05/01/2024 16:40 GMT+7

Hàng triệu USD tiền mặt hối lộ của Việt Á được gom từ đâu?

TẤN LỰC
và 1 tác giả khác

Những ngày qua dư luận xôn xao với phiên tòa Việt Á, bên cạnh tính chất nghiêm trọng của vụ án, dư luận cũng choáng váng với số tiền chi hối lộ, 'lót tay' lên tới hàng trăm tỉ đồng, hàng triệu USD.

Bị cáo Phan Quốc Việt, người có vai trò quan trọng trong đại án Việt Á, được đưa ra xét xử - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Phan Quốc Việt, người có vai trò quan trọng trong đại án Việt Á, được đưa ra xét xử - Ảnh: DANH TRỌNG

Đặc biệt, lời khai của bị cáo Phan Quốc Việt trong vụ án này cho thấy, số đô la bị cáo này có được là nhờ mua từ TP.HCM rồi vận chuyển bằng máy bay ra Hà Nội để "lót tay" cho các quan chức.

Trước đó trong phiên tòa "chuyến bay giải cứu", cũng có hàng triệu đô la được đưa đi hối lộ; hay từ kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy số tiền hối lộ cũng là đô la.

Vậy hàng triệu USD tiền mặt mang đi hối lộ các quan chức được lấy từ đâu khi hiện nay quy định về việc mua bán, trao đổi ngoại tệ tại các kênh chính thống rất chặt chẽ, có hạn mức nhất định?

Không dễ mua hàng triệu USD tiền mặt

Để tìm hiểu vấn đề này, Tuổi Trẻ Online đã tham khảo một số chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực tiền tệ và nhận được nhiều thông tin đáng chú ý.

Trao đổi với phóng viên, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng cho biết theo quy định hiện nay, người dân chỉ được mua bán ngoại tệ qua ngân hàng và các kênh được pháp luật cho phép.

Thực tế, trong khi việc bán ngoại tệ cho ngân hàng tương đối dễ dàng thì việc mua ngoại tệ phải kèm theo các điều kiện và hạn mức, người dân không thể tự do tới ngân hàng mua ngoại tệ như mua hàng hóa bình thường.

Lấy ví dụ đồng USD, hiện luật quy định người mua phải thuộc các trường hợp được cho phép mua như đi công tác, du lịch, chữa bệnh, hoặc đi du học, chuyển học phí cho con ở nước ngoài...

Để mua, người dân phải có hồ sơ, giấy tờ thể hiện mục đích mua ngoại tệ. Tùy từng mục đích, luật quy định hạn mức mua ngoại tệ tối đa/người/năm với các mức cụ thể, từ vài ngàn tới khoảng chục ngàn USD, không phải mua bao nhiêu triệu USD cũng được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước cho biết trong pháp lệnh ngoại hối và quy định pháp luật liên quan, Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp ngoại tệ của người dân. Song, người nắm giữ ngoại tệ phải chứng minh sự hợp pháp như nguồn gốc số ngoại tệ có được là do đâu. 

Đơn cử nguồn gốc ngoại tệ có được như với doanh nghiệp thường là từ hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, còn với cá nhân là từ nguồn kiều hối…

Đường đi của USD ra chợ đen thế nào?

Nhận định về những phi vụ "lót tay", hối lộ hàng triệu USD tiền mặt trong những vụ đại án gần đây, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng cho rằng rất có khả năng nguồn tiền này được huy động từ thị trường chợ đen.

Theo đó, hằng năm lượng kiều hối gửi từ nước ngoài về Việt Nam rất lớn, lên tới cả chục tỉ USD. Một phần kiều hối đi qua các kênh chuyển tiền chính thống và được quản lý. 

Tuy nhiên có phần không nhỏ đi qua kênh "xách tay" trực tiếp về nước hay thông qua các đường dây chuyển tiền.

Vậy việc sử dụng ngoại tệ trong nội địa quy định ra sao? Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước cho hay đối với trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, người dân có ngoại tệ thì được mang theo, được cho, tặng ngoại tệ. 

Đồng thời, người có ngoại tệ được bán cho ngân hàng thương mại hay đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Vị này nói thêm khi ngoại tệ đã ở trong nội địa thì không theo pháp luật về quản lý ngoại hối nữa mà theo Luật Dân sự.

Trong khi đó, giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng cho rằng do Nhà nước công nhận quyền sở hữu ngoại tệ của người dân nên có tình trạng người nhận kiều hối không đổi ra tiền Việt tại ngân hàng mà mang về cất trữ. 

Khi có nhu cầu sử dụng, lượng tiền này được người dân ưu tiên mang đổi tại thị trường chợ đen, mà thường là các tiệm vàng, bởi tỉ giá USD chợ đen luôn cao hơn các ngân hàng niêm yết.

Từ đây, các đầu nậu có điều kiện thu gom USD với số lượng lớn để cung cấp cho các đường dây mua bán ngoại tệ, có thể được sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp.

Do đó, vị này cho rằng để thắt chặt trao đổi ngoại tệ cần quản lý chặt thị trường chợ đen, tăng cường kiểm tra các tiệm vàng, đường dây trao đổi ngoại tệ. Tuy nhiên ở một góc độ nào đó, thị trường sẽ có sự luồn lách bởi đồng tiền luôn tìm tới nơi có khả năng sinh lợi cao nhất.

Chợ đen có sức hút người giữ tiền

Đồng thời, lãnh đạo một chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nói về nguyên tắc, pháp luật cho phép người dân được cất trữ tài sản bằng ngoại tệ như USD, được đem USD đến ngân hàng bán để lấy tiền đồng. 

Việc bán USD cho tiệm vàng hay các nơi không được phép hoạt động ngoại hối là sai quy định, vi phạm luật và có thể bị xử phạt rất nặng.

Nói về giả thuyết quy định mua bán ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng khó khăn, khiến người dân tìm tới thị trường chợ đen, tạo cơ hội cho chợ đen phát triển, vị này khẳng định trên thực tế pháp luật đều có quy định cho phép người dân mua bán khi nhu cầu chính đáng.

Chỉ có điều là ngân hàng mua bán ngoại tệ theo tỉ giá chính thức, còn tỉ giá chợ đen có chênh lệch, thường cao hơn. Người dân mua bán bên ngoài có thể lợi hơn nên chọn giao dịch mà không nghĩ rằng sẽ vi phạm pháp luật. 

Do đó, vị này kết luận quy định của Nhà nước không tạo ra thị trường chợ đen.

"Về việc quản lý giao dịch thị trường chợ đen, chỉ có lực lượng công an với chuyên môn nghiệp vụ mới làm được, hệ thống ngân hàng không thể làm việc này. Bởi muốn xử lý tiệm vàng, đường dây đổi ngoại tệ trái phép phải bắt quả tang, phải có chuyên môn nghiệp vụ" - vị này nhận định.

Anh thợ điện bán 100 đô la bị phạt 90 triệu

Nhiều bạn đọc còn nhắc về vụ việc xảy ra tại Cần Thơ năm 2018 khi một thợ điện mang 100 USD ra tiệm vàng để đổi thì bị bắt quả tang, bị xử phạt 90 triệu đồng, tịch thu số tiền bán USD. Đồng thời, tiệm vàng nhận đổi 100 USD cho người này cũng bị xử phạt hàng trăm triệu đồng.

Dù sau đó người thợ điện được cơ quan chức năng cứu xét miễn giảm tiền phạt do không hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn, vụ việc đã cho thấy án phạt cho hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là rất nặng.

Ông Chu Ngọc Anh khai vali đựng 200.000 USD cất trong gara nhưng "nay không tìm thấy"Ông Chu Ngọc Anh khai vali đựng 200.000 USD cất trong gara nhưng 'nay không tìm thấy'

Tại tòa, ông Chu Ngọc Anh vừa cười vừa nói "tinh thần và sức khỏe của tôi rất là phong độ". Ông cho biết chiếc vali đựng 200.000 USD từ Việt Á cất ở gara ô tô trong nhà nhưng "nay không tìm thấy".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên