05/09/2012 07:53 GMT+7

Hạn điền, nông nghiệp không cạnh tranh nổi

NGUYỄN MINH NHỊ(nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
NGUYỄN MINH NHỊ(nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

TT - Điều rắc rối nhất của Luật đất đai 1993 và Luật đất đai 2003 là hạn điền, thời hạn và quyền quản lý của bốn cấp chính quyền đối với đất nông nghiệp.

dUGKIGzG.jpgPhóng to

Ông Võ Quan Huy ở Đức Hòa, Long An có tới 550ha đất nhưng phần lớn nhờ người khác đứng tên - Ảnh: QUANG VINH

Thực tế khách quan đòi hỏi đã đến lúc Nhà nước ta phải điều chỉnh luật cho phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để hội nhập sâu hơn và không tụt hậu với thế giới...

Quản lý đất quá phức tạp

Về hạn điền: trong quản lý của chính quyền đối với đất đai lâu nay không phân biệt khái niệm cấp đất (giao đất) và công nhận quyền sử dụng đất do nhận chuyển nhượng. Vì vậy, thực tế phổ biến chuyện ai vượt hạn điền thì nhờ người khác đứng tên, vừa né hạn điền vừa né thuế lũy tiến trước đây và thuế vượt hạn điền sau này. Việc này có thể dẫn đến tình trạng vì đứng tên giùm rồi tranh chấp, muốn chiếm luôn.

Luật đất đai sửa đổi nên quy định: Đất cấp lần đầu không thu tiền sử dụng đất là 3ha, còn công nhận sử dụng đất do nhận chuyển nhượng để lập trang trại thì không có hạn điền. Như vậy các chủ trang trại mới yên tâm đầu tư. Ngày nào còn hạn điền, ngày ấy nông nghiệp còn nghèo vì không cạnh tranh nổi.

Về thời hạn giao đất và công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp: ý đồ của thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm như hiện nay không rõ ràng, không minh bạch và không vững chắc. Luật đất đai sửa đổi lần này phải nói rõ cấp đất lần đầu không thu tiền là 3ha, còn công nhận quyền sử dụng đất nên dùng thuật ngữ “lâu dài” là đủ. Nếu có giải thích hoặc hướng dẫn thêm cũng chỉ nên là người dân “sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch” thì được giao đất không có thời hạn và có đủ năm quyền như luật hiện hành.

Để việc sử dụng có hiệu quả, Nhà nước cần định hướng mỗi hộ nông dân có quy mô 3-5ha đất sản xuất đa canh nên lập trang trại và có chính sách khuyến khích loại hình này. Đối với đất cho thuê phải đóng thuế thu nhập từ tiền cho thuê đất, tiền sử dụng đất hằng năm; đất bỏ hoang hóa sẽ phạt thật nặng... nhằm kiểm soát tình hình sử dụng đất và điều tiết thu nhập cá nhân.

Theo quy định hiện hành, có bốn cấp chính quyền quản lý đất nông nghiệp (ở trung ương có đến bốn bộ) là quá phức tạp. Việc xét xử tranh chấp đất cũng do bốn cấp giải quyết, thêm thanh tra và tòa án, viện kiểm sát... Tất cả quyền của các cấp chính quyền được thể hiện trong các văn bản (luật và dưới luật) như “mê hồn trận”, cán bộ công chức đọc mà còn không hiểu hết nổi (Bộ Tài nguyên - môi trường nói có 700 văn bản, cơ quan khác nói 400 văn bản). Nhưng ngược lại, công tác quản lý đất lại nhiêu khê hơn hết khi có đến 70-80% vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Phải có Luật trưng thu, trưng mua

Nhà nước nên ban hành Luật trưng thu, trưng mua riêng và bỏ khái niệm thu hồi đất và bồi thường đất khi chính quyền lấy đất của dân, cho dù lấy đất làm các công trình công cộng.

Đối với đất bãi bồi, đầm lầy, lấn biển... không nên giao đất có thu tiền (vì đây là một cách bán đất trá hình) do tính không ổn định của các vùng đất này. Nhà nước cần quản lý phần đất này như thông lệ của các chế độ xưa nay: giao xã quản lý, thu tiền thuê đất, người thuê đất cũng được sử dụng ổn định lâu dài (không tùy tiện thu hồi như một số vụ việc vừa qua) và hằng năm phải báo cáo cho cấp trên và HĐND cùng cấp.

Những vùng đất bãi bồi nào ổn định, không có nguy cơ sạt lở trong 50 năm gần nhất và đất rừng kinh tế sẽ xem như đất nông nghiệp được cấp quyền sử dụng đất trên cơ sở hiện trạng trực canh theo giá đất nông nghiệp phổ thông, có xem xét giảm giá do có công tu tạo mà không được đấu giá. Đây là tính đạo lý, tính nhân văn của luật. Đất rừng phòng hộ, đất núi đồi không nên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ cấp giấy theo hợp đồng giao khoán, có quy định riêng về quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng.

Đất được quy hoạch trồng lúa không được trồng thứ cây khác. Khi có diện tích đất lúa bị chuyển mục đích sử dụng (để xây dựng hạ tầng hoặc công trình phúc lợi cho dân), UBND tỉnh phải trích từ ngân sách một khoản tiền tương đương giá trị diện tích đất bị thu hồi bỏ vào quỹ phát triển nông thôn của xã bị mất đất lúa. Nhà nước cần có những biện pháp quyết liệt để giữ 3,8 triệu ha đất lúa cho quốc gia.

Dòng chảy của các sông, rạch, kênh đào, nhất là các sông lớn thường biến đổi, gây sạt lở ngày càng trầm trọng, làm biến đổi diện tích, ảnh hưởng đến đất sản xuất và dân cư. Do đó luật (hay nghị định) cũng quy định không được cản trở hoặc chuyển dịch dòng chảy. Việc chất chà, đặt bè cá, nhà nổi trên sông phải được chủ tịch UBND tỉnh cấp phép và xử phạt. Cục Đường thủy chỉ quản lý luồng lạch và hiệp thương với tỉnh để lập quy hoạch neo bè, nhà nổi và chất chà. Việc nạo vét sông có tính chất trị thủy phải có dự án của chủ tịch UBND tỉnh và được đồng thuận của bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, Tổng cục Thủy lợi - Bộ NN&PTNT. Chế tài dành cho người vi phạm phải nghiêm, nhất là trách nhiệm của chính quyền cơ sở.

NGUYỄN MINH NHỊ(nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên