19/10/2021 08:01 GMT+7

Hàng không ‘thoi thóp’ chờ ngày cất cánh

CÔNG TRUNG - BÔNG MAI
CÔNG TRUNG - BÔNG MAI

TTO - Dịch bệnh COVID-19 khiến ngành hàng không phải dừng bay, gây thiệt hại trên 500 tỉ đồng/ngày. Đây là số tiền "bốc hơi" hằng ngày vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) tiết lộ.

Hàng không ‘thoi thóp’ chờ ngày cất cánh - Ảnh 1.

Máy bay tại sân bay Nội Bài, Hà Nội - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Dòng tiền kinh doanh của nhiều hãng hàng không đang ‘thoi thóp’ và rơi vào ‘vùng nguy hiểm’. Chỉ tính đến giữa năm 2021, khoản nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất đã lên tới 36.000 tỉ đồng, Vietnam Airlines chiếm hơn 66%.

Mòn mỏi chờ bay

Trong lúc cả ngành hàng không sốt ruột chờ cất cánh, ông Phạm Việt Dũng - chủ tịch VABA - cho biết dừng bay mỗi ngày, ngành hàng không thiệt hại trên 500 tỉ đồng/ngày, ngành du lịch thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng/ngày, 70% khách du lịch do hàng không vận chuyển.

Trong giai đoạn thí điểm từ ngày 10 đến 20-10, có 38 chuyến bay chở khách trên 19 đường bay nội địa mỗi ngày được chia cho các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines khai thác. Riêng Vietnam Airlines được khai thác tần suất 1 chuyến khứ hồi từ Hà Nội - TP.HCM mỗi ngày. 

Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai sân bay trọng yếu của đất nước, chiếm gần 90% số lượng khách và doanh thu của các hãng hàng không trong nước. 

Ông Huỳnh Văn Sơn - chủ tịch Công ty Ngôi Sao Biển - đơn vị chủ đầu tư chợ đêm Phú Quốc -  cho rằng việc thực hiện không nhất quán chính sách di chuyển và cách ly y tế của quốc gia, trong đó mỗi địa phương mỗi kiểu sẽ là rào cản rất lớn cho việc hồi phục các thị trường du lịch. Tâm lý du khách rất ngại những rào cản y tế hiện nay, nên các khách hàng du lịch trong ngắn hạn của họ vẫn chưa được quan tâm.

Với góc nhìn của đơn vị chuyên tư vấn đầu tư, thành lập doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông Bùi Đức Tuệ - giám đốc điều hành của One IBC Việt Nam - cho rằng việc phục hồi đường bay không chỉ giúp hồi sinh các hãng hàng không mà còn là yếu tố then chốt để vực dậy các doanh nghiệp nhiều lĩnh vực đang ngoắc ngoải, thoi thóp vì ảnh hưởng dịch bệnh.

Theo One IBC, thời gian qua, một số doanh nghiệp nước ngoài bước đầu thăm dò, tìm hiểu các thủ tục đầu tư vào thị trường Việt Nam đã "chựng lại" do tình hình dịch bệnh kéo theo các tuyến đường vận tải trên bộ và hàng không bị phong tỏa. Kết nối hàng không trở lại sẽ góp phần quan trọng thu hút "đại bàng" đầu tư - ông Tuệ nhận định.

"Gồng mình" vượt bão thua lỗ

Chủ tịch VABA cho biết từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm, hiện chỉ còn chưa đến 10% so với trước dịch. Doanh nghiệp hàng không bị lỗ ngày càng lớn, dự báo năm 2021 có thể lên tới 20.000 tỉ đồng; nợ ngắn hạn và đến hạn phải trả của các hãng lên tới 36.000 tỉ đồng.

Hàng không ‘thoi thóp’ chờ ngày cất cánh - Ảnh 2.

Hành khách đi máy bay ở Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong những ngày đầu thí điểm khôi phục bay nội địa sau dịch - Ảnh: Q.ĐỊNH

Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, xoay xở trả nợ, mới đây Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) đã chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, rẻ hơn 2,5 lần so với thị giá.

Theo dự tính, hãng bay sẽ dùng toàn bộ 8.000 tỉ đồng tiền huy động từ số cổ phiếu trên để trả nợ cho các khoản vay đến hạn của các tổ chức tín dụng, trả lương, thuế, hoàn vé… 

Tuy nhiên, vì ế gần 4 triệu cổ phiếu (chào bán thành công 796 triệu cổ phiếu), nên Vietnam Airlines thu về số tiền 7.961 tỉ đồng, vẫn thiếu 39 tỉ đồng để trả đủ các khoản nợ trên. 

Dù vậy, "với kết quả đợt phát hành cổ phiếu này, hãng đã được bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền, các chỉ số tài chính được cải thiện đảm bảo đáp ứng các điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM - HoSE", đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Nhờ huy động được tiền từ bán cổ phiếu, nên Vietnam Airlines cũng thoát tình trạng âm vốn chủ, không cần phải trông mong vào việc được "đặc cách" duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM - HoSE trong giai đoạn ngắn khó khăn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021, tính đến ngày cuối quý 2 vừa qua, hãng bay lỗ lũy kế hơn 17.770 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ xấp xỉ 14.183 tỉ đồng. Trải qua khó khăn của đại dịch, lần đầu tiên hãng bay này bị âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỉ đồng.

Đối với Vietjet Air (VJC), trong nửa đầu năm 2021, hãng bay này đã bán toàn bộ gần 17,8 triệu cổ phiếu quỹ, thu về khoảng 2.350 tỉ đồng, nhờ đó tăng vốn điều lệ, tăng số lượng cổ phiếu lưu hành, bổ sung nguồn tiền phục vụ kinh doanh.

Vietjet Air cũng được cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ. Các phương án chuẩn bị nguồn vốn đã được hãng hàng không chuẩn bị từ cuối năm 2020 và nhận được một số bản chào liên quan đến cổ phiếu và trái phiếu. 

Hiện tại, các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Hong Kong đang quan tâm đầu tư vào. Hãng hàng không giá rẻ cũng có kế hoạch phát hành 300 triệu USD trái phiếu riêng lẻ hoặc niêm yết trái phiếu ra thị trường quốc tế với thời hạn dự kiến 5 năm.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021, Vietjet đặt kỳ vọng không lỗ. Cụ thể, mục tiêu doanh thu vận tải hàng không và doanh thu hợp nhất cả năm 2021 đạt 28.500 và 32.000 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ tăng 87% và 76%. Lãi ròng sau thuế hợp nhất nguyên năm đạt 1.000 tỉ đồng, gấp 14,5 lần so với năm trước.

Tính đến quý đầu năm nay, Vietjet Air lãi sau thuế hợp nhất 123 tỉ đồng, hoàn thành 12,3% kế hoạch năm. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19, mảng kinh doanh cốt lõi trở nên khó khăn, các hãng bay cũng có bước đi để đa dạng nguồn thu, cứu lấy chính mình. 

Với Bamboo Airways, từ đầu năm đến nay, đã ba lần tăng vốn điều lệ. Hiện tại vốn điều lệ đã lên đến 16.000 tỉ đồng. Hoạt động của hãng rất cần đến sự hỗ trợ của các cổ đông lớn gồm Tập đoàn FLC và chủ tịch Trịnh Văn Quyết.

Theo các chuyên gia, hàng không thua lỗ là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng cạn tiền mới là mối nguy thực sự lớn trong ngắn hạn. Chừng nào trong két còn tiền, các hãng sẽ còn có thể cầm cự qua ngày, đợi đến khi vắc xin được triển khai trên diện rộng, đại dịch được đẩy lùi và hàng không trở lại bầu trời. Thực tế, dù xoay xở nhiều cách, nhưng các hãng bay cũng đối mặt với nhiều rủi ro trong bối cảnh dịch phức tạp.

Hàng không ‘thoi thóp’ chờ ngày cất cánh - Ảnh 3.

Các hãng hàng không Việt Nam dè dặt bay trở lại từ ngày 10-10 - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch HĐQT Vietravel - đề nghị có một gói hỗ trợ các hãng bay đặc thù như việc hỗ trợ Vietnam Airlines.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tại nghị quyết 105 của Chính phủ, Chính phủ giao cho ngành ngân hàng nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ ngành hàng không. Đặc biệt, ngành ngân hàng đang tính toán cơ chế hỗ trợ riêng đối với một số lĩnh vực đặc thù như đối với các hãng hàng không tư nhân.

VABA cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm đến thị trường để sớm phục hồi, sớm công nhận hộ chiếu vắc xin, từng bước khởi động lại đường bay quốc tế. 

photo-1

Chuyên mục Nhịp sống thương trường với sự đồng hành của One IBC, công ty cung cấp các dịch vụ tài chính, thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư trong nước và quốc tế.

Hàng không chuẩn bị cho kế hoạch trở lại bầu trời Hàng không chuẩn bị cho kế hoạch trở lại bầu trời

Chuẩn bị cho việc khai thác trở lại các chuyến bay nội địa thường lệ, các hãng hàng không đã chuẩn bị tốt nhất để đem đến những chuyến bay xanh và an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

CÔNG TRUNG - BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên