13/09/2020 11:21 GMT+7

Hai 'cuộc chiến' của người cha

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Đó là cuộc chiến giành giật sự sống cho đứa con bé bỏng của mình và cuộc chiến pháp lý "không mong muốn" với bệnh viện của anh Mai Văn Thắng ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre.

Hai cuộc chiến của người cha - Ảnh 1.

Hơn ngàn ngày qua, cả gia đình anh Mai Văn Thắng thường xuyên ở tại bệnh viện để chăm sóc cho đứa con kém may mắn của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đã gần 4 năm qua, vợ chồng anh Thắng phải bỏ công ăn việc làm, bán hầu hết tài sản có giá trị để giành giật sự sống cho đứa con trai út của mình là bé Mai Trọng Nghĩa (9 tuổi)...

Ngày không muốn nhớ

Thoáng thấy cậu bé cười ngô nghê, ú ớ men theo một đoạn lan can ngoài hành lang bệnh viện để tập đi, anh Thắng hốt hoảng từ trong phòng lao ra đỡ con ngồi xuống rồi nhẹ nhàng mắng yêu: "Sao con không đợi cha ra đỡ lên, leo vậy té rồi sao?". Khoa chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) hầu hết đều quen mặt bé Nghĩa - cậu bé có gương mặt sáng, có "thâm niên" gần 4 năm trời điều trị ở đây.

"Người ta đến trị bệnh xong thì về hết rồi, hết lượt này đến lượt khác. Còn con tôi thì đã ăn ba cái tết ở đây rồi..." - anh Thắng trầm tư. Mọi chuyện vượt quá sức chịu đựng khiến một người đàn ông mạnh mẽ như anh Thắng đôi lúc tưởng chừng như gục ngã. 47 tuổi nhưng gương mặt của anh hằn rõ nét khắc khổ, già nua.

"Nhanh thật, phải chi nó không bị bệnh thì cũng đã lên lớp 4 rồi. Tôi còn nhớ như in ngày đó, tôi như chết điếng khi nghe bác sĩ thông báo con đang nguy kịch trong phòng mổ, vợ tôi thì ngất lên ngất xuống".

"Ngày đó" mà anh Thắng rất không muốn nhớ đến là ngày 25-11-2016. Mọi việc bắt đầu từ ca mổ thoát vị bẹn cho bé Nghĩa - lúc đó mới 5 tuổi, một cậu bé kháu khỉnh, hoạt bát và nhanh nhẹn. Trước đó hai ngày, vợ chồng anh đưa bé Nghĩa đến Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu kiểm tra sức khỏe. 

Mọi chỉ số kiểm tra đều tốt nên đúng hẹn, 7h ngày 25-11, Nghĩa được đưa đến phòng phẫu thuật của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. "Có ngờ đâu đó là khoảnh khắc cuối cùng chúng tôi nói chuyện được với con" - anh Thắng chua chát nói.

Sau khi bé Nghĩa được đưa vào phòng mổ khoảng 2 tiếng đồng hồ thì một điều dưỡng chạy ra thông báo với người nhà là "bé Nghĩa đang trong tình trạng nguy kịch". Gia đình anh như chết đứng vì không ngờ rằng chỉ một ca mổ đơn giản nhưng lại có hậu quả nặng nề đến vậy. 

"Lúc băng ca đẩy thằng bé ra, mặt phủ một lớp vải trắng, tôi khuỵu xuống nền gạch hành lang bệnh viện, còn vợ tôi sau một hồi la hét cũng ngất xỉu không hay biết gì. Khoảnh khắc đó, tôi chỉ kịp suy nghĩ sẽ làm tất cả để giữ mạng sống cho con. Tôi yêu cầu được chuyển viện lên tuyến trên" - anh Thắng kể về khởi đầu hành trình ngàn ngày cứu con của mình.

Hai cuộc chiến của người cha - Ảnh 2.

Cuộc chiến giành giật sự sống cho con đang tiếp tục thì nay anh Mai Văn Thắng lại chuẩn bị đối mặt với một “cuộc chiến” pháp lý - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chọn giữ con, đánh đổi tất cả

Sau khi ký một loạt giấy tờ mà đến giờ anh Thắng vẫn không nhớ nổi là gì thì 16h30 cùng ngày, xe cứu thương đưa bé Nghĩa lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 một thời gian, bé Nghĩa tỉnh lại thì được đưa về lại Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục điều trị cho đến giờ. 

Trong bệnh án thể hiện bé Nghĩa bị nhũn não, thiếu oxy não, thân thể và tay chân bị co rút, mất trí nhớ... Chỉ một dòng kết luận ngắn ngủi nhưng lại mở ra một chuỗi ngày dài cứu con, nếm đủ đắng cay và lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của vợ chồng anh Thắng.

Vợ chồng anh Thắng là những người chí thú làm ăn, nhiều năm liền được chứng nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài những vuông tôm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, gia đình anh còn nuôi thêm bò, dê để kiếm thêm thu nhập, dự định cất nhà tường khang trang. Hai đứa con thì đủ nếp đủ tẻ, ngoan ngoãn, lễ phép.

Tai họa ập đến, anh Thắng buông bỏ tất cả. Toàn bộ vuông tôm anh cho người khác thuê để lấy tiền điều trị cho con và dành toàn bộ thời gian bên con. Những tháng ngày theo con đến các bệnh viện lớn cùng những đợt cấy ghép tế bào để phục hồi não cho con đã lấy đi tất cả gia sản của gia đình đã tích cóp. 

Đàn bò cả chục con cứ bán lần theo nhiều đợt, vuông tôm cho thuê, vườn xoài không có người chăm sóc nên huê lợi cũng mất. Những khoản vay cứ nhiều dần, riết không còn ai dám cho vợ chồng anh vay nữa vì cả gia đình thường xuyên "tá túc" trong bệnh viện, không làm gì ra tiền.

"Chỉ cần nhìn con tiến triển thì dù phải đánh đổi tất cả tôi cũng cam lòng. Trước đây, mỗi tháng Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu hỗ trợ thêm 6 triệu đồng nên còn đỡ, từ cuối năm 2019 đến nay họ không hỗ trợ nữa nên gia đình chúng tôi như đi vào ngõ cụt" - anh Thắng nói.

Kể từ khi bé Nghĩa phải nằm viện dài ngày để trị bệnh, gia đình anh Thắng chưa một lần được ngồi ăn cơm với nhau. Cứ người này lên bệnh viện chăm con thì người kia phải về để sắp xếp việc nhà.

Kể về hai con, anh Thắng nói hai chị em thương nhau lắm. Ngày trước, khi đứa em chưa mổ thoát vị bẹn, hai chị em quấn quýt bên nhau tối ngày. "Đứa em thì năng động, chạy nhảy khắp nơi nên chị giữ nó cũng mệt. Vậy mà giờ chị em mỗi đứa một nơi. Chỉ khi nào chị nghỉ học thì tự đón xe buýt lên thăm em, gặp nhau được chút xíu rồi lại về đi học" - nhìn đứa con trai ngồi bệt dưới sàn nhà, anh Thắng nói.

Bác sĩ Võ Phạm Trọng Nhân (trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu):

Đây là sự cố đáng tiếc

Bé Nghĩa nhập viện ngày 25-11-2016 để mổ thoát vị bẹn và được gây mê ổn định. Sau khi rút ống nội khí quản thì xảy ra hiện tượng co thắt thanh quản gây thiếu oxy não. Đây là một sự cố đáng tiếc và lỗi hoàn toàn phía bệnh viện.

Sau khi sự cố xảy ra, bệnh viện đã tích cực phối hợp với gia đình để điều trị cho bé và đồng hành cùng gia đình trong suốt nhiều năm qua. Hiện phía bệnh viện đã hỗ trợ gia đình tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây giữa bệnh viện và gia đình không thống nhất được các khoản hỗ trợ, bồi thường nên buộc phải ra tòa để giải quyết. Đây cũng là điều chúng tôi không mong muốn.

Trước thắc mắc của gia đình vì sao bé Nghĩa bị hôn mê lúc 9h mà mãi đến 16h30 cùng ngày mới được chuyển viện, chúng tôi xin nói rõ quy trình là trước hết chúng tôi cần có thời gian để ổn định các chỉ số sinh tồn rồi mới chuyển viện để tránh rủi ro trên đường đi.

Về việc phía bệnh viện cắt khoản tiền hỗ trợ gia đình anh Thắng kể từ cuối năm 2019 là do khoản tiền đó là tiền cơm nước cho người nuôi bé Nghĩa. Nhưng khi bé Nghĩa được đưa về Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thì phía bệnh viện đã có suất cơm cho người nuôi nên ngưng việc hỗ trợ khoản tiền nói trên.

Về góc độ y khoa, sau khi hội chẩn chúng tôi đã nhận định bé Nghĩa chỉ phát triển tới một mức độ nhất định, hiện bé đã bắt đầu nhận biết, phát triển vận động, nên chúng tôi có đưa ra lời khuyên là cho bé về nhà để hòa nhập với cộng đồng.

Chưa dám nghĩ tiếp tương lai

Khi cả gia đình như đi vào ngõ cụt, anh Thắng nói buộc phải nghĩ đến chuyện pháp lý. "Tôi chưa bắt vạ bệnh viện lần nào nhưng giờ chúng tôi cũng cần tiền để sống, con tôi cũng cần tiền để uống thuốc, để mua sữa, tã. Nghĩ đến cảnh vợ chồng tôi già đi, đứa con sẽ thế nào thì chưa dám nghĩ tiếp" - anh Thắng phân trần cho việc khởi kiện bệnh viện.

"Thật sự tôi không muốn làm điều này nhưng hiện kinh tế gia đình không còn khả năng để lo cho con nữa. Một đứa thì đang học, một đứa bệnh vậy trong khi các khoản hỗ trợ bị cắt hết khiến chúng tôi bức xúc vô cùng" - anh Thắng buồn rầu nói.

Vụ kiện của người cha Vụ kiện của người cha 'điên'

TTO - Cha là người sinh ra con, ban cho con sự sống, nhưng giờ đây chính ông phải làm đơn khởi kiện con gái ra tòa án nhờ can thiệp để đứa con chấm dứt hành vi nhục mạ, xúc phạm danh dự của ông trên mạng xã hội và ở ngoài đời…

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên