29/09/2023 17:06 GMT+7

Hồi ký của các nhà báo lão thành qua 'Thời gian và nhân chứng'

Trong 'Thời gian và nhân chứng', các nhà báo lão thành Xích Điểu, Thanh Châu, Hiền Nhân… kể chuyện báo chí Việt Nam bị 'bóp chẹt' trong chế độ cũ.

Nhà báo các thế hệ gặp nhau dịp ra mắt

Nhà báo các thế hệ gặp nhau dịp ra mắt "Thời gian và nhân chứng" diễn ra ngày 29-9 tại Hà Nội - Ảnh: DANH KHANG

Bộ sách Thời gian và nhân chứng gồm ba tập, do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật biên tập và tái bản, hướng tới kỉ niệm 100 năm ra đời và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. 

Ở lần xuất bản trước, các tập của bộ sách được phát hành lần lượt vào các năm 1994, 1997, 2001.

Trong 43 nhà báo được giới thiệu trong bộ sách, có đến 15 người sinh ra từ năm 1908 tới năm 1920 gồm những tên tuổi như Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Tô Hoài, Quang Đạm, Xích Điểu, Vũ Đình Hòe, Lưu Văn Lợi, Hữu Ngọc, Thanh Châu, Huỳnh Văn Tiểng, Hiền Nhân, Trần Kư…

Trong chế độ cũ, báo chí Việt Nam bị 'bóp chẹt' triền miên

Trong hồi ký 60 năm buồn vui với nghề, nhà báo Xích Điểu kể, báo chí thời kì trước Cách mạng tháng Tám 1945 đặt dưới chế độ kiểm duyệt hà khắc. Có bài bị nhân viên kiểm duyệt bỏ toàn bộ, có bài bỏ một nửa, thậm chí tự chữa, thêm bớt tùy ý không cần ý kiến người viết.

Trong hồi ký 35 năm - một ngòi bút, một đời người, nhà báo Hiền Nhân kể chuyện nhà báo và phòng kiểm duyệt "chơi" nhau từng chữ rất gay.

Bộ sách

Bộ sách "Thời gian và nhân chứng" do NGND Hà Minh Đức chủ biên - Ảnh: DANH KHANG

Thời đó, báo chí do người Việt làm chủ xuất bản ở Hà Nội dưới thời Pháp thuộc không hề được tự do. Mọi bài vở, tin tức cho đến những mẩu quảng cáo đều bị kiểm duyệt chặt chẽ. Người viết báo muốn "lọt" phải dùng nhiều thủ thuật. 

Còn nhà báo Thanh Châu kể trong hồi ký Chặng đường làm báo thời Pháp thuộc, một bài báo của ông viết cho báo Trung Bắc chủ nhật, chỉ nói đến lòng yêu nước cũng bị cắt cả đoạn cuối. "Đã vậy, bài báo còn in kèm dòng chữ "kiểm duyệt" trắng trợn đúng vào quãng trống", ông viết.

Đọc hồi ức của nhà báo Thanh Châu, qua thư trao đổi giữa ông và Thượng Sĩ, người đọc gặp lại không khí báo chí một thời với những tên tuổi như Tam Lang, Vũ Bằng, Ngô Tất Tố,… với nhiều câu chuyện thương xót. 

Nhà báo Thanh Châu kể lại "ít nhiều sự thực về một nghề bạc bẽo đã qua, để thấy những người làm báo ngày nay dưới chế độ ta: khác xưa, hạnh phúc biết chừng nào".

Trong 43 nhà báo xuất hiện trong bộ sách, phần lớn là những nhà báo hoạt động trong thời kì trước Cách mạng tháng Tám kéo dài qua cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ.

Theo GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương - bộ sách Thời gian và nhân chứng giữ lại cho lịch sử những hồi ức, kĩ năng, kỉ niệm cũng như những ngón nghề của hơn 40 nhà báo gạo cội của báo chí cách mạng Việt Nam.

Những hồi ức sống động và chân thật ghi lại những thay đổi và chuyển biến trọng đại trong tiến trình cách mạng của dân tộc ở thế kỉ XX. Qua những trang hồi ký đó, chúng ta thấy được sự vận động nhiều mặt của báo chí, xã hội, văn học…
PGS.TS Vũ Trọng Lâm, giám đốc nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật

'Thời gian và nhân chứng' truyền cảm hứng cho thế hệ sau

Bộ sách Thời gian và nhân chứng là kết quả sau 10 năm ghi lại hành trình làm nghề của 40 nhà báo gạo cội của NGND Hà Minh Đức và các cộng sự.

"Chúng ta có một thế hệ nhà báo vàng của nền báo chí cách mạng Việt Nam", nhà giáo Hà Minh Đức nói.

NGND Hà Minh Đức - Ảnh: DANH KHANG

NGND Hà Minh Đức - Ảnh: DANH KHANG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, NGND Hà Minh Đức cho hay, sau bộ sách Thời gian và nhân chứng, ông muốn thực hiện một bộ sách khác về những nhà báo thế kỉ XXI. Thực ra là đã bắt tay vào làm nhưng bất thành bởi "để có một nhà báo như Quang Đạm, Phan Quang,… chúng ta phải mất nửa thế kỉ".

Chủ biên Hà Minh Đức chia sẻ thêm, trong số 43 nhà báo xuất hiện trong bộ sách này, may ra chỉ còn chừng 10 người còn sống.

Bộ sách chính là chỉ dẫn cho thế hệ sau, không chỉ kinh nghiệm mà còn mang đến một năng lượng, truyền cảm hứng rất lớn.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn , phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

Theo đại diện Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, bộ sách có đóng góp không nhỏ vào kho tàng lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập của thế hệ nhà báo mới.

"Học được rất nhiều điều từ các nhà báo, tôi không muốn một tài sản quý bị mất đi cùng thời gian", NGND Hà Minh Đức nói về thôi thúc thực hiện bộ sách này.

Bộ sách Thời gian và nhân chứng gồm ba tập:

Tập I giới thiệu chân dung 13 nhà báo: Quang Đạm, Xích Điểu, Tô Hoài, Lê Kim, Trần Kư, Trần Lâm, Trần Công Mân, Vũ Tú Nam, Đỗ Phượng, Hữu Thọ, Xuân Thủy, Lê Bá Thuyên, Hà Xuân Trường.

Tập II khám phá chân dung 16 nhà báo: Thanh Châu, Trần Bạch Đằng, Hà Đăng, Hồng Hà, Thanh Hương, Trần Kiên, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê, Hồng Lĩnh, Hiền Nhân, Hữu Ngọc, Phan Quang, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tùng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Minh Vỹ.

Tập III phác họa chân dung 14 nhà báo: Dương Kỳ Anh, Hàm Châu, Trần Đức Chinh, Thái Duy, Bảo Định Giang, Trần Mai Hạnh, Vũ Đình Hòe, Hồ Tiến Nghị, Đinh Phong, Trường Phước, Nguyễn Thành, Nguyễn Phú Trọng, Vũ Tuất Việt, Hồng Vinh.

Ra mắt sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thể hiện quyết tâm chống tham nhũngRa mắt sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thể hiện quyết tâm chống tham nhũng

Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh cuốn sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối và quyết tâm đấu tranh chống 'giặc nội xâm', ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên