17/11/2023 10:15 GMT+7

Học, kiếm tiền và đưa mẹ về quê

Có thể nói Trương Ái Nhi - tân sinh viên ngành ứng dụng phần mềm Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM - bán sức lao động của mình để có thể đến trường cũng không quá bởi cô bé gần như không từ nan việc gì.

Trương Ái Nhi (trái) cùng mẹ và cậu em trai út trong tiệm giặt ủi là công việc kiếm sống của cả nhà - Ảnh: BÌNH MINH

Trương Ái Nhi (trái) cùng mẹ và cậu em trai út trong tiệm giặt ủi là công việc kiếm sống của cả nhà - Ảnh: BÌNH MINH

Ái Nhi làm mọi việc, từ phục vụ bàn, bán hàng đến cả khuân vác hàng hóa ban đêm.

Thoạt nhìn, căn nhà của gia đình Nhi đang ở mang vẻ ấm áp, đủ đầy như bao gia đình khác. Cha mẹ và các con êm đềm sống bên nhau qua ngày với công việc giặt ủi. Trên chiếc sào phơi đồ, vài chục bộ đồ đã được giặt ủi tinh tươm đang chờ giao cho khách.

Mình phải học, đi làm có tiền để được dẫn mẹ về quê dù chỉ một lần. Đó là nỗi buồn mà mẹ đã giấu kín trong lòng bấy lâu, nhất là cả khi nghe tin cha mẹ đổ bệnh mà vẫn không thể về, chỉ biết khóc.

TRƯƠNG ÁI NHI

Con vác hàng nặng nhường mẹ hàng nhẹ

Cuộc trò chuyện vừa bắt đầu bỗng khách giật mình bởi tiếng la hét. Tiếng thét ấy là của cậu em trai Nhi mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, thỉnh thoảng vẫn la lên như thế. Và cả nhà đã quen với điều này.

Trong hồ sơ xin học bổng Tiếp sức đến trường đăng ký với báo Tuổi Trẻ, Nhi viết về gia cảnh của mình: "Ba mẹ tôi làm nghề giặt ủi tại nhà, tình trạng rất ế ẩm. Sức khỏe ba tôi đã yếu dần nên ngoài công việc chính, mẹ tôi phải đi làm thêm cho người ta, ai mướn gì làm đó".

Vài dòng tóm tắt ngắn ngủi ấy là cả câu chuyện mà trong những phút trải lòng, Ái Nhi mới nói, như thước phim trôi chậm mà là cả quãng đường không hề bằng phẳng.

Đó là những ngày Nhi và mẹ đèo nhau từ quận 11 xuống Khu công nghiệp Tân Tạo làm việc.

Hai mẹ con làm khuân vác hàng hóa trong kho hàng. Vì người ta đã đăng ký ca sáng hết suất nên hai mẹ con chỉ còn lại khung giờ 8 tiếng làm đêm.

18h, khi người ta trở về nhà, kết thúc một ngày làm việc, cô học sinh lớp 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp quận 11 ấy mới cùng mẹ bắt đầu hành trình mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dù ca làm việc bắt đầu từ 19h và kéo dài đến 2h sáng hôm sau nhưng do nhà xa nên hai mẹ con thường rời khỏi nhà từ 18h để kịp vào ca.

Mỗi giờ khuân vác, Nhi được trả tiền công 28.000 đồng. "Kho hàng lớn lắm, cứ ai kêu khuân vác cái gì, hai mẹ con lại khuân cái đó. Mẹ lớn rồi, sức cũng yếu dần nên mình luôn kêu mẹ bưng những món hàng nhỏ, những món lớn và nặng hơn là phần của mình" - Nhi kể.

Công việc nặng nhọc đã đành, mỗi lần muốn đi vệ sinh, rời khỏi khu vực làm việc đều phải xin phép vì nội quy đã ghi như thế. Để đủ sức làm, Nhi và mẹ gói cơm theo ăn. Nhưng nhiều đêm làm mệt quá đến cơm cũng không nuốt nổi.

Tuy vậy, đó là khoảng thời gian hiếm hoi hai mẹ con được ngồi cạnh nhau nghỉ ngơi, giữa dòng người ngược xuôi trong kho hàng.

Ai cũng có một nơi để về

Chọn học ứng dụng phần mềm vì Ái Nhi yêu thích công nghệ thông tin khá lâu rồi. Đâu hồi mới khoảng 8 tuổi thì phải. Còn nhớ hồi đó mà Nhi đã biết ra mấy tiệm net xin người ta cái CPU cũ về rồi bày ra lắp ráp, riết cái nghiện luôn.

Những lúc tranh thủ được thời gian, cô tân sinh viên ấy tìm mấy khóa học miễn phí về kỹ năng mềm, kiến thức chuyên môn học, vừa tiết kiệm vừa trau dồi bản thân.

Ngồi cạnh con gái, bà Trương Ngọc Thủy Tiên - mẹ Nhi - khoe: "Nhi toàn tự ôn, tự học hết vì thích học lắm. Hai vợ chồng tôi đều mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp và xương khớp, con trai út cũng bệnh. Thật sự rất khó nhưng tôi không muốn phải nói với con giờ cha mẹ làm ít tiền quá thôi con nghỉ học đi" - bà Tiên bỏ lửng câu nói, hai dòng nước mắt lăn trên gò má.

Ái Nhi biết rõ hoàn cảnh gia đình mình thế nào. Bạn chưa một lần than trách gì cha mẹ, chỉ lặng lẽ vừa học vừa làm, theo đuổi ước mơ. Nhi nói mơ ước lớn nhất của đời mình là có thể được vào làm ở Intel nơi đã từng nghe nhiều người nhắc đến và cũng có tìm hiểu thông tin.

Nhưng sâu xa hơn, cô gái 18 tuổi ấy muốn tìm được một công việc tốt, có thu nhập để giúp mẹ thực hiện cả ước mơ cũng là nỗi buồn dai dẳng mà mẹ luôn giấu kín. Ấy là có tiền để một lần dẫn mẹ về quê chơi vì đã bốn cái Tết mẹ không được về quê dù ở Vĩnh Long chứ có phải cách trở xa xôi gì đâu.

Một phần vì tính tới lui thấy chi phí cho lâu lâu có dịp về quê cũng cao mà bám trụ chốn thị thành đầu tắt mặt tối với mưu sinh cũng hết ngày. Phần cũng vì cậu út bám hơi mẹ.

"Mẹ lúc nào cũng hướng về quê. Có đợt nghe tin ông bà bệnh, mẹ đã khóc rất nhiều mà không thể về. Người ta nói ai cũng có một nơi để trở về nhưng mẹ không dễ về với một nỗi đau đáu nhớ quê" - Ái Nhi trải lòng.

Việc gì cũng có thể làm

Sinh ra với ngoại hình mạnh mẽ, rắn rỏi nhưng Ái Nhi dẫu gì vẫn là đứa con gái. Trong suốt cuộc trò chuyện, có hai lần Nhi cho phép mình chùng xuống là khi nhắc về mẹ.

Nhi nhớ hoài hình ảnh lần đứng trong kho nhìn theo bóng mẹ đang lầm lũi khuân hàng. Mẹ ngày một lớn tuổi, lại hay bệnh bưng đâu muốn nổi nhưng vẫn cố, cô chỉ muốn chạy lại kêu mẹ đi về đi.

Cả ngày đi học ở trung tâm, tối Nhi lại đi làm. Làm được nửa năm, thấy mẹ quá vất vả, cộng với đứa em nhỏ ở nhà vắng mẹ hầu như thức suốt đêm, Nhi nói mẹ nghỉ làm còn mình vẫn ráng thêm một thời gian nữa, sau đó cũng nghỉ.

"Mình lại đi kiếm việc khác, lòng vòng trong khu nhà, bưng bê phục vụ ở các quán nước, rồi xin vào làm ở cửa hàng tiện lợi. Có lẽ có bao nhiêu việc làm được mình đều làm hết để trang trải việc học và cuộc sống" - Nhi bộc bạch.

Học, kiếm tiền và đưa mẹ về quê - Ảnh 5.

Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận: Học để viết tiếp ước mơTiếp sức đến trường cho tân sinh viên Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận: Học để viết tiếp ước mơ

Tân sinh viên nhận học bổng Tiếp sức đến trường đều có những hoàn cảnh khác nhau. Nhưng tất cả có chung một quyết tâm, được bước tiếp trên con đường tri thức để thực hiện những lời hứa, ước mơ của bản thân và những người tin yêu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên