11/12/2023 21:13 GMT+7

Hơn 61% tai nạn lao động chết người ở TP.HCM từ công trình xây dựng

213 trong 347 vụ tai nạn lao động làm chết 352 người (giai đoạn 2019 - 2023) ở TP.HCM xảy ra tại công trình xây dựng, nhất là công trình dân dụng (hơn 61%).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cùng ký quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm ngày 11-12 - Ảnh: VŨ THỦY

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cùng ký quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm ngày 11-12 - Ảnh: VŨ THỦY

Thông tin này được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM báo cáo tại tổng kết 5 năm quy chế phối hợp điều tra tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm, giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, Công an TP.HCM và Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM ngày 11-12.

Theo đó, các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra tại công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do cá nhân hoặc công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công nhưng không hiểu biết, không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Trong đó, có lỗi của người sử dụng lao động, lỗi của người lao động và cả lỗi hỗn hợp của hai phía mà chủ yếu là điện giật, trèo cao.

Với việc thường xuyên có hơn 10.000 công trình xây dựng nhà dân dụng tại một thời điểm, vấn đề tai nạn lao động ở các công trình xây dựng rất được các bên tham gia quy chế phối hợp quan tâm.

Theo đại diện phòng việc làm - an toàn lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, tai nạn trong công trình xây dựng do thầu tư nhân không có pháp nhân thi công có xu hướng tăng.

Họ thường không hợp tác, chống đối khiến quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân tai nạn cũng như xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt trường hợp tai nạn lao động với lao động tự do, không ký hợp đồng lao động, không có đại diện người sử dụng lao động càng khó khi giải quyết vụ việc.

Có 324/347 vụ tai nạn chết người đã được đánh giá, kết luận nguyên nhân. 23 vụ còn lại đang trong thời hạn điều tra, chưa kết luận.

Cũng vậy, đã kiến nghị khởi tố 82 vụ tai nạn lao động có dấu hiệu hình sự, xử phạt vi phạm hành chính 378 tổ chức, cá nhân với 684 lỗi vi phạm.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá tai nạn lao động tại TP.HCM mang tính chất phức tạp nhất so với cả nước, do là địa phương đi đầu về hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Do đó, công tác phối hợp điều tra, giải quyết các vụ tai nạn lao động tại TP.HCM rất quan trọng để kịp thời răn đe, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ, bảo đảm an toàn lao động trên địa bàn thành phố.

Từ đó giảm thiểu tai nạn, bảo vệ tính mạng người lao động cũng như bảo đảm sự ổn định cho các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh.

Tai nạn lao động cao hơn năm trước, tăng thanh tra nhiều ngànhTai nạn lao động cao hơn năm trước, tăng thanh tra nhiều ngành

Năm 2022 xảy ra hơn 7.700 vụ tai nạn lao động, tăng hơn 18% so với năm 2021. Do vậy các cuộc thanh tra sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên