21/01/2021 07:20 GMT+7

Hàng xóm xây nhà, làm sao để giảm phiền phức?

D.NGỌC HÀ - ÁI NHÂN
D.NGỌC HÀ - ÁI NHÂN

TTO - Khi hàng xóm xây nhà, người xung quanh thường gặp cảnh xe cộ, nhân công ra vào thường xuyên, tiếng ồn, bụi, vật liệu rơi vãi, chưa kể hư đường, nứt tường, lún nhà…

Hàng xóm xây nhà, làm sao để giảm phiền phức? - Ảnh 1.

Công trình 69-71 Điện Biên Phủ (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) thi công phần móng gây nghiêng, nứt nhà bên phải - Ảnh: TIÊN BÙI

Nhà ở đô thị san sát nhau, những chuyện kể trên là "thường ngày", vậy xử sao cho các bên hài hòa? Lúc này mới thấy việc tuân thủ các quy định về an toàn xây dựng sẽ giảm thiệt hại và khả năng tranh chấp khi xây dựng.

Nếu các bên có nói chuyện trước khi sự việc hay sự cố xảy ra thì việc trao đổi, bàn bạc sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Nói nhau một tiếng cho nhẹ lòng

Nhà bà Khuê ở trong một con hẻm nhỏ, chạy ngoằn ngoèo đường 11, quận Gò Vấp (TP.HCM). Con hẻm này là hệ quả của một giai đoạn phát triển dân cư tự phát. Hàng xóm cũ của bà Khuê bán nhà cho một người lạ, chủ mới đập bỏ nhà cũ, xây nhà mới. Để chuẩn bị mặt bằng, từ khoảng 9h sáng tiếng máy khoan rít lên liên tục đinh tai nhức óc, hai người ngồi trong nhà bà Khuê cách nhau hơn nửa mét mà nói chuyện bình thường không nghe được. 

Mỗi lần công nhân đưa mũi khoan vô mảng tường mới, tiếng máy khoan lại ầm ĩ, căn nhà của bà Khuê như rung lên. Ở trong nhà được 30 phút, bà Khuê phải ra khỏi nhà vì không chịu nổi tiếng động từ bên ngoài dội vô phòng. Nhà của bà Khuê có một vết nứt nhỏ trước đó, nhưng khi nhà bên cạnh tháo dỡ thì vết nứt lớn ra làm bà thêm lo lắng.

Từ tuần trước, khi công nhân bắt đầu đập nhà cũ là cả xóm bị xáo trộn chứ không chỉ có hai nhà sát bên. Con hẻm vốn do chủ đất cũ tự hiến đất để phân lô xây nhà bán từ nhiều năm trước. 

Gần đây, các hộ trong hẻm cùng nhau góp tiền làm lại cống thoát nước và mặt hẻm cho sạch sẽ, tránh bị ngập vào mùa mưa. Vì vậy nên chuyện xe tải nhỏ ra vô ngày mấy bận chở xà bần thành mối lo chung của hẻm: lo cống thoát nước bị bể, lo mặt đường ximăng mới làm sẽ bị vỡ...

Tuy nhiên, những phản ảnh của các hộ dân trong hẻm chỉ nhận được cái lắc đầu thờ ơ của những công nhân tại công trình. Hỏi xin số điện thoại của chủ thầu, công nhân không cho, xin số điện thoại của chủ nhà không được khiến mọi người càng thêm bực. Công nhân không thể dừng công việc... 

Sau đó, nhờ liên hệ của cán bộ xây dựng UBND phường, chủ nhà đến trao đổi với các hộ dân trong hẻm và cam kết sẽ khắc phục nếu có hư hỏng về đường đi, cống nước... khi đó mọi người mới bớt lo lắng.

Bà Khuê kể trước đó, một căn nhà sát vách khác cũng đổi chủ rồi cải tạo, sửa chữa hơn một tháng. Trước khi sửa, chủ nhà đi chào hết những hộ trong xóm và nói chuyện việc ông sẽ sửa nhà, chắc chắn làm phiền hàng xóm nhiều và mong mọi người thông cảm. Riêng nhà bà Khuê ở sát vách ông dặn: "Khi nào ồn ào quá cô cứ qua nói với công nhân một tiếng". 

Suốt thời gian đó, những lúc ồn quá bà Khuê cũng qua nhà đang sửa để nhắc. Các công nhân đã được dặn trước nên thường ngừng thi công khoảng 10 phút, hoặc họ chuyển qua làm những việc ít ồn ào hơn. "Mặc dù sau đó họ đục đẽo lại cũng ồn ào, ầm ĩ nhưng mình vẫn có cảm giác dễ chịu hơn vì đã được 'giải lao' 10 phút", bà Khuê kể.

Hàng xóm xây nhà, làm sao để giảm phiền phức? - Ảnh 3.

Nhà anh Đắc Linh (P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM) bị nghiêng, lún, nứt tường do ảnh hưởng của công trình thi công bên cạnh - Ảnh: NHƯ Ý

Gian nan đòi bồi thường hư nhà

Khi chúng tôi đến nhà ông Ô Vĩnh Thạnh (số 29 Nguyễn Thiện Thuật, P.19, Bình Thạnh) thì căn nhà đã được sửa chữa, gia cố với màu sơn còn khá mới, tầng trệt cho thuê tiệm làm tóc. Trước đó, cuối tháng 3-2020, chủ đầu tư công trình bên cạnh đã bồi thường cho ông Thạnh 800 triệu đồng để khắc phục những hư hại do xây dựng công trình gây ra.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thạnh cho biết vào tháng 10-2019, khi nhà bên cạnh thi công phần móng thì nền nhà của ông bắt đầu bị lún. Móng nhà bên cạnh càng đào sâu, nhà ông càng lún nặng làm nứt tường, nghiêng nhà. Khi ấy, ông Thạnh sang công trình phản ánh sự việc trên nhưng gặp đơn vị xây dựng, họ hứa hẹn mà không có biện pháp gì khắc phục thiệt hại.

Sau đó, ông Thạnh đã gửi đơn phản ánh đến UBND quận Bình Thạnh, UBND TP và Thanh tra Sở Xây dựng... Thanh tra Sở Xây dựng xử lý tạm dừng thi công công trình đến khi giải quyết xong sự cố. Lúc này ông Thạnh mới gặp được chủ đầu tư để thương lượng. 

Chủ nhà đang xây đã mời thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hiện trạng hư hỏng, mời đơn vị kiểm định thiệt hại và tính toán số tiền khắc phục. Tháng 3-2020, hai bên đã thỏa thuận số tiền bồi thường là 800 triệu đồng.

"Tôi không làm khó nhà đang xây dựng, nếu lúc đó tôi không gửi đơn đến các cơ quan chức năng thì khả năng nhà tôi sẽ bị nghiêng ngày càng nặng, chi phí khắc phục sẽ cao hơn. Chuyện nhà tôi bị ảnh hưởng, hư hỏng là không ai mong muốn, nhưng phía đơn vị thi công đã chậm khắc phục nên tôi phải cầu cứu đến cơ quan chức năng", ông Thạnh trần tình.

Liên quan đến các phản ánh về xây dựng giữa các chủ nhà với nhau trên địa bàn, ông Phan Đình An - chủ tịch UBND phường 6, quận Gò Vấp - cho biết vai trò của UBND phường chủ yếu là hòa giải và trung gian cho các bên thương lượng bồi thường thiệt hại. UBND phường thường nhận được các phản ảnh như tiếng ồn, bụi, vật liệu rơi trên mái nhà... 

Thường UBND phường kiểm tra, nhắc nhở chủ đầu tư khắc phục. Có trường hợp chủ nhà bị nứt tường đã mời thừa phát lại lập vi bằng về vụ việc và sau đó các bên cũng thỏa thuận bồi thường được.

Một cán bộ thanh tra xây dựng cho rằng các chủ nhà chuẩn bị xây dựng nên tuân thủ quy định về an toàn xây dựng như phải lập phương án an toàn trước khi xây hầm, có lưới bao an toàn xung quanh công trình... Đối với các nhà sát vách nên có khảo sát để biết nhà họ có hư hỏng gì trước đó hay không.

Trước hết là việc công nhân và xe chở vật liệu ra vô thường xuyên trong suốt thời gian thi công sẽ gây ồn ào cho những nhà lân cận. Bên cạnh đó, hàng xóm còn bị ảnh hưởng bởi bụi mịn từ công trình mà không có lưới chắn nào vây hết được. Có những đường nội bộ do người dân tự làm thì xe chở vật liệu vô công trình có thể gây hư đường, vỡ ống thoát nước bên dưới... 

Rất nhiều việc phải phiền đến hàng xóm. Bên cạnh đó còn có nhiều công đoạn phải nhờ vả đến những nhà sát vách như tô hồ, quét vôi mặt ngoài, làm công đoạn chống thấm...

Cùng tìm hiểu về phòng ngừa hư hỏng công trình lân cận khi xây dựng

Từ 9h sáng nay 21-1, Tuổi Trẻ Online phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức giao lưu với bạn đọc chủ đề "Đảm bảo chất lượng xây dựng nhà ở và phòng ngừa hư hỏng công trình lân cận".

Trong đó, các cán bộ của Sở Xây dựng sẽ trả lời bạn đọc về thẩm quyền giải quyết, các thủ tục, biện pháp để bảo đảm an toàn khi xây dựng, bảo đảm an toàn cho công trình lân cận khi xây dựng. Bạn đọc cũng có thể trao đổi với những cán bộ trực tiếp xử lý các vụ việc liên quan đến xử lý sự cố công trình, những hồ sơ, thủ tục, giấy tờ về an toàn công trình cần thiết trước khi khởi công.

Buổi giao lưu trực tuyến cũng có các luật sư uy tín sẽ hướng dẫn bạn đọc các quy định, các hành xử, giải quyết khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến vấn đề xây dựng làm hư hỏng công trình lân cận.

Bên cạnh đó, các kỹ sư nhiều kinh nghiệm của một công ty xây dựng lớn cũng sẽ có những tư vấn cho bạn đọc những vấn đề liên quan đến kỹ thuật xây dựng để tránh sự cố, tránh ảnh hưởng đến nhà hàng xóm trong điều kiện xây dựng quá gần với nhà hàng xóm.

Mời bạn đọc tham gia đặt câu hỏi giao lưu.

Hàng xóm xây nhà gây lún nứt báo cho ai, có quyền yêu cầu dừng thi công? Hàng xóm xây nhà gây lún nứt báo cho ai, có quyền yêu cầu dừng thi công?

TTO - Làm thế nào để khi xây nhà ít gây ảnh hưởng đến nhà bên cạnh? Nếu hàng xóm xây nhà làm hư hỏng nhà mình thì liên hệ ai, nơi nào giải quyết? Cả bên xây nhà và bên bị ảnh hưởng cần làm gì để tránh tranh chấp, khiếu kiện kéo dài?...

D.NGỌC HÀ - ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên