22/04/2024 19:00 GMT+7

Hành trình 20 năm nhà máy Đạm Phú Mỹ

Suốt 20 năm qua, nhà máy Đạm Phú Mỹ đã vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả.

Nhà máy đã cung ứng hơn 15 triệu tấn urê chất lượng cao ra thị trường, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, cũng như góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nông nghiệp quốc gia.

Đạm Phú Mỹ - Nhà máy sản xuất phân đạm từ khí đầu tiên của đất nước

20 năm trước, vào ngày 21-4-2004, Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) đã ban hành Quyết định số 887/QĐ-HĐQT chính thức thành lập nhà máy Đạm Phú Mỹ nhằm chuẩn bị nhân sự cho việc tiếp nhận và vận hành nhà máy từ Liên danh Nhà thầu Technip - Samsung.

Đây cũng chính là nhà máy sản xuất phân đạm từ khí đầu tiên của đất nước, công suất đáp ứng tương đương khoảng 50% nhu cầu phân đạm trong nước giai đoạn đó.

Hành trình 20 năm nhà máy Đạm Phú Mỹ- Ảnh 1.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Lực lượng cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật nhà máy đã nắm bắt và làm chủ công nghệ hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của nhà máy. Họ đã đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất phân đạm từ nguồn khí thiên nhiên, cung ứng cho thị trường trong nước nhằm giảm nhập siêu phân đạm, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nông nghiệp quốc gia.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ còn là nơi đào tạo, hỗ trợ chuyên gia, CBCNV, kỹ thuật viên cho những dự án trọng điểm của các đơn vị trong và ngoài ngành Dầu khí như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Đạm Ninh Bình… Thành công của một số dự án công trình trên, nhất là trong các kỳ bảo dưỡng lớn máy móc thiết bị đều có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của đội ngũ nhân sự từ Nhà máy...

Từ một nhà máy ban đầu, đến nay, tập thể CBCNV-NLĐ PVFCCo/Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã bắt tay vào triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thêm nhiều công trình mới, làm gia tăng đáng kể sản lượng và chủng loại sản phẩm phân bón. Điển hình là tổ hợp dự án đầu tư công trình nâng công suất phân xưởng NH3 và nhà máy sản xuất phân bón NPK công nghệ hóa học, công suất 250.000 tấn/năm…

Ông Phan Công Thành - Tổng giám đốc PVFCCo kiểm tra lô hàng NPK mới của nhà máy NPK Phú Mỹ

Ông Phan Công Thành - Tổng giám đốc PVFCCo kiểm tra lô hàng NPK mới của nhà máy NPK Phú Mỹ

Cũng như từ chỗ chỉ có một sản phẩm ban đầu là Urê, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đã tìm tòi, nghiên cứu và phát triển thành công bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của nền nông nghiệp hiện đại gồm: Urê, NPK, Kali, DAP, SA, ... Rồi đều đặn trong những năm gần đây, PVFCCo nghiên cứu đưa ra các sản phẩm mới trên thị trường như Đạm Phú Mỹ + Ke Bo, NPK Phú Mỹ + vi sinh, bộ sản phẩm dành riêng cho nông nghiệp đô thị - Phu My Garden…

"Gừng càng già càng cay"

Tính từ lúc chính thức khánh thành vào năm 2004 đến nay, nhà máy Đạm Phú Mỹ đã trải qua 2 thập kỷ hoạt động, gần bằng với tuổi đời của dự án. Thông thường, với một nhà máy có tuổi như thế thì máy móc bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu "lão hoá" như trục trặc, hỏng hóc bất thình lình, nguy cơ mất an toàn cao. Thế nhưng nhờ bàn tay, khối óc của đội ngũ quản lý, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa mà Nhà máy vẫn đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định, liên tục và hiệu quả.

Công tác BDTT nhà máy đã được tối ưu hiệu quả nhờ vào năng lực, kinh nghiệm cùng rất nhiều sáng kiến cải tiến của cán bộ chuyên gia, kỹ sư nhà máy. Đến nay, họ đã hoàn toàn làm chủ công tác này mà không cần có chuyên gia quốc tế trực tiếp hỗ trợ.

Công tác BDTT nhà máy Đạm Phú Mỹ năm 2022

Công tác BDTT nhà máy Đạm Phú Mỹ năm 2022

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, bảo dưỡng từng phần, từng cụm thiết bị của dây chuyền sản xuất đã được đặc biệt quan tâm. Do đó, những trục trặc có thể xảy ra trong quá trình hoạt động giữa thời gian của hai kỳ BDTT đều được nhận diện, xử lý kịp thời giúp tránh sự cố đột ngột phải ngừng toàn bộ nhà máy…

Nhờ những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mà một nhà máy "có tuổi" như: nhà máy Đạm Phú Mỹ có thể vận hành vận hành vượt công suất thiết kế, hiện ở mức 115% công suất. Theo số liệu thống kê đến nay, ở nhà máy đã có tổng cộng gần 2.000 sáng kiến hợp lý hóa được áp dụng thành công với giá trị làm lợi tính được thành tiền là hơn 400 tỷ đồng. Những sáng kiển cải tiến này không chỉ giúp nhà máy hoạt động vượt công suất mà còn đạt sự ổn định, liên tục, từ đó lập nên những kỷ lục vận hành sản xuất thời gian qua.

Hành trình 20 năm nhà máy Đạm Phú Mỹ- Ảnh 4.

Nhà máy sản xuất tấn sản phẩm thứ 15 triệu vào năm 2023

Đó là kỷ lục vận hành liên tục và dài ngày nhất của xưởng Amonia (đã chạy liên tục 464 ngày kể từ ngày 19-5-2021) và xưởng Urea (chạy liên tục 277 ngày tính từ ngày 12-10-2021). Những kỷ lục này bỏ xa kỷ lục trước đó vào năm 2016 của nhà máy. Trong năm 2022, nhà máy đạt mốc sản lượng cao kỷ lục 916.642 tấn.

Tháng 8-2023, nhà máy Đạm Phú Mỹ được nhà bản quyền Haldo Topsoe (Đan Mạch) công nhận là một trong những nhà máy ứng dụng công nghệ của họ xuất sắc trên thế giới thông qua chứng nhận "Vận hành xuất sắc"…

Đặc biệt, vào ngày 10-10-2023, nhà máy đã cho ra tấn Ure thứ 15 triệu sau 20 năm hoạt động. Nếu tính từ thời điểm nhận bàn giao nhà máy ngày 21-9-2004 và theo công suất thiết kế là 740 nghìn tấn/năm thì nhà máy đạt mốc sản lượng 15 triệu tấn sớm hơn 1 năm, nghĩa là liên tục hoạt động không chỉ bằng mà còn vượt công suất thiết kế trong suốt 20 năm liền.

Chuyên gia, kỹ sư tại phòng công nghệ trung tâm của nhà máy

Chuyên gia, kỹ sư tại phòng công nghệ trung tâm của nhà máy

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên