07/12/2014 13:32 GMT+7

Hàng trăm nhà chờ “được” xử phạt

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TT - Sau một năm có hiệu lực, quy định về việc đóng một phần tiền thu lợi bất hợp pháp từ việc xây dựng sai phép, không phép để được tồn tại công trình vẫn chưa thể áp dụng trong thực tế do cơ quan chức năng hướng dẫn chưa rõ ràng.

Mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành một thông tư và một văn bản hướng dẫn nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thể áp dụng trong thực tế - Ảnh: Mậu Trường
Mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành một thông tư và một văn bản hướng dẫn nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thể áp dụng trong thực tế - Ảnh: Mậu Trường

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đến nay thanh tra sở này vẫn chưa ký quyết định nào về việc buộc chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép, không phép (gọi chung là trái phép) phải nộp tiền thu lợi bất hợp pháp từ việc xây dựng trái phép.

Lúng túng xử lý

Cách tính chưa rõ ràng

Theo nghị định 121 năm 2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, những trường hợp xây dựng sai phép, không phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không tranh chấp, xây dựng trên đất hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt, chủ nhà còn phải nộp lại cho Nhà nước số lợi bất hợp pháp thu được. Số lợi này được tính bằng 40% giá trị phần xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ, 50% giá trị phần xây dựng sai phép, sai thiết kế, không phép đối với công trình khác.

Thông tư 02 năm 2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn cách tính giá trị thu lợi bất chính dựa trên giá đất do Nhà nước ban hành hoặc giá theo hợp đồng hoặc giá theo dự toán được duyệt. Tuy nhiên, thông tư không nói rõ đơn vị nào sẽ quyết định giá trên, đơn vị nào sẽ tính toán ra số tiền cụ thể cho từng trường hợp...

Tại Q.9 hiện có trên 100 trường hợp làm thủ tục hoàn công nhà bị văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phát hiện công trình xây lớn hơn giấy phép xây dựng. Những hồ sơ này được chuyển qua Đội thanh tra địa bàn Q.9 để xử lý vi phạm xây dựng trước khi làm thủ tục hoàn công.

Tuy nhiên, Đội thanh tra địa bàn Q.9 cho biết chưa thể tính giá trị phần lợi nhuận bất hợp pháp mà chủ nhà thu được từ xây dựng trái phép để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Vì vậy, đội này không nhận hồ sơ và yêu cầu người dân đợi hướng dẫn.

Tương tự, nhiều trường hợp xây dựng lớn hơn giấy phép đã hoàn thành công trình tại Q.Thủ Đức cũng chưa được đội thanh tra địa bàn quận này xử lý vì chưa biết cách tính số tiền mà chủ nhà phải nộp lại cho Nhà nước để tồn tại phần công trình trái phép. Hiện khoảng 20 hồ sơ hoàn công của dân bị vướng tại Q.Thủ Đức.

Ở Q.Tân Phú, nhiều hồ sơ công trình xây trái phép được đội thanh tra địa bàn quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu người dân... chờ hướng dẫn tiếp theo.

Ước tính trên địa bàn TP.HCM có hàng trăm trường hợp xây dựng trái phép như trên chưa được đóng tiền để tồn tại công trình.

Lại đợi hướng dẫn

Quy định về việc chủ nhà xây dựng sai phép được nộp tiền thu lợi bất hợp pháp để điều chỉnh giấy phép xây dựng, hợp thức hóa phần xây dựng trái phép theo nghị định 121 năm 2013 (về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng) có hiệu lực từ ngày 30-11-2013, đến nay đã hơn một năm.

Tại TP.HCM, nhiều trường hợp phát hiện sai phạm trong xây dựng phải áp dụng điều khoản về thu tiền thu lợi bất hợp pháp để cho tồn tại công trình nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn phải chờ hướng dẫn tiếp.

Trước đó, UBND TP.HCM, Sở Xây dựng TP đã có nhiều công văn đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn về vấn đề này. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn cách tính tiền và các văn bản hướng dẫn khác, song những nội dung hướng dẫn trên vẫn chưa rõ ràng nên các cơ quan tại TP.HCM chưa thể áp dụng trong thực tế.

Theo thanh tra Sở Xây dựng TP, hiện quận, huyện nào cũng bị vướng trường hợp tính tiền khi xử lý nhà xây sai phép.

Một lãnh đạo thanh tra Sở Xây dựng TP cho biết các văn bản hướng dẫn không nói rõ đơn vị nào sẽ tính tiền thu lợi bất hợp pháp cho mỗi trường hợp, tính tiền trên cơ sở giá nào, cơ quan nào sẽ quyết định giá để làm cơ sở tính, cơ quan nào thu (UBND các quận, huyện hay thanh tra Sở Xây dựng...).

“Chuyện tiền bạc, thu chi phải công bằng, thu đúng và thu đủ... mà thanh tra Sở Xây dựng TP thì không có chuyên môn. Nếu áp dụng sai quy định sẽ gây mất công bằng dẫn đến khiếu kiện” - một đội trưởng đội thanh tra địa bàn cho biết.

Trong khi đó, một lãnh đạo thanh tra Bộ Xây dựng cho biết Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 121. Sau khi hoàn chỉnh dự thảo, thanh tra Bộ Xây dựng sẽ mời cơ quan chuyên môn góp ý cho nội dung này để có hướng dẫn cụ thể, tránh trường hợp các cơ quan thừa hành không hiểu rõ, gây vướng mắc khi thực hiện.

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên