08/07/2019 09:53 GMT+7

Khai thác nước ngầm sao cho khỏi cạn kiệt?

XUÂN LONG thực hiện
XUÂN LONG thực hiện

TTO - Nghiên cứu cho thấy khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát không chỉ là nguyên nhân gây cạn kiệt nguồn nước mà còn gây ô nhiễm, và quan trọng hơn là gây sụt lún đất.

Khai thác nước ngầm sao cho khỏi cạn kiệt? - Ảnh 1.

Những bãi giếng gần sông Hồng như nhà máy nước Yên Phụ được xác định có nguồn bổ cập cho nước ngầm dồi dào - Ảnh NGUYỄN KHÁNH

Bộ Tài nguyên - môi trường vừa bàn giao cho 9 tỉnh, thành phố kết quả nghiên cứu của đề án "Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - giai đoạn 1" do Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên - môi trường) nghiên cứu trong 5 năm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Triệu Đức Huy - phó tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên - môi trường) - cho biết:

- Sau 5 năm nghiên cứu, kết quả điều tra chi tiết tỉ lệ 1/25.000 đã trả lời được toàn bộ những câu hỏi về hiện trạng nước ngầm đang khai thác, những vấn đề bất cập, những hệ lụy đã xảy ra và cuối cùng là đưa ra giải pháp khai thác bền vững nước ngầm. Riêng tại 9 đô thị lớn được nghiên cứu, kết quả cho thấy có nơi bị cạn kiệt nguồn nước, nơi bị ô nhiễm nguồn nước, chỗ nước ngầm bị xâm nhập mặn và cả sụt lún.

Khai thác nước ngầm sao cho khỏi cạn kiệt? - Ảnh 2.

Ông Triệu Đức Huy - Ảnh NGUYỄN KHÁNH

* Hệ lụy ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM là gì, thưa ông?

- Hà Nội là điển hình cạn kiệt nguồn nước ở nội thành. Ví như tại Nhà máy nước Hạ Đình (Q.Thanh Xuân), Nhà máy nước Mai Dịch (Q.Cầu Giấy), do bố trí các nhà máy nước trong nội đô quá dày đặc, khai thác với công suất quá lớn, vấn đề cạn kiệt nguồn nước đã xảy ra. 

Ngược lại, ở những bãi giếng ven sông, nguồn bổ cập lớn, có thể xây dựng với công suất lớn hơn, khai thác bền vững hơn thì chưa được khai thác đúng mức. 

Chính việc khai thác thiếu kiểm soát, mật độ giếng dày đặc, công suất khai thác lớn, nguồn bổ cập từ sông Hồng không đáp ứng được cho những giếng ở xa, nên tình trạng cạn kiệt đã xảy ra.

Tại TP.HCM, vấn đề cạn kiệt nguồn nước cũng tương tự như ở Hà Nội. Nguyên nhân là bố trí bãi giếng khai thác không hợp lý. Về nguồn nước, TP.HCM có đặc thù là các tầng chứa nước ngầm ở sâu. Ngoài ra, nguồn bổ cập cho nước ngầm tại TP.HCM ở rất xa, thậm chí còn phụ thuộc vào các tầng chứa nước xuyên biên giới.

* Ông có đánh giá gì về vấn đề sụt lún ở các đô thị lớn do khai thác nước ngầm?

- Đề án của chúng tôi cũng đã chỉ ra có sự tác động của việc khai thác nước ngầm đối với hiện tượng sụt lún ở Hà Nội, TP.HCM. Tại một số khu vực ở phía nam Hà Nội như Pháp Vân, hiện tượng sụt, lún đã được quan trắc và giám sát từ nhiều năm rồi, nhưng cũng mới chỉ ra là có sự tác động của việc khai thác nước ngầm.

TP.HCM cũng vậy. Với tầng chứa nước sâu thì cần đánh giá kỹ hơn, còn tầng chứa nước nông, trong những năm qua, việc khai thác không kiểm soát, mật độ lớn, lưu lượng lớn, nhà nhà khai thác giếng, phần lớn ở tầng nông, kèm theo nền đất yếu nên việc sụt lún là có.

Tuy nhiên, vấn đề khai thác nước ngầm có phải là nguyên nhân chính hay không, và gây sụt lún cụ thể như thế nào thì cần có một đề án điều tra riêng mới xác định được.

Khai thác nước ngầm sao cho khỏi cạn kiệt? - Ảnh 3.

* Vậy đâu là giải pháp với từng đô thị để khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm bền vững?

- Chúng tôi khuyến cáo có sự điều chỉnh vị trí khai thác, hình thức khai thác, dịch chuyển những bãi giếng ra khu vực có nguồn bổ cập đã được xác định, ví dụ khu vực ven sông để có thể khai thác với công suất lớn hơn.

Như tại Hà Nội, nếu điều chỉnh các bãi giếng ra khu vực ven sông Hồng, giống như bãi giếng Yên Phụ, có thể khai thác với công suất hàng trăm ngàn m3/ngày đêm mà không có vấn đề gì.

Tương tự, chúng tôi tính toán và cũng đã khuyến cáo với TP.HCM có thể khai thác tới trên 400.000m3/ngày đêm, không hẳn phải giảm khai thác xuống 100.000m3/ngày đêm, mà vẫn đảm bảo có nguồn nước bền vững nếu có sự điều chỉnh vị trí và mật độ các bãi giếng.

* Ông có thể nói cụ thể hơn trường hợp TP.HCM?

- Chúng tôi đã đánh giá một cách nghiêm túc, chính xác lưu lượng khai thác ở TP.HCM. Thực tế có một số khu vực cạn kiệt, mật độ giếng dày và lưu lượng khai thác lớn nên xảy ra cạn kiệt cục bộ, khả năng bổ cập cho tầng chứa nước dưới mức khai thác.

Vì thế, để đảm bảo khai thác đến 400.000m3/ngày đêm nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn, TP.HCM cần thực hiện theo các khuyến cáo trong đề án đã chỉ rõ. Đó là những khu vực đang khai thác ở ngưỡng "căng thẳng", phải có lộ trình giảm, còn ở một số bãi giếng có nguồn bổ cập tốt hơn, có thể tăng nguồn khai thác lên.

* Hiện nay mới chỉ nghiên cứu ở 9 đô thị lớn, còn các đô thị khác thì sao, thưa ông?

- Đề án này được Thủ tướng phê duyệt thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đã nghiên cứu ở 9 đô thị, còn giai đoạn 2 sẽ triển khai tiếp ở 18 đô thị khác.

Hà Nội chủ trương hạn chế dần khai thác nước ngầm

Chúng tôi đang giao các phòng chuyên môn nghiên cứu toàn bộ tài liệu, dữ liệu từ đề án này. Thực tế các giếng khai thác ở Hà Nội đều có nguồn bổ cập, vấn đề là nhiều hay ít thôi. Hà Nội sẽ xem xét nghiêm túc và có những điều chỉnh phù hợp với các bất cập được nêu ra từ nghiên cứu này.

Chủ trương của thành phố là hạn chế dần từ khai thác nước ngầm, thay vào đó là triển khai các nhà máy khai thác nước mặt. Hiện nay đã có nguồn cấp từ các nhà máy nước mặt sông Đà, sông Đuống và đang triển khai nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng.

Nguyễn Minh Mười (phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội)

Sụt lún ĐBSCL vì khai thác nước ngầm quá sức chịu đựng Sụt lún ĐBSCL vì khai thác nước ngầm quá sức chịu đựng

TTO - Bộ Tài nguyên - môi trường nhận định tình trạng khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

XUÂN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên