19/04/2018 09:36 GMT+7

Hai kiểu hành xử nghịch chiều ở chung cư, bạn kiểu nào?

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA
PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA

TTO - Để chung cư an bình, cần tạo được sự đồng thuận của cư dân. Thực tế cũng cho thấy ở những chung cư có nhiều hoạt động cộng đồng tạo môi trường tương tác thì an ninh trật tự tốt hơn, các rủi ro giảm đáng kể.

Hai kiểu hành xử nghịch chiều ở chung cư, bạn kiểu nào? - Ảnh 1.

Các tiện ích như hồ bơi, công viên, khu trò chơi trẻ em được cư dân sử dụng - Ảnh: T.T.D.

Cấu trúc mỗi chung cư và mỗi căn hộ hoàn toàn khác với nhà truyền thống và nhà đơn lẻ bám mặt đất. Căn hộ chung cư là một đơn vị ở khép kín, diện tích của nó rất nhỏ, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu ở, tái tạo sức khỏe, tâm sinh lý. Các chức năng khác như giáo dục hướng nghiệp, vui chơi giải trí, quan hệ xã hội, kết nối cộng đồng được chuyển ra khỏi căn hộ. Do vậy, ở phương Tây, nhiều người gọi căn hộ chung cư là "cái máy ở". Khi đến Việt Nam, mô hình chung cư phát sinh rất nhiều phiền toái do chưa thích hợp được với kiểu cư trú làng xã.

Cho dù chung cư có các nội quy của Nhà nước, có hương ước của ban quản trị, có đội bảo vệ, nhưng nếu người dân không gắn bó với nhau, không chung tay thì rốt cuộc chung cư chỉ là nơi tạm trú khi chưa có chỗ nào tốt hơn

Hai thái cực

Hiện nay, có hai kiểu hành xử phổ biến trong cư trú chung cư. Thứ nhất là kiểu cư trú hoàn toàn khép kín ở những chung cư cao cấp mà chủ nhân của nó là những người tương đối khá giả và có địa vị xã hội. Những người ở chung cư này hầu như không biết ai là hàng xóm, đi làm về là vào căn hộ đóng kín lại trong thế giới của mình. 

Những việc khác như an ninh, cháy nổ, vệ sinh, bảo trì... họ không cần quan tâm vì đã trả tiền khá cao cho các bộ phận đảm nhiệm loại dịch vụ mang tính chức năng này.

Loại thứ hai là chung cư bình dân, ở những chung cư này thường náo nhiệt, lộn xộn và khổ sở. Mỗi khi xảy ra sự cố như cháy nổ, tai nạn mới thấy lối sống ở những chung cư loại này thật là tai họa. Lý do là căn hộ chung cư không phải chỉ ở mà còn là nơi sản xuất, trao đổi, mua bán và sinh hoạt gia đình, trong khi căn hộ lại nhỏ. 

Mọi người sống vô tư như trước khi vào chung cư, cho nên chuyện ném rác, đổ nước từ trên tầng cao xuống, đốt vàng mã, chiếm hành lang mở quán cà phê, chiếm lối thoát hiểm làm nơi chứa đồ, chẻ củi trên sàn nhà, tụ tập hát karaoke, sử dụng thang máy làm trò giải trí, đổ rác vào trong bồn cầu làm tắc hệ thống thoát nước thải... làm cho chung cư vô cùng nhếch nhác, lộn xộn, hơn thế nữa các cuộc cãi vã với hàng xóm diễn ra liên miên.

Các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và bản thân người dân cũng nhận thấy điểm yếu nhất của nhà chung cư là kết nối cộng đồng, tìm kiếm sự đồng thuận. Nếu không tìm ra được tiếng nói chung trong đời sống thì sẽ rơi vào hai thái cực hoặc im lặng hoặc cãi vã liên miên.

Vài cách gắn kết cộng đồng

Làm thế nào để mọi người có thể chia sẻ với nhau công việc chung của chung cư và cả những chuyện riêng tư, để một khi thấu hiểu thì sẽ cảm thông? Một vài cách trong số đó là tạo ra các sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn lôi kéo mọi người cùng tham gia, và thứ nữa là xây dựng các không gian cộng đồng cho mọi người cùng hưởng thụ.

Vài khu đô thị đã thành công trong việc tạo sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn, chẳng hạn khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã xây dựng triết lý sống "đô thị văn minh - cộng đồng nhân văn". Bộ phận quản lý tổ chức cho người dân các hoạt động đa dạng như đêm nhạc Trịnh Công Sơn, hội chợ hoa xuân, đi bộ từ thiện, đạp xe vì môi trường... Những hoạt động này đã góp phần gắn kết mọi người lại với nhau. 

Thực tế cho thấy ở những chung cư nào có nhiều hoạt động cộng đồng tạo môi trường tương tác thì an ninh trật tự tốt hơn, các rủi ro giảm đáng kể và các quan hệ thân thiện hơn, do chỗ họ biết quan tâm đến hàng xóm và cái chung.

Tạo không gian cộng đồng cho mọi người là phương cách được các chủ đầu tư chung cư sử dụng nhiều nhất, qua việc cố gắng tạo ra những không gian chung cho giao tiếp như công viên, cây xanh, vườn hoa, đường dạo, sân chơi cho trẻ em, góc dành cho người cao tuổi, sân thể thao, hồ bơi, thư viện, ghế đá, nhà cộng đồng... 

Trong các cuộc tiếp xúc này, cư dân dần hiểu nhau và thông cảm nhau hơn, nhiều khúc mắc được giải tỏa, các mâu thuẫn được tháo gỡ mà không cần phải có ai đó hòa giải. Sự thông cảm và chia sẻ của các cư dân sẽ làm gia tăng thi vị của cuộc sống nơi chung cư.

Chỉ tiếc rằng nhiều chung cư do chủ đầu tư tiết kiệm đất, hay quá tham cho nên phần không gian công cộng bị chiếm dụng làm nhà kho, làm kiôt cho thuê, làm văn phòng, cơi nới thêm căn hộ cho thuê. Chính những hoạt động có lợi cho chủ đầu tư đó vô hình trung lại làm mất đi những cơ hội tạo ra cộng đồng dân cư thân thiện.

Diễn đàn Xây dựng văn hóa chung cư, do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, mời bạn đọc gửi hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm.

Các ý kiến thiết thực sẽ được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày và TTO. Đặc biệt, ban tổ chức sẽ bình chọn và dành tặng 5 phần quà trị giá 5 triệu đồng/phần cho cá nhân, tập thể có ý kiến đặc sắc. Ý kiến gửi về email: nguyentran@tuoitre.com.vn (đến hết ngày 22-4).

Chuyện hai đống rác lớn ở hai chung cư gần nhà tôi Chuyện hai đống rác lớn ở hai chung cư gần nhà tôi

TTO - Bên cạnh ý thức giữ gìn không gian chung của cư dân, năng lực quản lý vận hành chung cư hiệu quả là yếu tố tạo nên một môi trường sống tốt, văn minh cho chung cư.

PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên