20/05/2019 21:35 GMT+7

Hơn 1,6 tỉ USD rót vào thị trường đầu tư tư nhân Việt Nam

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Năm 2018 đánh dấu cột mốc tăng trưởng vượt bậc của thị trường đầu tư tư nhân tại Việt Nam với 38 thương vụ đầu tư, đưa Việt Nam vào nhóm 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất ASEAN.

Hơn 1,6 tỉ USD rót vào thị trường đầu tư tư nhân Việt Nam - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Việt Nam tại một buổi kết nối giao thương với doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: N.BÌNH

Báo cáo Triển vọng đầu tư tư nhân Việt Nam 2019 do Grant Thornton công bố ngày 20-5 đánh giá hoạt động đầu tư tư nhân của VN trong năm 2018 đã tăng vượt trội về số lượng, xác lập kỷ lục giá trị giao dịch. Đáng lưu ý, các thương vụ đầu tư trong các ngành công nghệ, dịch vụ tài chính tăng mạnh.

Theo Global M&A Review 2018 thực hiện bởi văn phòng phân tích Bureau Van Dijk, trong 38 thương vụ đầu tư tư nhân, có đến 27 thương vụ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup), chiếm 71% tổng số thương vụ trong năm 2018 và tăng 56% so với năm 2017.

Điều này đưa Việt Nam cùng Singapore, Indonesia và Malaysia là 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất tại Đông Nam Á. Ước tính tổng giá trị giao dịch các thương vụ ở thị trường Việt Nam lên đến 1,6 tỉ USD, tăng 285% so với năm trước.

Mức tăng này đi ngược hẳn so với bối cảnh chung của khu vực ASEAN. Năm 2018, giá trị đầu tư của toàn khu vực ASEAN 5 đã giảm 62%, chỉ đạt hơn 4,7 tỉ USD, cho dù số lượng thương vụ tăng trưởng 18%.

Các quỹ nội nắm ưu thế với tổng cộng 17 thương vụ, chiếm 36% tổng số thương vụ đầu tư tư nhân, trong đó công nghệ là mảng đầu tư có động lực tăng trưởng mạnh nhất, chiếm 40% tổng số thương vụ.

34% nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong các thị trường Đông Nam Á nếu được lựa chọn.

Các chuyên gia quốc tế nhận định kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, đặc biệt khối các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang là xu hướng, bao gồm công nghệ tài chính (Fintech), thương mại điện tử, giáo dục trực truyến, công nghệ du lịch (travel Tech). 

Đồng thời, Chính phủ cũng đã, đang và sẽ có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy vậy, khảo sát cũng ghi nhận có đến 87% nhà đầu tư thể hiện sự lo ngại đáng kể đối với sự thiếu nhất quán trong các quy định và thủ tục đầu tư, cũng như vấn đề tham nhũng tại Việt Nam, trong khi 76% cho rằng sự thiếu minh bạch trong thông tin của doanh nghiệp là yếu tố chính gây nên sự thất bại của các thương vụ.

Dù đã năng động hơn nhưng các doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp Việt Nam vẫn xem vay ngân hàng là lựa chọn huy động vốn phổ biến, khoảng 37%. 

Đây là hình thức truyền thống và đơn giản nhất đối với các công ty tư nhân, mặc cho bối cảnh lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ gia tăng trong thời gian sắp tới.

Trong khi đó, gọi vốn từ quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm lần lượt xếp ở các vị trí tiếp theo. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các quỹ nội địa và quốc tế giúp các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn hơn.

Huy động vốn từ các quỹ đầu tư thường "tốn kém" hơn các hình thức truyền thống khác, song đổi lại, các công ty tư nhân sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn kinh nghiệm dồi dào và mối quan hệ sâu rộng trong ngành của các nhà đầu tư.

Chỉ 5% công ty tư nhân được hỏi lựa chọn hình thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Đó cũng là lý do vì sao bán lại cho nhà đầu tư ngành mới là hình thức thoái vốn được ưa chuộng nhất đối với các khoản đầu tư tư nhân.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên