28/11/2022 09:27 GMT+7

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: 'Gìn vàng giữ ngọc' văn hóa gia đình Việt

Q.LINH - K.ANH  - L.ĐOAN - C.NHẬT ghi
Q.LINH - K.ANH - L.ĐOAN - C.NHẬT ghi

TTO - Bàn về các hệ giá trị văn hóa, bên cạnh hệ giá trị Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đổi mới thì hệ giá trị gia đình là một dấu son.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Gìn vàng giữ ngọc văn hóa gia đình Việt - Ảnh 1.

Một gia đình hạnh phúc sẽ là một tế bào khỏe của xã hội - Ảnh: Q.ĐỊNH

Truyền thống gia đình, chất keo kết dính trong mỗi mái ấm người Việt, đã nuôi dưỡng sức mạnh dân tộc.

Nhưng trước những biến động của cuộc sống, nề nếp gia đình ít nhiều đã xáo trộn. Ngoài ra, không ít chuyện đau lòng xảy ra trong một mái nhà, cha làm hại con, con làm hại mẹ vì tiền... Làm sao để giữ gìn giá trị đẹp đẽ của gia đình? 

Dưới đây là những góc nhìn khác nhau từ các chuyên gia một số lĩnh vực và cái nhìn từ thực tế truyền thống gia đình bao năm qua để bàn về những cách xây dựng, vun đắp hệ giá trị người Việt Nam.

Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An (nghiên cứu sinh ĐH Suranaree, Thái Lan):

Giá trị cũng cần "nguyên tắc hoạt động"

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Gìn vàng giữ ngọc văn hóa gia đình Việt - Ảnh 2.

Thạc sĩ giáo dục Lê Trường An

Gia đình là một tổ chức xã hội thu nhỏ nên cũng cần "nguyên tắc hoạt động" nhất định. Đầu tiên phải nói đến sự tôn trọng lẫn nhau. 

Không chỉ con cái tôn trọng, biết ơn bố mẹ đã chăm sóc, giáo dưỡng mình mà chính bố mẹ cũng cần tôn trọng con trên tinh thần lắng nghe, hiểu và chấp nhận những khác biệt về sở thích, tính cách, tình cảm, lựa chọn của con.

Sự tôn trọng này còn có hiếu đạo, con có hiếu với bố mẹ sẽ biết tôn trọng và chia sẻ. Ở chiều ngược lại, bố mẹ cũng phải có trách nhiệm lo lắng, chăm sóc khi con còn nhỏ, định hướng khi con vào tuổi trưởng thành… 

Thứ đến là phải chung lo. Người Việt thường có truyền thống tương trợ nhau, nhất là bà con dòng tộc, gia đình "chị ngã em nâng" hay "thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn", rồi "trẻ cậy cha, già cậy con"… 

Có thể nói đây là hệ giá trị trong các mối quan hệ gia đình mà chung quy nằm ở chữ "hòa". Khi tất cả cùng hòa hợp sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, gắn kết các thành viên một cách khắng khít.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (chuyên gia đào tạo và tư vấn tâm lý Hồn Việt):

"Ngân hàng tình cảm" trong mỗi nhà

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Gìn vàng giữ ngọc văn hóa gia đình Việt - Ảnh 3.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm

Giá trị thiêng liêng của gia đình cần phải có sự chia sẻ sâu xa với nhau, thấu hiểu cho nhau để nâng đỡ và giúp nhau vượt qua những lúc người kia gặp phải vấn đề về tâm lý, cảm xúc. 

Cần xây dựng "ngân hàng tình cảm", ngày nào cũng phải bỏ ống cho ngân hàng này để khi xảy ra điều không như ý thì chính những cảm xúc tích cực từ đây sẽ bù đắp cho chúng ta.

Kỹ năng gìn giữ, xây dựng gia đình hạnh phúc chính là thời gian dành cho nhau, vun bồi cảm xúc tích cực trong mỗi thành viên. 

Có gia đình chỉ vì lý do nhỏ xíu nhưng vì không có ngân hàng tình cảm, cảm xúc tích cực không đủ cân bằng với cảm xúc tiêu cực đã dẫn đến đổ vỡ. Ông bà ta dạy vợ chồng còn là tình nghĩa, đủ tình nghĩa mới gắn kết bền chặt.

Không có giềng mối gia đình, sự gắn bó lỏng lẻo nên dễ dứt bỏ nhau.

Nghệ sĩ Quế Trân: 

Giữ gìn truyền thống gia đình

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Gìn vàng giữ ngọc văn hóa gia đình Việt - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Quế Trân

Ba mẹ tôi xưa giờ luôn muốn giữ truyền thống trong gia đình. Ông bà mình sao thì sẽ dạy lại các con giống như vậy, dạy lễ nghĩa trong gia đình như đi thưa về trình, kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo... 

Chẳng hạn, trong bữa cơm, anh chị em tôi ngoài việc mời người lớn trong nhà đã được tập thói quen trước bữa ăn thường xá, vái mời ông bà đã khuất về ăn bữa cơm cùng con cháu. 

Ba mẹ tôi khi dạy những quy tắc nào thường giải thích, cắt nghĩa tại sao phải làm vậy nên lớn lên mình thấy điều đó ý nghĩa và ý thức tự hình thành thói quen chứ không phải là sự bắt buộc.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Gìn vàng giữ ngọc văn hóa gia đình Việt - Ảnh 5.

Gia đình ấm áp của nghệ sĩ Quế Trân - Ảnh: NVCC

Tôi được biết có những người nước ngoài khi được ăn bữa cơm cùng gia đình Việt Nam hay tiếp xúc với người Việt sẽ cảm nhận được sự gắn kết của nhiều thế hệ trong một gia tộc. 

Đó là một nét đẹp văn hóa mà không phải nơi nào cũng có. Bản thân tôi cũng rất yêu thích điều đó và tôi nghĩ đó là nét đẹp văn hóa mà chúng ta nên trân trọng và phát huy.

Anh David Morris (giảng viên tiếng Anh):

Dành cho nhau thời gian chất lượng

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Gìn vàng giữ ngọc văn hóa gia đình Việt - Ảnh 6.

Anh David Morris

Tôi nghĩ một trong những thử thách đáng kể với việc gìn giữ văn hóa, sự ấm cúng trong gia đình Việt hiện nay chính là công việc. 

Nhiều người Việt đặt công việc trên cả gia đình, dành nhiều thời gian làm việc hơn cho gia đình. Tôi còn thấy nhiều người Việt sau giờ làm thích dành thời gian rảnh cho bạn bè, đồng nghiệp hay các hoạt động ngoại giao. 

Việc thiếu thời gian cùng nhau, không cùng ăn bữa cơm gia đình dễ góp phần khiến mối quan hệ trong nhà thêm nguội lạnh. Với tôi, điều cần phải làm là nỗ lực để có khoảng thời gian chất lượng dành cho gia đình, tìm kiếm những hoạt động có thể làm cùng nhau.

Các bạn phải luôn có tâm thế ưu tiên gia đình trên công việc hay việc ngoại giao. Rất nhiều cha mẹ cố gắng đi làm kiếm thật nhiều tiền và điều này phần nào lại làm nhạt nhòa mối quan hệ thiêng liêng giữa họ với con cái, lấy đi sự ấm cúng cần thiết ở một gia đình Việt truyền thống…

Văn hóa càng khai thác càng được phát huy

Ngày 29-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Hội đồng Lý luận trung ương, Bộ VH-TT&DL, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Ngoài hình thức trực tiếp tại Hà Nội, hội thảo còn trực tuyến với các điểm cầu TP.HCM và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nói về tầm quan trọng của hội thảo, PGS.TSKH Lương Đình Hải (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, không giống như tài nguyên thiên nhiên càng khai thác càng cạn kiệt, văn hóa là thứ tài nguyên càng khai thác càng được phát huy, như ngọc càng mài càng sáng.

Văn hóa có thể cùng lúc khai thác được ở nhiều nơi, cho người Việt ở trong nước và ngoài nước, càng khai thác càng nhân lên sức mạnh.

T.ĐIỂU

'Hộ chiếu văn hóa' Việt Nam: Chung tay vì 'sức khỏe' tiếng Việt

TTO - Tiếp theo câu chuyện tiếng Việt (Tuổi Trẻ 19-11) khi bàn thành tố tạo nên "tấm hộ chiếu văn hóa Việt Nam", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với hai nhà giáo, nhà ngôn ngữ có lòng với tiếng Việt, có kinh nghiệm trong nắm bắt xu hướng ngôn ngữ trẻ.

Q.LINH - K.ANH - L.ĐOAN - C.NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên