14/05/2019 10:17 GMT+7

Học bổng Câu chuyện hòa bình: tri ân người mở đường

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - 60 năm trước, những thanh niên xung phong bắt đầu những nhát cuốc đầu tiên trên hành trình tạo nên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. 60 năm sau, những người con của thế hệ thanh niên xung phong này được nhận suất học bổng đặc biệt.

Học bổng Câu chuyện hòa bình: tri ân người mở đường - Ảnh 1.

Cựu TNXP Lê Thị Yến và con gái Lê Thị Diệu Tâm - một trong những bạn được nhận học bổng - Ảnh: QUỐC NAM

Ông Trần Thanh Hồng, trú thôn 4, xã Triệu Lăng, Triệu Phong, Quảng Trị, từng tham gia lực lượng thanh niên xung phong những năm 1967-1969, thuộc đơn vị C2 (Vận tải mặt trận 7, Quân khu Trị Thiên). Khoảng thời gian này với ông không tính bằng năm tháng mà được tính bằng đơn vị tuyến đường.

Cứ mỗi tuyến đường được mở ra là như một "năm" xung trận đối với những người lính mở đường.

Niềm vui bất ngờ của người cha

Trần Thị Nhi là con gái út của ông Hồng. Nhi đang là sinh viên năm nhất ngành kế toán Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng. Nhi nói trước khi mình được chọn trao học bổng Câu chuyện hòa bình, Nhi cũng không biết nhiều đến những năm tháng tham gia chiến dịch mở đường Trường Sơn của cha.

Mấy hôm nay tự nhiên ông Hồng rất vui, gọi điện cho con gái kể với giọng tự hào về khoảng thời gian đó.

Ở nhà, ông tìm các kỷ vật của những năm tháng chiến tranh. Trong số đó có tấm kỷ niệm chương thanh niên xung phong được ông cất giữ cẩn thận nhất. "Đây là điểm bắt đầu nhưng lại thành một bước ngoặt của cuộc đời tôi" - ông chia sẻ.

17 tuổi, ông Hồng đã tự nguyện gia nhập lực lượng thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn, vào Quân khu Trị Thiên phụ trách nhiệm vụ mở các tuyến đường vận tải lẻ xuyên rừng để chuyển lương thực, vũ khí vào mặt trận.

Từ năm 1969 đến khi giải phóng, ông được chuyển về lực lượng pháo binh của bộ đội chủ lực tỉnh Quảng Trị.

Hiện tại dù đã gần tròn 70 tuổi, nhưng con cái của hai vợ chồng ông Hồng vẫn đang tuổi học đại học. Mẹ Nhi cũng từng tham gia du kích, mấy năm nay bị bệnh. Gia đình ông thu nhập từ việc chăn nuôi heo, gà.

Mấy ngày trước, cán bộ của Huyện đoàn Triệu Phong mang nội dung chương trình Câu chuyện hòa bình về nhà để làm hồ sơ xin học bổng cho Nhi. Ký ức của ông Hồng như được đánh thức.

Con được nhận học bổng mà ông cứ có cảm giác như chính mình được nhận. Có lẽ chưa bao giờ trong mấy chục năm qua ông có cảm giác xúc động như thế.

"Nói thiệt, khi chiến tranh thì xả thân cho đất nước là chuyện đương nhiên, không ai nghĩ đến việc sau đó sẽ nhận được gì. Nhưng cảm xúc mấy hôm nay thật khó để diễn tả. Tui thấy ấm bụng lắm" - ông Hồng bộc bạch.

Suất học bổng mang tên "Hi vọng"

Lê Thị Diệu Tâm, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cũng là một trong 60 bạn học sinh sinh viên nhận được suất học bổng Câu chuyện hòa bình lần này. Tâm gọi đây là suất học bổng mang tên "Hi vọng".

Tâm đang học lớp 12 Trường THPT Lệ Thủy. Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, Tâm rối bời vì con đường tương lai. Tâm phân vân giữa việc tiếp tục học lên đại học và nếu học sẽ bằng cách nào.

Những giáo viên ở Trường THPT Lệ Thủy rất ấn tượng với khả năng học của Tâm. Những năm học từ cấp II đến cấp III Tâm đều là học sinh giỏi. Nhưng hoàn cảnh gia đình Tâm thì vô cùng khó khăn.

Mẹ Tâm, bà Lê Thị Yến, từng là thanh niên xung phong giai đoạn 1971 - 1975. Bốn năm "đội đá vá đường" trên tuyến đường 10 ở Quảng Bình có lẽ đã lấy đi quá nhiều sức vóc của bà. Đến khi lấy chồng, chồng lại mất sớm khiến đôi vai bà thêm nặng trĩu vì lo cho hai đứa con. Tâm học xong lớp 11 đã phải xin nghỉ học một năm để chăm mẹ bệnh.

Cuộc sống quá khó khăn khiến Tâm và cả mẹ không dám nghĩ đến chuyện học đại học. Cơm nước hằng ngày mấy hôm rồi của hai mẹ con là từ vài ba chục ngàn lẻ tiền bán khế từ cây khế sau vườn. Tâm khi rảnh còn đi phụ bán quán ốc ở thị trấn.

Suất học bổng 10 triệu đồng từ chương trình đến đúng thời điểm quyết định tương lai. "Đầu năm rồi, phải nhờ đến thầy chủ nhiệm bỏ tiền quỹ lớp ra "ứng trước" cho Tâm có tiền nộp học phí và mua sách vở đầu năm thì Tâm mới đi học được. Tui đang không dám nghĩ đến chuyện cho con đi học đại học bốn năm thì nghe tin con được học bổng này" - bà Yến rơm rớm.

Ghi nhớ sự hi sinh của thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn Ghi nhớ sự hi sinh của thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn

TTO - Hơn 300 cựu thanh niên xung phong Ban xây dựng 67, Đoàn 559 đã tề tựu về Đà Nẵng trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đầy xúc động, ngày 21-4.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên