29/09/2017 16:50 GMT+7

​Hồng Kông thiếu quỹ đất để xây nhà ở

Bên cạnh các chính sách chưa hợp lý của chính phủ thì địa hình chủ yếu là đồi núi, thiếu quỹ đất để xây dựng cũng là một trong những trở ngại gây khó khăn cho sự phát triển nhà ở tại Hồng Kông.

Thiếu quỹ đất là một trong những trở ngại gây khó khăn cho sự phát triển nhà ở tại Hồng Kông

Theo báo Channel NewsAsia, chỉ có 7% diện tích đất ở Hồng Kông được quy hoạch để xây dựng nhà ở. Một nửa trong số đó thuộc các vùng nông thôn có mật độ dân số thấp, không thể dễ dàng mua bán nhà đất, chỉ còn lại khoảng 42 km2 cho dân cư đô thị.

Mặt khác, tỉ lệ 7% ít ỏi này không hề thay đổi suốt nhiều thập kỉ qua. Ngay cả khi có nhiều kho xưởng và đất nông nghiệp bị bỏ hoang thì quỹ đất dành cho nhà ở tại đặc khu kinh tế này vẫn không tăng lên.

Trong khi đó, tại Singapore, dù có dân số nhỏ hơn Hồng Kông, nước này đã dành 100 km2 để phát triển nhà ở vào năm 2010 và có kế hoạch tăng quỹ đất này thêm 30% trong vòng 20 năm.

Giáo sư K W Chau, Trưởng khoa Bất động sản và Xây dựng thuộc Đại học Hồng Kông cho rằng trở ngại trong việc gia tăng quỹ đất xây dựng nhà ở chính là chính phủ yếu kém và người dân được tự do ngôn luận hơn trước.

Ông Chau nói: "Môi trường chính trị đã thay đổi trong nhiều năm qua. Trong thời kì thuộc địa, chính phủ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không có nhiều sự tư vấn. Nhưng ngày nay, người dân ngày càng nhận thức được những quyền lợi cụ thể của mình, do vậy, không dễ để có thêm quỹ đất cho nhà ở.”  

Bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông cũng thừa nhận quỹ đất dành cho nhà ở của thành phố này phụ thuộc vào khai khẩn, lấn biển, cải tạo đất đai thay vì quy hoạch quỹ đất sẵn có. Bà Lam từng có một câu nói rất nổi tiếng về vấn đề này là: “Cá không đi biểu tình”, ý nói việc quy hoạch lại quỹ đất dễ gặp phải sự phản đối của người dân.   

Nữ Trưởng đặc khu mới đắc cử của Hồng Kông dự định sẽ thành lập một nhóm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để tiến hành một cuộc tranh luận công khai về vấn đề mở rộng quỹ đất.

Mặc dù vậy, dự định của bà Lam vấp phải sự nghi ngờ của giới chuyên môn. Giáo sư Chau cho rằng bà Lam đã quá lạc quan khi đưa ra tuyên bố về kế hoạch mở rộng quỹ đất, vì dù cá không đi biểu tình, các nhà hoạt động môi trường vẫn có thể lên tiếng phản đối thay chúng. 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên