Hai mặt của bộ đồng phục

TRỌNG NHÂN 16/04/2024 15:11 GMT+7

TTCT - Các doanh nghiệp có nhất thiết phải bắt nhân viên mặc đồng phục không?

Hai mặt của bộ đồng phục- Ảnh 1.

Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng không hề dễ trả lời, bởi "màu cờ sắc áo" trong mắt những người liên quan - chủ doanh nghiệp, nhân viên và khách hàng - có ý nghĩa rất khác nhau.

Lợi ích dễ thấy nhất của đồng phục là tính nhận diện, khách hàng bước vào sẽ biết ai đang làm việc cho văn phòng này. Một số đồng phục gắn liền với chiến lược phát triển thương hiệu của tập đoàn, như màu áo đỏ đặc trưng của tiếp viên hãng bay Virgin Atlantic hay màu nâu không lẫn vào đâu được của các "shipper" UPS.

Nhiều nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn khi khoác trên mình bộ đồng phục đại diện cho công ty. Một số đồng phục không chỉ cho người mặc tự hào về nơi làm việc, mà còn với cả nghề nghiệp như màu áo blouse trắng của bác sĩ, màu áo xanh quân đội... Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng tích cực như thế.

The Economist dẫn một nghiên cứu của giáo sư marketing Robert Smith ở Đại học Tilburg (Hà Lan) cho thấy trong mắt khách hàng, bộ đồng phục sẽ khiến người ta không chú ý đến từng cá nhân nhân viên, mà là doanh nghiệp tổng thể.

Giáo sư Smith và các đồng nghiệp yêu cầu các tình nguyện viên thử hình dung một hôm đi ăn pizza chẳng may bị phục vụ với thái độ khó ưa. Sau đó, họ được cho xem hai bộ ảnh nhân viên cửa hàng: một mặc đồng phục và một mặc đồ thường ngày. Khi bắt gặp bức ảnh nhân viên đã gây lỗi có mặc đồng phục, phần nhiều khách hàng có tâm lý đổ lỗi cho... nhà hàng hoặc công ty, hơn là bắt tội anh ta.

Giáo sư Smith lý giải, bộ đồng phục trong trường hợp này cho khách hàng liên tưởng mạnh mẽ hơn đến công ty thay vì đến nhân viên, và vì lẽ đó, có lẽ các doanh nghiệp không nên đưa đồng phục cho nhân viên thiếu kinh nghiệm, vì rủi ro dễ làm mất hình ảnh tổ chức.

Đó là trong mắt "người nhìn". Khi ta vận lên người bộ đồng phục, chiếc áo đó cũng tác động đến suy nghĩ và hành vi của chính ta. Năm 2021, tiến sĩ Guillaume Pech ở Đại học Libre de Bruxelles và phó giáo sư Emilie Caspar ở Đại học Ghent (Bỉ) thực hiện một nghiên cứu thử lòng nhân ái của người tham gia. 

Các tình nguyện viên sẽ được tiền thưởng nếu gây sốc điện nhẹ lên người đối diện. Họ thực hiện thử thách lần lượt với các trang phục khác nhau: thường phục, quân phục và đồng phục chữ thập đỏ. 

Kết quả, những người mặc đồng phục chữ thập đỏ thể hiện sự đồng cảm hơn những người mặc trang phục bình thường. Họ thường không nỡ ra tay, nếu có cũng thể hiện cảm xúc xót xa mãnh liệt hơn hơn khi mặc đồ thường hay đồ quân phục.

Tên của nghiên cứu này là "Chiếc áo có làm nên thầy tu", và họ có thể tham khảo câu trả lời từ phát hiện của nhiều công trình tương tự. Một nghiên cứu của Á Âu Thương học viện (Trung Quốc) cho thấy người mặc quần áo trịnh trọng có nhiều khả năng đưa ra lựa chọn ăn uống lành mạnh hơn.

Nghiên cứu của tiến sĩ Saaid Mendoza ở Đại học Providence (Rhode Island) và tiến sĩ Elizabeth Parks-Stamm, Đại học Nam Maine (Mỹ), cho biết đồng phục cho người mặc cảm giác sở hữu quyền lực. Trong thí nghiệm, người mặc đồ cảnh sát tham gia mô phỏng game bắn súng sẽ nổ súng nhiều hơn và nhắm vào các mục tiêu không vũ trang nhiều hơn người tham gia mặc áo bình thường.

Ở những lãnh vực tưởng mặc đồng phục là đương nhiên, các nhà khoa học vẫn soi ra nhiều điều lý thú. Năm 2019, một khảo sát của Đài ESPN cho thấy nhiều cầu thủ bóng bầu dục thích mặc đồng phục có số áo giá trị nhỏ. 

Hứng thú với chủ đề này, giáo sư tâm lý học Ladan Shams, Đại học California nghiên cứu và nhận thấy lựa chọn số áo giá trị nhỏ chẳng liên quan gì đến chiến thuật mà chỉ là cầu thủ thấy như vậy sẽ... ít to béo hơn. 

Dù kích cỡ giữa 2 cầu thủ và size áo là như nhau, tâm lý của nhiều người là các cầu thủ mặc áo đấu đánh số từ 10-19 trông thon gọn hơn so với hình ảnh các cầu thủ mặc áo đấu được đánh số từ 80-89.

"Cách nhìn nhận mọi vật bị ảnh hưởng rất nhiều bởi kiến thức trước đây của chúng ta. Bộ não thường rất giỏi phát hiện và lưu trữ các mối liên hệ và quy luật mà đôi khi chúng ta không hề biết" - giáo sư Ladan Shams giải thích. 

Ông ví dụ thêm, nhiều người thường liên tưởng những con số được viết trên đồ vật, chẳng hạn một túi đường trong siêu thị hay một quả tạ trong phòng gym, có thể tỉ lệ thuận độ lớn của đồ vật. Số càng cao thì đồ vật cho cảm giác càng lớn hoặc càng nặng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận