05/09/2023 17:04 GMT+7

Hàng trăm dự án bất động sản được tháo gỡ vướng mắc

Sau loạt chính sách quyết liệt nhằm khơi thông thị trường, đến nay hai thành phố lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội đã tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hàng trăm dự án bất động sản.

Hàng trăm dự án bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM được tháo gỡ vướng mắc - Ảnh: HIẾU GIANG

Hàng trăm dự án bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM được tháo gỡ vướng mắc - Ảnh: HIẾU GIANG

Báo cáo tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết số 33/NQ-CP và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Sinh - thứ trưởng Bộ Xây dựng, tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ - cho biết thời gian qua Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương.

Tại TP.HCM, tổ công tác đã tiếp nhận và chuyển 37 văn bản kiến nghị của doanh nghiệp và người dân đến UBND TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản trên địa bàn theo thẩm quyền. 

Đến nay, TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Tại Hà Nội, tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị. 

Hiện Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu) và đang tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 1-8-2023, tổ công tác đã nhận được 112 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 174 dự án bất động sản. 

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 112 văn bản.

Tại Đồng Nai, tổ công tác đã làm việc trực tiếp đối với 7 dự án bất động sản lớn trong đó có các dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh... Qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND tỉnh và các sở địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Mới đây, Thanh tra TP.HCM cũng đã ban hành kết luận thanh tra đối với dự án Khu nhà ở và dịch vụ tại Khu Công nghệ cao (CNC), do Công ty CP TM-DV Công nghệ cao làm chủ đầu tư, sau hơn một năm kiểm tra, rà soát.

Bên cạnh chỉ ra những tồn tại, kết luận thanh tra nêu rõ các bên liên quan cần xây dựng quy chế cho thuê nhằm quản lý đúng thành phần, đối tượng cho thuê theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. 

Về tiến độ thực hiện dự án, kết luận thanh tra cho biết dự án chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, cần phối hợp với các bên liên quan giải quyết dứt điểm những vướng mắc nêu trên, tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện dự án.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), những nỗ lực của UBND TP.HCM bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tăng cường niềm tin cho thị trường bất động sản. 

HoREA kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là thông qua sự phối hợp hoạt động hiệu quả của các tổ công tác Chính phủ, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP sẽ góp phần giải quyết cho hầu hết các dự án bất động sản đang gặp vướng mắc trên địa bàn Thành phố.

Tăng cung nhà ở vừa túi tiền: Phải chung tay gỡ vướng thủ tụcTăng cung nhà ở vừa túi tiền: Phải chung tay gỡ vướng thủ tục

Cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như sớm gỡ những điểm nghẽn về pháp lý dự án từ cấp địa phương để tăng cung, ngân hàng giảm lãi suất cho vay, các doanh nghiệp tái cơ cấu phân khúc sản phẩm... mới có thể giảm được giá nhà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên