11/10/2012 08:08 GMT+7

"Hiệp sĩ" ra khỏi phường là sai quy chế

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Ngày 10-10, Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã làm việc với Công an P.Phú Hòa để làm rõ vụ việc các “hiệp sĩ” thuộc CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa bị Công an Q.12 (TP.HCM) gửi giấy triệu tập vì có đơn tố cáo “cưỡng đoạt tài sản”.

6JOOtzoJ.jpgPhóng to

Giấy chứng nhận là thành viên đội phòng chống tội phạm - Ảnh: Ng.Nam

Đại diện Công an TP Thủ Dầu Một cho biết vẫn chưa thể kết luận được vụ việc trên đúng sai thế nào và sẽ báo cáo tình hình lên Công an tỉnh Bình Dương.

Trước đó, 10 “hiệp sĩ” trong CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa do anh Nguyễn Thanh Hải làm đội trưởng đã bị Công an Q.12 triệu tập vì nghi liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản. Theo Công an Q.12, cơ quan này đã nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Hiệp (43 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) tố cáo vào khoảng 23g ngày 17-8, tại P.Trung Mỹ Tây (Q.12), ông chở em vợ là Huỳnh Thị Mai Phương mang theo 230 triệu đồng để trong cốp xe thì bất ngờ bị nhóm “hiệp sĩ” nói trên ép xe vào lề đường, móc thẻ đỏ xưng là công an, khống chế lấy số tiền này rồi lên ôtô tẩu thoát.

Trong khi đó, các “hiệp sĩ” cho rằng họ nhận được điện thoại của một người tên Đinh Đắc Lộc nhờ giúp đỡ khẩn cấp vì ông Lộc có cho một người thuê chiếc xe Innova nhưng người đó không trả, lại buộc ông Lộc đem 240 triệu đồng đến chuộc xe. Nhận định đây là một vụ tống tiền nên các “hiệp sĩ” từ Bình Dương lên TP.HCM để giúp đỡ. Sau khi ông Lộc giao tiền cho ông Hiệp và nhận được xe thì các “hiệp sĩ” yêu cầu hai bên về cơ quan công an gần nhất là Công an P.Trung Mỹ Tây để trình báo. Tuy nhiên, Công an P.Trung Mỹ Tây không đồng ý tiếp nhận và hướng dẫn vụ việc xảy ra ở đâu thì về địa phương đó giải quyết hoặc để hai bên tự thỏa thuận giải quyết. Vì vậy các “hiệp sĩ” bỏ ra về, mọi diễn biến về sau họ không biết cho đến khi bị triệu tập.

“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải cho biết sau nhiều lần cố gắng liên lạc với ông Đinh Đắc Lộc để nhờ ông này chứng minh không được, chiều 10-10, ông Lộc đã gọi điện lại. “Lộc nói chưa ra mặt vì chưa nhận được giấy triệu tập của công an” - anh Hải nói.

Trung tá Hà Văn Thanh, trưởng Công an P.Phú Hòa (đơn vị chủ quản của CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa), cho biết xét theo quy chế hoạt động thì các “hiệp sĩ” chỉ được phép hoạt động trong địa bàn P.Phú Hòa. “Những cái sai trong quy trình làm việc chúng tôi sẽ chấn chỉnh nghiêm túc trong thời gian tới” - ông Thanh nói.

Về ý kiến lo ngại việc các “hiệp sĩ” lạm dụng giấy chứng nhận thành viên đội phòng chống tội phạm, ông Hà Văn Thanh cho hay giấy này chỉ dùng để các “hiệp sĩ” chứng minh thân thế của mình khi bắt quả tang người có hành vi phạm tội và chỉ dùng trên địa bàn phường.

Theo Cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an, việc cấp giấy chứng nhận nhằm tạo điều kiện cho “hiệp sĩ” thuận lợi trong việc phòng chống tội phạm, chỉ có giá trị trong phạm vi trên địa bàn mà địa phương đó cấp. Trong trường hợp truy bắt tội phạm sang địa bàn khác, các “hiệp sĩ” phải báo cho công an và phải được đồng ý, làm theo sự chỉ huy, chỉ đạo của công an.

Cần đào tạo kỹ năng, kiến thức pháp luật cho “hiệp sĩ”

Hiện nay, để bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công dân, ngoài lực lượng công an còn có lực lượng bảo vệ dân phố theo nghị định 38CP ngày 17-4-2006 của Chính phủ. Tổ chức lực lượng như thế là đã đủ để thực hiện chức năng nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công dân, phòng chống tội phạm. Vấn đề là nỗ lực của các lực lượng này đã thể hiện hết sức mạnh cần thiết nhằm bảo vệ trật tự an toàn xã hội hay chưa.

Trường hợp 10 “hiệp sĩ” thuộc CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa bị Công an Q.12 triệu tập đã đặt ra vấn đề pháp lý của mô hình CLB “hiệp sĩ”.

Theo tôi, mô hình CLB “hiệp sĩ” đã có một số hiệu quả được xã hội ghi nhận nên cũng cần duy trì, khuyến khích nhưng không cần thiết hợp pháp hóa thành một lực lượng như bảo vệ dân phố. Bởi vì tính chất “hiệp sĩ” là hành động nghĩa hiệp khi gặp tình huống cần phải ra tay cứu giúp, không bị ràng buộc bởi ranh giới hành chính. Điều 82 Bộ luật tố tụng hình sự cho phép bất kỳ người dân nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã và giải ngay đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất.

Để hoạt động hiệu quả, an toàn, đúng pháp luật, CLB “hiệp sĩ” cần có điều lệ tiêu chuẩn rõ ràng để tuyển chọn thành viên, cần có các chuyên gia pháp lý, tâm lý, điều tra hỗ trợ và đào tạo các kỹ năng, kiến thức pháp luật để đánh giá được các tình huống cần giúp đỡ, tránh những hành động vượt quá chức năng, nhiệm vụ dẫn đến vi phạm pháp luật, tránh những cạm bẫy do bọn tội phạm tạo ra để đưa các “hiệp sĩ” vào vòng lao lý.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên