19/09/2013 18:51 GMT+7

"Kê biên" chung cư 140 căn hộ vì món nợ 500 triệu

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TTO - Ngày 19-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (giấy chủ quyền) tại Sở Tài nguyên và môi trường.

* Nghị định “qua mặt” luật gây thiệt hại cho dân

Ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP, cho biết có trường hợp chung cư bị “kê biên” một cách máy móc làm ảnh hưởng đến quá trình cấp giấy chủ quyền nhà cho dân.

Đó là một chung cư ở phường 13, quận 6. Sau khi văn phòng đăng ký làm xong các thủ tục để cấp giấy chủ quyền cho 140 căn hộ ở chung cư này thì cơ quan thi hành án ra văn bản ngăn chặn, yêu cầu giữ nguyên tình trạng pháp lý của chung cư. Nguyên nhân do chủ đầu tư của chung cư bị tòa án tuyên phải trả nợ 500 triệu đồng cho một ngân hàng. “Do cơ quan thi hành án thiếu thực tế vì chung cư có giá trị gần trăm tỉ đồng, ảnh hưởng đến 140 hộ gia đình đang sống”, ông Liên nhận xét.

* Theo UBND quận 6, hiện nay cơ quan thi hành án đã giải tỏa lệnh ngăn chặn trên và UBND quận đã cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho các hộ dân.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, nhận định: đa số những trường hợp người dân không muốn làm thủ tục cấp giấy là do dân không có khả năng đóng tiền sử dụng đất, dù chỉ đóng theo giá nhà nước. Ông Nam đề xuất Nhà nước không nên thu tiền sử dụng đất một lần quá cao mà nên tạo điều kiện cho dân hợp thức hóa nhà, đất. Sau đó, Nhà nước thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo hướng người nào sở hữu nhiều nhà, có diện tích đất vượt hạn mức sẽ phải đóng thuế cao.

Ông Phạm Ngọc Liên cho rằng Nhà nước không sòng phẳng với dân trong vấn đề ghi nợ tiền sử dụng đất. Ông Liên dẫn chứng: tiền sử dụng đất chỉ chiếm khoảng 20% giá trị của căn nhà, nhưng người dân ghi nợ tiền sử dụng đất là bị Nhà nước cấm mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, tức “treo” luôn 80% giá trị nhà đất còn lại của người dân. Đã vậy, nếu dân ghi nợ quá 5 năm thì phải đóng tiền sử dụng đất theo giá mới (giá tại thời điểm trả nợ), trong khi Nhà nước “treo” 80% giá trị nhà, đất của dân lại không bồi thường. “Chính vì vậy mà dân không muốn làm giấy chủ quyền nhà, đất”, ông Liên kết luận.

Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường cũng nêu ra nhiều trường hợp bất cập của các quy định pháp luật, gây khó khăn, thiệt hại cho người dân.

Cụ thể, Luật Đất đai quy định người dân sử dụng đất ổn định trước ngày 15-10-1993 (thời điểm Luật đất đai có hiệu lực) thì được cấp giấy chủ quyền mà không đóng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, nghị định 120 năm 2010 về tiền sử dụng đất quy định những hộ gia đình, cá nhân được cấp đất sai thẩm quyền trước ngày 15-10-1993 thì phải đóng 40% tiền sử dụng đất theo giá nhà nước cho diện tích đất trong hạn mức, đóng 100% tiền sử dụng đất theo giá thị trường cho diện tích đất ngoài hạn mức. Trước khi nghị định 120 ra đời, những trường hợp được cấp đất sai thẩm quyền trước ngày 15-10-1993 đều được cấp giấy chủ quyền không thu tiền, sau thời điểm trên lại buộc phải thu tiền và trái với quy định của Luật Đất đai.

Cũng quy định về thu tiền sử dụng đất, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn chỉ cho người dân được miễn tiền sử dụng đất đối với căn nhà, mảnh đất thứ nhất có trước 15-10-1993. Còn căn nhà, miếng đất thứ 2 phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường cho dù tổng diện tích của hai căn nhà, miếng đất không cao hơn hạn mức đất ở của địa phương.

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên