùng với việc triển khai dự án mới, TP cần khẩn trương đốc thúc các sở ngành giải quyết sớm các vướng mắc của các dự án thực hiện theo hình thức PPP đã ngưng trệ thời gian qua. Khơi thông các dự án đang tắc nghẽn sẽ tạo sự yên tâm, tin tưởng cho nhà đầu tư khi TP kêu gọi triển khai các dự án mới.

Bình Dương sẵn sàng khởi công 2 cây cầu ngàn tỉ thuộc vành đai 3 TP.HCMBình Dương sẵn sàng khởi công 2 cây cầu ngàn tỉ thuộc vành đai 3 TP.HCM

Cầu Bình Gởi vượt sông Sài Gòn nối Bình Dương với TP.HCM và nút giao Bình Chuẩn thuộc vành đai 3 TP.HCM đã sẵn sàng khởi công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên