05/01/2024 10:20 GMT+7

Hội nghị Chính phủ với địa phương: Gỡ điểm nghẽn cho sản xuất, kinh doanh

Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Hội nghị Chính phủ với địa phương - Ảnh: VGP

Hội nghị Chính phủ với địa phương - Ảnh: VGP

Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương.

Cần giải quyết các điểm nghẽn

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến khó lường, nhưng thách thức nhiều hơn cơ hội. Trong đó có "những cơn gió ngược" như lạm phát, lãi suất neo ở mức cao; suy giảm tăng trưởng; hậu quả dịch bệnh kéo dài; cạnh tranh và xung đột chính trị…

Vì vậy, trong nước nền kinh tế chịu "tác động kép" do các yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại.

Đánh giá về công tác chỉ đạo điều hành, Thủ tướng nêu cao tinh thần "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái" để có được những kết quả khá toàn diện. Tuy vậy, ông đặt câu hỏi: Các cấp, các ngành, các địa phương đã nắm chắc tình hình và có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả chưa? Đã lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức quốc tế thế nào?

Nêu kết quả kinh tế - xã hội năm 2023, người đứng đầu Chính phủ cho hay nền kinh tế đang tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cơ bản đạt được, thúc đẩy tăng trưởng bảo đảm các cân đối lớn.

Tuy nhiên, Thủ tướng đặt ra các vấn đề như: Điều hành tỉ giá, lãi suất, tín dụng có gì nổi? Bội chi được kiểm soát tốt, nợ công, nợ nước ngoài ở ngưỡng cảnh báo, nhưng để tận dụng được dư địa chính sách tài khóa cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải làm gì? Bài học kinh nghiệm gì trong thực tiễn điều hành tiền tệ và tài khóa? Lĩnh vực, chỉ tiêu gì có thể làm tốt hơn?

Theo đó, ông yêu cầu cần phân tích rõ các kết quả đạt được trong đầu tư công, thu hút và giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, thực hiện các chỉ tiêu xã hội, công tác đối ngoại…

Đặc biệt, về những hạn chế khó khăn, bất cập cần làm rõ nguyên nhân chủ quan và có giải pháp cụ thể. Bao gồm: 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, vấn đề tăng năng suất lao động, sức ép lạm phát và nợ xấu có xu hướng tăng.

Giải quyết những điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, nhất là về xuất khẩu, thị trường, tiếp cận vốn, vướng mắc trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế. Cùng đó là các vấn đề văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: VGP

Khơi thông các động lực tăng trưởng mới

Phân tích các nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng cần làm rõ các yếu tố chủ quan, khách quan. Đặc biệt là việc nắm bắt, dự báo tình hình và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời; một bộ phận cán bộ, công chức chưa chủ động, tích cực, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai? Việc huy động nguồn lực còn khó khăn, vướng mắc do thể chế hay do thực hiện…

Từ các bài học kinh nghiệm về bám sát đường lối, chỉ đạo điều hành, chủ động, linh hoạt, người đứng đầu Chính phủ đưa ra những gợi ý về giải pháp. Đó là làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), cũng như các động lực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, lĩnh vực mới nổi, liên kết vùng…

Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo đột phá, hiệu quả hơn, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, đổi mới công tác quy hoạch. Đưa ra sáng kiến đẩy nhanh dự án và huy động nguồn lực cho hạ tầng, tạo chuyển biến có tính đột phá về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tăng năng suất lao động...

Ông cũng nhấn mạnh đến yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả. Trong đó, cần cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, sớm giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, thúc đẩy liên kết vùng…

Cùng đó, cần giải quyết bài toán gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển văn hóa, xã hội với kinh tế. Phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh, khai thác hiệu quả cam kết từ các hoạt động đối ngoại, tạo sự đồng thuận xã hội…

Động lực nào để kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm 2024?Động lực nào để kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm 2024?

Xu hướng phục hồi kinh tế đã ngày càng rõ nét nhưng động lực nào để tạo nên sức bật cho tăng trưởng năm 2024 khi kinh tế được dự báo còn nhiều thách thức và tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt mức 5,05%?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên