02/11/2022 12:43 GMT+7

Hơi ấm người dưng - Kỳ cuối: Miệt mài lo bữa no, mái ấm cho người khác

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTO - Tuyết bảo thấy người nghèo khó quanh mình thiếu ăn đói mặc, chị lại lên đường, không còn thấy mệt mỏi nữa.

Hơi ấm người dưng - Kỳ cuối: Miệt mài lo bữa no, mái ấm cho người khác - Ảnh 1.

Trương Thị Tuyết đến với trẻ em vùng cao tỉnh Quảng Nam - Ảnh: NVCC

Với ngoại hình mảnh khảnh, nhưng có lúc Trương Thị Tuyết (38 tuổi, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) lặn lội lên tận vùng miền núi huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My... để mang quà đến người dân nghèo, trẻ em. 

Kết duyên thiện lành

Hỏi về hành trình đến với "người dưng" trong nhiều hoạt động từ thiện mà mình đã làm trong hơn 10 năm qua, Trương Thị Tuyết (cán bộ văn phòng UBND xã Quế Lộc) cho biết: "Tôi cũng không nhớ mình đã làm bao nhiêu hoạt động, chia sẻ, yểm trợ cho bao nhiêu người nữa, chỉ biết là nhiều lắm". Chương trình mới nhất Trương Thị Tuyết phối hợp với những người cùng tâm nguyện thực hiện chính là vận động xây dựng nhà cho một đôi vợ chồng nghèo, thuộc diện khó khăn tại địa phương.

Dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà vừa hoàn thành ở sát chân núi thuộc xã Quế Lộc của anh Xuân và chị Em, Tuyết cho biết "đây là một trong số hàng chục ngôi nhà đã được tôi kết nối với nhà hảo tâm xây dựng". Theo Tuyết, bà con ở huyện Nông Sơn đa số làm nông nên đời sống khó khăn, đã vậy có nhiều gia đình neo đơn, không có con cháu nên khi ngã bệnh hoặc tuổi già ập tới sẽ không biết nương tựa vào ai. 

"Gia đình anh Xuân có mẹ già, ba con nhỏ và cả hai người đều có sức khỏe không tốt nên tôi chọn để kết nối xây nhà, rất mừng là nhà hảo tâm đã đóng góp gần đủ để họ có một ngôi nhà khang trang khi mùa mưa bão đang rình rập", Tuyết bày tỏ.

Không chỉ xây nhà, hễ trong thôn trong xã hoặc người ở huyện Nông Sơn có ai bệnh đau Tuyết đều làm cầu nối để những người thân, quen biết đồng cảm cùng chia sẻ. Dường như Trương Thị Tuyết đã trở thành "chiếc phao" đáng tin cậy để mỗi khi gặp khó khăn, tưởng chừng như đang ở cuối con đường thì họ lại nghĩ tới để nhờ cậy. 

Có những trường hợp bi đát như Đỗ Hoàng Tài (16 tuổi, quê Quảng Nam) tạm trú tại khu phố 6, Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM bị tai nạn giao thông, hôn mê sâu, phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tuyết liền xác minh địa phương và nhanh chóng kêu gọi. Hàng chục người cũng ngay lập tức hiệp lực cùng Tuyết chia sẻ thông tin, gửi đóng góp và chỉ vài ngày đã gom được hàng chục triệu đồng gửi cho thân nhân em Tài.

Mới nhất, trường hợp anh Châu ở thôn Tân Phong, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn gặp tai nạn phải phẫu thuật chân gấp cũng được Tuyết kết nối và nhận được gần 25 triệu đồng từ nhiều người thông qua trang Facebook cá nhân. "Bệnh nhân hay người già nhận quà nói cảm ơn tôi, tôi đều bảo hãy cảm ơn nhiều nhà hảo tâm khác, tôi chỉ là người kết nối thôi", Tuyết nói.

Thực tế, nhân vật nào hay gia đình nào được Tuyết kết nối chị cũng đều bỏ một phần đóng góp từ cá nhân mình để cùng sẻ chia. Như vậy, với công việc này, ngoài việc phải "nhín" bớt thời gian dành cho con cái, gia đình, chăm sóc bản thân thì Tuyết còn góp sức bằng chính đồng lương công chức ít ỏi của mình. Tất cả hoạt động đều minh bạch, bằng cách sao kê tài khoản báo cáo với mọi người, phần khác do Tuyết cũng là cán bộ xã nên được mọi người tin tưởng gửi gắm, "chủ yếu là những người thân, tin và hiểu việc của mình", chị cho biết.

Hơi ấm người dưng - Kỳ cuối: Miệt mài lo bữa no, mái ấm cho người khác - Ảnh 2.

Tuyết đến với những người già neo đơn, hoàn cảnh ốm đau, tai nạn bất ngờ ở địa phương - Ảnh: NVCC

Hữu xạ tự nhiên hương

Làm từ thiện cũng... nghiện. Trương Thị Tuyết nói vui khi nhận định về công việc "làm thêm" không lương mà mình đã theo đuổi trong hơn 10 năm qua. Theo Tuyết, làm việc thiện là cách mình kết thiện duyên với cuộc đời và những người hữu duyên. Có những trường hợp họ rất khó khăn mà không giúp được nhiều cũng thấy rất áy náy trong lòng nhưng rồi, sau khi nhìn theo hướng tùy duyên - làm hết sức và vui với kết quả đạt được - Tuyết đã yên lòng hơn.

Nhờ mạng xã hội, những việc làm của Tuyết cũng lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng thiện nguyện. "Có người ở TP.HCM, Bình Thuận, Bình Dương, Tiền Giang... đã kết nối với tôi để cùng làm những chương trình ý nghĩa ở Nông Sơn", Trương Thị Tuyết hoan hỉ nói về những người bạn thiện lành ở bốn phương, với lòng biết ơn.

Trong gia đình, chồng và các con cũng ủng hộ các hoạt động xã hội mà chị đã làm. Anh Sự, chồng Trương Thị Tuyết, là giáo viên ở Trường THPT Nông Sơn, vui vẻ tham gia các chương trình do vợ tổ chức, nếu có thời gian. Trong đó, các chuyến tặng quà trung thu ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, phía sau Tuyết luôn có bóng dáng người chồng thông hiểu, yêu thương và chia sẻ.

Làm việc thiện, với Trương Thị Tuyết còn là một cách để "gửi ngân hàng" cho con cái mai sau. Tuyết bộc bạch: "Tài sản vật chất để lại cho con có thể sẽ hết theo thời gian nhưng nếu ba mẹ sống tốt, biết chia sẻ với đời với người, di sản ấy sẽ theo con mãi, trở thành niềm tự hào để con biết sống tử tế". Không nói suông, Trương Thị Tuyết vẫn hay cho các con đồng hành trong những chuyến đi phù hợp. 

"Tôi hay nói với con mình, nhìn xuống con sẽ thấy cuộc đời còn nhiều người khổ lắm, việc của mình là tập thương, tập chia sẻ càng nhiều càng tốt", Tuyết nói.

Lo cho người dưng mà làm bền bỉ hàng chục năm, đương nhiên phải có nguồn lực vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, sự chung tay của những người xa lạ chỉ biết Tuyết qua mạng xã hội không chỉ giúp cho chương trình chị phát động được thành tựu mà đó cũng chính là động lực để làm, không mệt mỏi.

Có những chương trình đi về rồi vẫn cứ đau đáu nghĩ về những con người đã gặp. Đó là những trẻ em ở vùng cao bởi vì nếu đến và chỉ trao cho một vài phần quà bánh hay ít bộ đồ cũ, đôi ba cặp sách trước thềm năm học mới thì họ vẫn đối mặt với những cái nghèo cái khó cũ. Do vậy, theo Tuyết, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để người vùng sâu vùng xa, người nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững mới là giải pháp căn cơ. 

"Với cái tầm của tôi thì dù có miệt mài làm bao nhiêu cũng chỉ mới dừng lại ở gieo duyên sống thiện. Tất nhiên, có vẫn hơn không nên cứ cố gắng từng ngày", Trương Thị Tuyết chia sẻ.

Thực tế người nghèo và người cần giúp ngặt trong những tình huống tai nạn hay thiên tai, bệnh tật bất ngờ luôn có trong xã hội. Đôi khi họ không biết kêu cứu ở đâu thì những bàn tay san sẻ như của Trương Thị Tuyết, với tình người và sự minh bạch, phần nào cũng sưởi ấm để họ bớt khổ, may mắn hơn thì có thể đứng dậy, đi qua gió dông của chính mình.

Một tấm lòng nhân ái đáng quý

"Tôi cảm phục tấm lòng của Tuyết vì lúc nào bạn ấy cũng nghĩ tới khó khăn của người khác, giúp được ai thì luôn hết lòng hết sức. Có những người Tuyết giúp đỡ họ đã thoát nghèo nhờ có căn nhà, an cư lạc nghiệp sau đó. Có những cụ lớn tuổi neo đơn, với những món quà an ủi tuổi già mà Trương Thị Tuyết mang đến, tôi nghĩ đó không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần, họ xem bạn ấy như con cháu. Tuyết cũng ân cần với họ như người thân. Tôi học được ở Tuyết lòng từ bi với mọi người" - cô HÀ THỊ NUÔI, tiểu thương ở chợ Thơm, người vẫn thường đồng hành với Tuyết trong nhiều chương trình thiện nguyện.

Hơi ấm người dưng - Kỳ 9: Được sống lần nữa nhờ ngàn vòng tay người dưng Hơi ấm người dưng - Kỳ 9: Được sống lần nữa nhờ ngàn vòng tay người dưng

TTO - Chúng tôi quay lại nhà Trần Phúc Thịnh (ngụ xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) sau bảy tháng kể từ lần trao gia đình số tiền từ đợt vận động đầu tiên trong sinh viên Trường đại học An Giang.

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên