25/06/2014 07:05 GMT+7

Hứa với dân sao không thực hiện?

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
MAI VINH - CHÍNH THÀNH

TT - Cuối năm 2008, UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) giải phóng phần đất nhà ở thuộc sở hữu của 44 hộ dân khu phố 4, thị trấn Liên Nghĩa để thi công vỉa hè, trồng cây xanh, công trình chiếu sáng (có quyết định thu hồi đất và thỏa thuận đền bù cho người dân).

44 hộ dân sống trên quốc lộ 20 đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vẫn chưa nhận đền bù sau sáu năm đất bị giải tỏa - Ảnh: Mai Vinh

Tuy nhiên, đến nay các công trình đã hoàn thành sáu năm nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù dù đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại.

Dự án quốc lộ 20 đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa được Bộ GTVT phê duyệt năm 2001. Đến năm 2008, cơ bản các hạng mục lòng đường do bộ làm chủ đầu tư đã hoàn thành. Tuy nhiên, các công trình thuộc hành lang đường bộ như vỉa hè, cây xanh và công trình chiếu sáng từ ngã ba 270 đến cầu Bồng Lai do huyện làm chủ đầu tư chưa thể hoàn thành. Theo báo cáo phục vụ đối thoại với các hộ dân của UBND huyện Đức Trọng, các hộ dân không đồng tình hiến đất và yêu cầu bồi thường theo quy định. Tổng diện tích đất của người dân bị thu hồi hơn 1.997m2, ước tính giá trị đền bù thời điểm năm 2008 hơn 8 tỉ đồng.

Thu hồi trước, bồi thường sau

"UBND huyện Đức Trọng đã làm sai quy trình giải phóng mặt bằng. Theo quy định, phải đền bù trước giải phóng mặt bằng sau. Nếu người dân không có đơn cụ thể hiến đất thì huyện phải làm thủ tục đền bù"

Nguyễn Thị Vân (nguyên chánh tòa hình sự, chánh tòa kinh tế TAND tỉnh Lâm Đồng)

UBND huyện Đức Trọng đã lập nhiều đoàn đi vận động người dân bàn giao đất trước để thi công kịp tiến độ và sẽ bồi thường sau. Điều này đã được UBND huyện Đức Trọng thể hiện trong các văn bản làm việc với người dân. Cụ thể, ngày 13-11-2008 UBND huyện Đức Trọng đã ra thông báo: “UBND huyện sẽ hoàn thành các thủ tục bồi thường sau, thời gian từ ngày 17-11 đến 21-11-2008”. Nhờ đó, người dân đã đồng ý cho giải tỏa đất để xây dựng các công trình hành lang quốc lộ 20. Và từ cuối năm 2008 đến năm 2010, UBND huyện Đức Trọng lần lượt ra 44 quyết định thu hồi đất, kèm theo là biên bản định giá đền bù cho từng hộ dân từ 50 triệu đến hơn 400 triệu đồng/hộ. Cũng trong khoảng thời gian này (năm 2009), UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản xác định nguyên tắc tính toán bồi thường, áp giá cụ thể cho 44 hộ nêu trên.

Bà Phạm Thị Niên (khu phố 4, thị trấn Liên Nghĩa) cho biết ngày 13-11-2008, UBND huyện Đức Trọng ra quyết định thu hồi của bà 28,3m2 đất ở mặt tiền nhà, đồng thời có thỏa thuận đền bù hơn 130 triệu đồng. Đến nay bà Niên cũng chưa nhận được tiền đền bù. Gần hộ bà Niên là hộ ông Nguyễn Văn Hùng. Ông cho biết do UBND huyện Đức Trọng hứa đền bù và có quyết định rõ ràng nên ông đi vay ngân hàng 70 triệu đồng để sửa chữa mặt tiền căn nhà bị nham nhở sau giải tỏa. Từ đó đến nay ông đợi đền bù để trả nợ ngân hàng mà không thấy đâu. Ngoài bà Niên, ông Hùng có 42 hộ khác cầm quyết định thu hồi đất kèm theo bản chiết tính chi phí đền bù trên tay nhưng không thể nhận tiền đền bù, có hộ bị thu hồi hơn 140m2.

Không đủ tiền bồi thường

Ông Hồ Hữu Hiếu, phó chánh văn phòng UBND huyện Đức Trọng, người tham gia giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến vụ việc, thừa nhận người dân trong khu vực đã nhiều lần khiếu nại để đòi tiền bồi thường. Ông Hiếu giải thích: “Thời điểm 2009, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chuyển hơn 1 tỉ đồng để đền bù cho 13 hộ dân ở giai đoạn đầu (thuộc nhóm 44 hộ có quyết định thu hồi đất - PV), nhưng xét thấy ngân sách không đủ để bồi thường cho tất cả các hộ nên UBND huyện Đức Trọng đề nghị chuyển khoản tiền bồi thường thành tiền thi công các hạng mục thuộc hành lang quốc lộ 20, đồng thời vận động dân hiến đất. UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý bằng văn bản”. Ông Hiếu cho rằng người dân đã đồng ý hiến đất nên huyện không có kế hoạch đền bù. Tuy nhiên, UBND huyện Đức Trọng lại không đưa ra được những văn bản, giấy tờ thỏa thuận hiến đất của người dân. Ông Hiếu nói: “Họp dân người dân nói đồng thuận, không thể yêu cầu tất cả người dân có đơn hiến đất được”. Ngoài ra, ông Hiếu cho biết huyện sẽ ra quyết định hủy các quyết định thu hồi đất trước đó.

Ông Lê Văn Toại - nguyên chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, nguyên trưởng Ban đền bù giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm tỉnh Lâm Đồng - cho biết: “Việc vận động người dân hiến đất để làm đường là đúng chính sách nhưng phải đảm bảo đủ các yếu tố như: có họp dân thông báo kế hoạch thi công, đo đạc diện tích từng hộ dân bị ảnh hưởng, vận động từng hộ dân làm đơn hiến đất. Các thủ tục này phải được thể hiện bằng văn bản và gộp chung lại thành một hồ sơ. Sau khi có hồ sơ này thì mới được thi công. Trong trường hợp này, UBND huyện Đức Trọng thực hiện các quy trình một cách lủng củng, chắp vá khiến người dân bức xúc”.

Ông nói gà, bà nói vịt

Ngoài các hộ dân nói trên, cuối năm 2012 UBND huyện Đức Trọng còn giải phóng mặt bằng trên 11km từ ngã ba 270 (thị trấn Liên Nghĩa) đến cầu Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), ảnh hưởng đến 784 hộ dân mà không ra quyết định thu hồi đất và người dân cũng không hề có đơn hiến đất. Đa số đất người dân bị giải tỏa đều đã được cấp sổ đỏ trước năm 1993. Ông Đoàn Ngọc Hùng, đội phó đội tư vấn xây dựng thuộc Trung tâm Quản lý khai thác công trình công cộng huyện Đức Trọng, cho rằng người dân đồng ý hiến đất nhưng ông không đưa ra được những giấy tờ thể hiện người dân đồng ý hiến đất. Ông nói: “Tôi nghĩ người dân đồng ý thì làm nên không lưu lại giấy tờ”.

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên