07/09/2019 15:26 GMT+7

Khách ngày càng mê du lịch một mình

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Công nghệ đang thay đổi ngành công nghiệp du lịch, không chỉ trong cung ứng dịch vụ, trải nghiệm mà còn cả cách tiếp thị, quảng bá...

Khách ngày càng mê du lịch một mình - Ảnh 1.

Các khách mua quốc tế tại Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM 2019 tìm hiểu về các dịch vụ trong tour - Ảnh: N.BÌNH

Số khách mua quốc tế đến Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM 2019 (từ ngày 5 đến 7-9) không đông đảo như những năm trước, nhưng giá trị các gói tour, hợp đồng lại cao hơn.

Tín hiệu khả quan từ thị trường cao cấp

Ông Bruno Alegi, giám đốc điều hành Công ty du lịch Todara (Roma, Ý), tham gia tất cả cuộc hẹn với công ty dịch vụ lữ hành Việt Nam mà ông đặt trước. Lần đầu đến Việt Nam để tìm hiểu tour, dịch vụ du lịch với kỳ vọng có thể đưa khách Ý tới điểm đến mới trong năm sau, ông Bruno Alegi không ngừng đặt câu hỏi với các đối tác Việt về các khu du lịch nghỉ dưỡng gần biển, tour khám phá văn hóa, lịch sử.

"Kết quả rất khả quan, tôi tin 100% có thể mở tour đưa khách đến Việt Nam trong năm sau", ông Bruno Alegi chia sẻ với Tuổi Trẻ. Đồng thời cho biết với nhiều khách Ý, Việt Nam vẫn là điểm đến mới, còn nhiều điều khám phá, trong khi ông nhận thấy giá cả, chi phí dịch vụ ở Việt Nam cũng khá hợp lý nên việc xây dựng một tour chất lượng cao cấp vẫn không quá đắt đỏ.

Theo ghi nhận, hầu hết khách mua quốc tế đều quan tâm đến tour đi một số điểm du lịch nổi tiếng ở ba miền trong vòng 3-4 ngày và tour dài 10-12 ngày. Doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm đến tour tham quan kết hợp du lịch cộng đồng, văn hóa. Du khách Trung Quốc tìm hiểu kỹ các điểm du lịch biển và ẩm thực.

Du khách Ấn Độ lại đặt nhiều câu hỏi cho dòng tour nghỉ dưỡng, mua sắm... Đối tác ở thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất rất quan tâm sản phẩm tour cao cấp, nghỉ dưỡng và các loại hình du lịch biển.

Ông Lê Phong Trần, giám đốc thị trường quốc tế của Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết người đi mua hàng năm nay khá đa dạng. Bên cạnh thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, công ty cũng đón một số khách Âu, Mỹ. "Chúng tôi vừa tiếp đoàn khách từ Hungary và Bulgaria, họ đang bàn chương trình cho đoàn khách đến Việt Nam dự kiến vào tháng 3 năm sau", ông Phong Trần cho biết.

Với mục tiêu gia tăng thời lượng và chất lượng sản phẩm, tập trung vào điểm nhấn đặc trưng của văn hóa Việt Nam, các tour dành cho nhóm khách này thường kéo dài 7-12 ngày, kết hợp các điểm du lịch nổi tiếng ba miền Bắc - Trung - Nam. Giá tour của nhóm khách này từ 800 - 1.100 USD/người. Đây cũng là nhóm khách chịu chi và rất cầu toàn khi đi du lịch.

Tham gia hội chợ lần này, không ít doanh nghiệp kỳ vọng tìm được đối tác mới để đa dạng cơ cấu nguồn khách. Theo đại diện phòng tiếp thị và bán hàng của khách sạn Rex, các dịch vụ phòng hội nghị tiệc được khách hàng hỏi nhiều. Gần 60% khách lưu trú của khách sạn này đến từ Úc, New Zealand.

"Nếu phát triển thêm được nguồn khách từ các nước châu Á, chúng tôi sẽ cân bằng được mùa thấp điểm và cao điểm hiện nay", vị này nói.

Du lịch cá nhân lên ngôi

Theo các doanh nghiệp, dù hoạt động trao đổi diễn ra khá sôi nổi nhưng hội chợ năm nay cũng cho thấy đang có sự thay đổi trong cách tiếp cận thị trường của các công ty du lịch quốc tế. Phần lớn khách đến đều tìm hiểu thông tin cho các tour khách đoàn, du lịch MICE như thông tin về sảnh tiệc, phòng họp, thức ăn..., trong khi các dịch vụ giải trí khác không nhiều.

Người đi du lịch hiện nay có thể liên hệ trực tiếp với bên cung cấp dịch vụ từ đặt phòng đến đi tàu xe, nhà hàng. Bà Nguyễn Anh Thư, giám đốc nghiên cứu và phát triển Công ty dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến Outbox Consulting, cho biết xu hướng này giúp cho du khách có thể tự ra quyết định về chuyến đi cho đến lựa chọn các dịch vụ cũng như hoạt động tại điểm đến hướng tới các trải nghiệm cá nhân.

Số liệu từ rất nhiều báo cáo quốc tế cho thấy cộng đồng người tham gia du lịch cá nhân tăng mạnh trong những năm qua. Tháng 1-2018, cụm từ "solo travel" và "travel alone" trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google.

Theo Klook - nền tảng đặt dịch vụ du lịch tại điểm đến với tổng số vốn đã gọi lên đến 300 triệu USD - chỉ riêng tại thị trường châu Á, số lượng khách du lịch cá nhân đã tăng trên nền tảng của họ từ 31% lên 38% vào năm 2018.

Nhận thấy xu hướng này đang gia tăng, để có thể khai thác được đối tượng thị trường du lịch cá nhân với những yêu cầu mang tính đặc thù cao, các doanh nghiệp Việt Nam đã tung ra những dịch vụ mới. Ngoài các tour trọn gói, tour option (thiết kế theo nhu cầu riêng của khách) và tour Free&Easy (F&E) được tung ra hội chợ lần này.

Theo ông Sunny Ali, cố vấn các kỳ nghỉ của Orient Travel (đến từ UAE), những thay đổi trong thị trường du lịch hiện nay buộc các hội chợ cũng phải điều chỉnh trong tiếp thị, phát triển thị trường. Từng đưa nhiều đoàn tour du lịch MICE đến Việt Nam, ông Sunny Ali cho biết giá cả tour đang là một trong những lợi thế của du lịch Việt hiện nay.

"Hầu hết tour công ty tôi tổ chức ở mức 25-30 người/đoàn, và chi phí ở Việt Nam luôn được đánh giá rẻ hơn so với các nước trong khu vực. Trong các tour MICE, sau giờ họp du khách có nhu cầu khám phá, trải nghiệm thành phố nơi họ đến. Lúc này, khách MICE cũng là khách cá nhân", ông Sunny Ali nói.

Săn tour giảm giá, ưu đãi

Trong ngày 7-9, hội chợ sẽ mở cửa dành cho công chúng. Khách đến tham quan sẽ được giới thiệu các sản phẩm tour mới với nhiều hình thức giảm giá ưu đãi, quà tặng đặc biệt.

Chiều 6-9 đã có nhiều khách tham quan, yêu cầu tư vấn tour, visa, vé máy bay và tiến hành mua, đặt cọc tại các gian hàng. Các tour được khuyến mãi giá tốt, giảm tối đa khoảng 30% so với giá bình thường.

Trà Vinh muốn giữ du khách ở lâu hơn

Ngày 6-9, trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch văn hóa - sinh thái của tỉnh Trà Vinh, ông Vương Quốc Tuấn, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển tiềm năng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch tâm linh với mục đích kéo dài thời gian lưu trú của du khách đến Trà Vinh.

Theo ông Tuấn, du khách đến Trà Vinh thời gian qua thường chỉ nghỉ một đêm, sau đó về lại Bến Tre; các tour nối tuyến chỉ kéo dài 2 ngày 1 đêm nên du khách chưa đủ thời gian khám phá, trải nghiệm, không có cơ hội chi tiêu, mua sắm.

Trong khi đó, với đặc thù có đến 30% dân số là người dân tộc Khmer, Trà Vinh khá phong phú chùa chiền, các lễ hội riêng như Lễ hội Vu lan thắng hội, Lễ hội Nguyên tiêu... mà chưa nhiều người biết đến.

"Chúng tôi đang xây dựng các sản phẩm kết nối giữa huyện Trà Cú và huyện Cầu Kè, đây là những trung tâm du lịch của tỉnh Trà Vinh để du khách có thể nghỉ ít nhất 2 đêm tại Trà Vinh, khám phá thêm sự kiện văn hóa địa phương", ông Tuấn nói.

Du lịch ĐBSCL phải thoát cảnh na ná nhau Du lịch ĐBSCL phải thoát cảnh na ná nhau

TTO - Các tỉnh ĐBSCL làm gì để thoát khỏi tình thế khó khăn phát triển du lịch? Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng đã đến lúc du lịch các tỉnh phải thoát cảnh na ná nhau như hiện tại.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên