01/10/2023 13:18 GMT+7

Indonesia khai trương đường sắt cao tốc công nghệ Trung Quốc

Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên và nhanh nhất Đông Nam Á ở Indonesia chính thức khai trương ngày 1-10 và đi vào hoạt động từ ngày mai 2-10.

Một số người dân ngồi đợi ở nhà ga Halim, thủ đô Jakarta trước tàu chạy thử nghiệm - Ảnh: CNN

Một số người dân ngồi đợi ở nhà ga Halim, thủ đô Jakarta trước tàu chạy thử nghiệm - Ảnh: CNN

Tuyến đường sắt Jakarta - Bandung dài 138km, nối thủ đô Jakarta và thành phố Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java. Với tốc độ đạt 350km/h, tuyến đường sắt này đã giúp giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ ba tiếng đồng hồ xuống chỉ còn khoảng 40 phút.

Dự án đường sắt cao tốc nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo Đài CNN.

Dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung được Chính phủ Trung Quốc và tập đoàn liên doanh Indonesia - Trung Quốc PT Kereta Cepat (PT KCIC) tài trợ và hỗ trợ thi công.

Ông Luhut Binsar Pandjaitan, bộ trưởng Bộ Đầu tư Indonesia, cho biết phía công ty đường sắt Trung Quốc đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho Jakarta để phía Indonesia có thể tự sản xuất các đoàn tàu cao tốc trong tương lai.

Hồi đầu tháng 9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng với ông Pandjaitan đã có chuyến đi thử nghiệm trên chuyến hành trình dài 40km từ nhà ga Halim KCBJ đến nhà ga ở thành phố Karawang, thuộc tỉnh Tây Java nhưng chỉ mất vỏn vẹn 11 phút.

Trả lời các phóng viên sau một chuyến tàu thử nghiệm kéo dài 25 phút, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông cảm thấy rất thoải mái khi ngồi hay đi lại bên trong tàu ngay cả khi tàu đang chạy với tốc độ tối đa.

Tổng thống Indonesia cũng kêu gọi người dân nước này chuyển từ ô tô sang sử dụng phương tiện công cộng để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí.

Phía liên doanh PT KCIC đã mở các chuyến tàu thử nghiệm miễn phí công khai kéo dài hai tuần trước khi khai trương hôm 1-10.

Tuy nhiên, giá vé của tuyến đường sắt cao tốc này vẫn chưa được công bố. Theo PT KCIC dự tính, giá vé một chiều đối với mỗi hành khách sẽ dao động từ 250.000 rupiah (khoảng 16 USD) đến 350.000 rupiah (hơn 22 USD).

Riêng tuyến tàu đi đến thành phố Bandung, hành khách sẽ phải đi thêm một chuyến tàu trung chuyển nữa từ nhà ga Padalarang kéo dài 20 phút và mất thêm một chiếc vé khoảng 50.000 rupiah (hơn 3 USD).

Tuyến tàu được chờ đợi từ rất lâu

Được khởi công năm 2016, dự án đường sắt cao tốc ban đầu dự kiến hoạt động từ năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn do các tranh chấp về việc thu hồi đất, các vấn đề về môi trường và những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, theo Hãng tin AP.

Theo kế hoạch ban đầu, chi phí cho dự án này dự kiến tiêu tốn 66,7 nghìn tỉ rupiah (khoảng 4,3 tỉ USD), nhưng do thời gian thi công kéo dài đã đẩy tổng chi phí xây dựng tăng vọt lên 113.000 tỉ rupiah (khoảng 7,3 tỉ USD).

Dự án bị trì hoãn suốt một thời gian và chi phí ngày càng tăng cao khiến một số nhà quan sát nghi ngờ về lợi ích thương mại của nó. Thế nhưng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bỏ ngoài tai tất cả và tiếp tục ủng hộ dự án.

Đặc biệt, đoàn tàu này đã được sửa đổi so với thiết kế ban đầu để phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Indonesia, cũng như được trang bị hệ thống an toàn để có thể ứng phó với động đất, lũ lụt hay các thiên tai khác. Đoàn tàu dài 209m và có sức chứa khoảng 601 hành khách.

Dự án này là một phần của dự án tuyến đường sắt cao tốc dài 750km, đi qua bốn tỉnh ở khu vực đảo chính Java của Indonesia và kết thúc hành trình tại thành phố Surabaya - thành phố lớn thứ hai của quốc đảo này.

Indonesia hiện đại hóa tàu hỏa, thiết kế cửa sổ cực rộng để ngắm cảnhIndonesia hiện đại hóa tàu hỏa, thiết kế cửa sổ cực rộng để ngắm cảnh

Đoàn tàu hỏa Panoramic được thiết kế với cửa sổ lớn ở cả hai bên, mái kính có thể đóng mở tự động, cho phép hành khách có thể ngắm cảnh trong suốt chuyến đi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên