02/10/2015 18:44 GMT+7

Hàng ngàn tỉ đồng đang chờ luật

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Đó là ý kiến của ông Phạm Huy Hùng, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong phiên góp ý dự thảo Luật đấu giá tài sản được tổ chức ngày 2-10 tại TP.HCM.

Ông Phạm Huy Hùng tại hội thảo - Ảnh: Hoàng Điệp

Theo đó, khoản 4 điều 1 của dự thảo luật này quy định: “Việc đấu giá tài khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Tài sản đảm bảo không phải là đối tượng điều chỉnh

Là người đã hoạt động nhiều năm trong ngân hàng, ông Phạm Huy Hùng cho rằng lâu nay việc đấu giá tài sản do các nghị định quy định và các điều luật nằm rải rác ở các luật, khiến cho việc đấu giá tài sản rất khó khăn và dễ bị kiện. Theo ông Hùng, hiện nay còn hàng trăm ngàn tỉ đồng nợ xấu tại ngân hàng là các tài sản bảo đảm chưa được xử lý do quy định của luật pháp chưa chặt chẽ.

Theo ông Hùng, với những quy định của pháp luật hiện tại, người có tài sản đảm bảo không đồng ý trả nợ thì phải kiện ra tòa, ra tòa xong rồi mới thi hành án. Thông thường quy trình này kéo dài từ 5-7 năm nhưng chưa chắc đã giải quyết được. Đến khi bán được thì tài sản thâm hụt hàng trăm tỉ.

Ông Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng dự thảo luật không áp dụng đối với việc đấu giá tài sản nhà nước, tài sản ở bảo đảm... mà thực tế hiện nay vướng tài sản thế chấp ngân hàng rất nhiều. “Một ngôi nhà đấu giá nhanh cũng phải bốn năm. Luật này mà không điều chỉnh để gỡ thì không luật nào gỡ được” - ông Lịch nói.

Ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nói rằng thị trường chứng khoán, nợ xấu ngân hàng ngày càng trì trệ khiến nền kinh tế đi xuống. Tất cả chỗ này đều tắc bởi đấu giá tài sản. “Thậm chí có những vụ án xử xong từ hồi nào rồi, nhưng đến phần đấu giá thì không xử lý được. Việc đấu giá với tài sản bảo đảm này không có luật lệ gì nên ai cũng sợ. Đây là vấn đề đang bị tắc” - ông Kiêm phát biểu.

Ông Trần Văn, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, cũng cho rằng việc ra đời Luật đấu giá tài sản là cơ hội để ngân hàng và các tổ chức tín dụng xử lý tài sản đảm bảo. Bởi vậy, Chính phủ và các cơ quan tham mưu của Chính phủ phải tập trung để lựa chọn cơ hội này cho việc điều chỉnh luật.

Thậm  chí, ông Văn còn cho rằng nên quy định thêm cả việc đấu giá những tài sản mang ý nghĩa tinh thần, kỷ vật hoặc thuộc phạm vi sản phẩm sở hữu trí tuệ như thương hiệu, nhãn hàng… Theo ông Văn, luật cũng nên quy định việc đấu giá online như một số trang mạng nước ngoài đang thực hiện.

Ông Phạm Huy Hùng cũng đặt ra vấn đề liên quan đến việc bảo kê, nhập nhèm trong việc đấu giá tài sản hiện nay: “Có những tài sản lộng lẫy, giữa trung tâm mà đấu giá chỉ có một người? Tại sao vậy? Vì có một người đấu giá nên đấu giá thành và chốt ngay. Chắc chắn là có lực lượng ngăn cản và khống chế không cho nhiều người mua. Hành vi cản trở người khác tham gia đấu giá là vi phạm và phải có chế tài xử lý chứ?”.

Ông Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Hoàng Điệp

"Giáo sư thì vào đây làm gì?"

Đó là câu hỏi của ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi nói về điều 11 trong dự thảo. Điều luật này quy định về những người được miễn đào tạo nghề đấu giá bao gồm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ luật và kinh tế.

Theo ông Phúc, hiện nay chức danh giáo sư bị lạm dụng quá đáng. “Nói với các vị giáo sư là đức cao vọng trọng thì đừng tranh với mấy cử nhân nữa.Thậm chí đã mang hàm giáo sư thì ưu tiên việc giảng dạy, lại còn chiếm chỗ của sinh viên và những người trẻ nữa. Theo tôi, cần phải thay đổi tư duy thế này” - ông Phúc phát biểu.

Bình luận về điều khoản này, ông Trần Du Lịch thì nói rằng: “Tôi cảm thấy buồn cười khi điều luật trong dự thảo quy định giáo sư và phó giáo sư thì không phải tập sự, mà thật ra giáo sư là nghề chứ không phải là hàm mang cho đẹp. Việc quy định trong điều luật như thế này làm xuống cấp giáo dục".

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu, ông Nguyễn Khánh Ngọc - thứ trưởng Bộ Tư pháp - cho rằng cần cân nhắc việc miễn trừ đối với đào tạo nghề đấu giá, bởi thực thế giáo sư, tiến sĩ hay thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên không phải cái gì cũng giỏi để được miễn trừ tập sự, đào tạo đối với những đối tượng trên.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên