Khi doanh nghiệp kẹt giữa hai siêu cường

QUÂN ANH 04/07/2023 09:14 GMT+7

TTCT - Nếu chỉ nhìn số lãnh đạo tập đoàn phương Tây vượt Thái Bình Dương để tới Bắc Kinh thời gian qua, có vẻ đại lục đang trở thành mảnh đất lành trở lại cho giới kinh doanh, nhưng sự thật có phải như vậy?

Các sự kiện đó diễn ra cấp tập chỉ trong vài tuần. Elon Musk của Tesla đã tới Bắc Kinh ngày 30-5 trong chuyến thăm đầu tiên sau 3 năm để gặp các lãnh đạo ở đây. Ông Tập Cận Bình nói "rất vui" khi có cuộc gặp riêng với tỉ phú Bill Gates hôm 16-6 và gọi ông này là người bạn lâu năm của Trung Quốc. 

Cùng lúc, Jamie Dimon của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ, chủ trì một hội nghị ở Thượng Hải với hơn 2.500 khách từ khắp thế giới. Hàng trăm lãnh đạo tập đoàn khác cũng đã có những chuyến thăm tương tự tới Trung Quốc mấy tháng qua. Các quan chức Trung Quốc chào đón họ với thông điệp giống nhau: "Trung Quốc đang trở lại".

Ảnh: The New York Times

Ảnh: The New York Times

Nhưng khi giới lãnh đạo kinh doanh tới, nhiều người nhận ra Trung Quốc giờ đã khó làm ăn hơn rất nhiều. Vào tháng 4, chính quyền thông qua luật chống gián điệp mới với nhiều điều khoản siết chặt về dữ liệu. 

Theo Wall Street Journal, Trung Quốc giờ đặt trọng tâm tình báo là hạn chế đe dọa an ninh từ những doanh nghiệp quốc tế. Với luật mới, Bắc Kinh dùng nhiều từ ngữ mơ hồ có thể diễn giải khác nhau, khiến nhiều tập đoàn lo ngại. 

Những việc đơn giản như chia sẻ chữ ký email, nếu hiểu theo luật mới, có thể bị coi là chia sẻ thông tin cá nhân và có thể gặp vấn đề về pháp lý.

Không gian thu hẹp

Không gian cho các tập đoàn phương Tây ở Trung Quốc vốn đã thu hẹp rất nhiều bởi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, giờ càng chông chênh hơn. Theo công ty cung cấp dữ liệu Wirescreen, hiện có 9.000 công ty ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận của phương Tây. Giờ thì Bắc Kinh lại càng siết luật lệ và không gian hoạt động của các tập đoàn này.

Ví dụ điển hình là một loạt vụ điều tra gần đây. Vào tháng 3, 5 nhân viên của Mintz Group, tập đoàn về thẩm định của Mỹ, bị bắt với cáo buộc vi phạm luật về dữ liệu. Một tháng sau, chính quyền tiến hành điều tra Bain, tập đoàn tư vấn lớn từ Boston, với cáo buộc tương tự. 

Cùng tháng, truyền hình trung ương công bố cảnh an ninh lục soát văn phòng tập đoàn nghiên cứu thị trường Capvision. Tại hội nghị của JPMorgan, không khí ở tiệc cocktail trầm xuống sau thông tin một lãnh đạo ngân hàng Trung Quốc tiếp tục bị gia hạn tạm giam thêm 3 tháng với lý do không rõ ràng.

Tới giờ vẫn chưa rõ vì sao chính quyền Bắc Kinh lại nhắm các tập đoàn này. Một số đồn đoán cho rằng nguyên do là họ đã tìm hiểu vấn đề Tân Cương và việc Trung Quốc phát triển công nghệ chip. Trong bối cảnh không rõ ràng, nhiều tập đoàn đành đẩy nhanh quá trình rút khỏi thị trường này.

Hôm 6-6, Sequoia Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Mỹ, quyết định tách bộ phận đầu tư ở Trung Quốc ra khỏi tập đoàn. Financial Times cho biết Microsoft sẽ chuyển vài chục chuyên gia hàng đầu về AI từ Trung Quốc sang Vancouver để tránh bị các tập đoàn Trung Quốc tuyển dụng lẫn nguy cơ với chính quyền.

Lãnh đạo một tập đoàn quản lý tài sản Thụy Sĩ nói với The Economist: "Thật sự, tôi không nghĩ giờ có thể đầu tư vào Trung Quốc". Nhiều lãnh đạo kinh doanh khác cùng quan điểm, dù phần lớn vẫn đánh giá Trung Quốc là thị trường quá lớn, khó thể bỏ qua. Những tập đoàn ở lại vì vậy sẽ phải học cách sống với sức ép không chỉ từ một, mà là hai siêu cường.

Theo The Economist, các vụ điều tra nhắm vào Mintz, Bain và Capvision tác động lớn với các tập đoàn phương Tây vì Bắc Kinh nhắm vào giới tư vấn, luật sư và những hãng hỗ trợ các tập đoàn trước khi quyết định đầu tư vào những nền kinh tế xa xôi, ít thông tin. 

Khách hàng thường thuê tư vấn để tìm hiểu đối tác, thông tin về rủi ro, hay cách "lobby" để chạy việc. Chính quyền Bắc Kinh vẫn luôn nghi ngờ các hoạt động này và giờ siết chặt quy định quản lý hoạt động tư vấn. Tần suất siết đặc biệt tăng trong năm nay, với các vấn đề như Tân Cương và sản xuất chip trở thành vùng cấm tìm hiểu thông tin.

Ảnh: The Bulletin

Ảnh: The Bulletin

Nháo nhào tìm giải pháp

Kể cả công việc hành chính và pháp lý nhàm chán luôn đi kèm hầu hết các giao dịch như viết email để trao đổi thông tin tài khoản ngân hàng giờ cũng có thể rủi ro. 

Trong quá khứ, tập đoàn quốc tế thường lo chuyện tổn thất tài sản sở hữu trí tuệ vào tay đối thủ Trung Quốc, nhưng giờ họ lại lo khi nhận thông tin từ đối tác Trung Quốc, theo Diana Choyuleva của Enodo, công ty tư vấn ở London. 

Lãnh đạo một tập đoàn luật quốc tế lớn nói về mặt kỹ thuật, hiện ông không còn trực tiếp trả lời đối tác ở Trung Quốc để đề phòng rủi ro. Khi một công ty Trung Quốc có liên hệ với nhà nước, bất cứ thông tin gì liên quan giờ cũng có thể bị xếp là bí mật quốc gia.

Các tập đoàn quốc tế đang tìm cách xoay xở trong bối cảnh mới. Một số cân nhắc triển khai phần mềm rà soát toàn bộ trao đổi thông tin với Trung Quốc, từ email tới hợp đồng. Họ cũng cần thuê và đào tạo nhân viên để kiểm tra dữ liệu bị đánh dấu nhạy cảm, rà soát hợp đồng thuê văn phòng, hợp đồng với nhân viên và các nghĩa vụ pháp lý khác, nếu một tập đoàn đột nhiên buộc phải rời Trung Quốc.

Họ còn cẩn trọng hơn khi gửi cấp quản lý tới Trung Quốc. Lãnh đạo một tập đoàn khai thác mỏ nói mỗi chuyến đi Trung Quốc giờ sẽ bắt đầu bằng một loạt cuộc họp dài với phòng pháp lý để chuẩn bị cách hành xử nếu chẳng may bị bắt hoặc có vấn đề với cơ quan chức năng sở tại. Nếu không trải qua tập huấn, chuyến đi sẽ không được phê chuẩn.

Để tuân thủ quy định mới về dữ liệu, các công ty liên doanh ở Trung Quốc cũng phải tái cấu trúc cách xử lý và lưu trữ thông tin. Nhiều liên doanh phải xé lẻ bộ phận lưu trữ thông tin để đảm bảo đối tác nước ngoài không nắm giữ thông tin có thể bị coi là bí mật quốc gia. 

Các thông tin sở hữu trí tuệ của Trung Quốc giờ phải nằm trong máy chủ đặt ở Trung Quốc. Các tập đoàn quốc tế cũng lo lắng về khả năng tài sản của họ bị giữ hoặc phong tỏa trong trường hợp nổ ra xung đột Mỹ - Trung. 

Một cách để họ phòng thủ là lập công ty mới ở Trung Quốc, dùng tiền vay từ ngân hàng nội địa để mua tài sản cho các chi nhánh tập đoàn mẹ. Trong trường hợp tài sản bị phong tỏa, trách nhiệm cứu tài sản lúc đó sẽ rơi vào các ngân hàng nội địa.

Sức ép từ Washington

Áp lực với các tập đoàn không chỉ là từ Bắc Kinh, nhiều công ty đa quốc gia cũng đang đối mặt sức ép rất lớn từ Mỹ.

Dù đang mở rộng ở thị trường quốc tế, app bán hàng thời trang nhanh Shein hiện lại tìm cách cắt liên hệ với Trung Quốc - nơi tập đoàn này khởi nghiệp. Shein đã chuyển trụ sở tới Singapore và rút đăng ký của công ty gốc tại Nam Kinh. 


Tập đoàn này cũng lập các cơ sở ở Ireland và Indiana (Mỹ), thuê các nhà vận động ở Washington để nêu bật việc họ đang mở rộng hoạt động ở Mỹ nhằm chuẩn bị IPO trong năm nay.

Nhưng Shein vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực rũ bỏ mối liên hệ với Trung Quốc. Các thương hiệu Trung Quốc như TikTok hay các app bán hàng Temu và Shein đang trở thành đích ngắm của giới chính trị chóp bu ở Mỹ. Nhiều nghị sĩ Mỹ cáo buộc các công ty này sản xuất quần áo với vải nguyên liệu từ lao động cưỡng bức, điều mà Shein luôn bác bỏ.

TikTok thì đã lập trụ sở ở Los Angeles và Singapore, đầu tư vào cơ sở vận hành ở Mỹ, và cam kết tách phần dữ liệu người dùng Mỹ khỏi dữ liệu của công ty mẹ ByteDance. Temu đã thành lập trụ sở ở Boston, trong khi tập đoàn mẹ PDD Holdings chuyển trụ sở từ Trung Quốc sang Ireland. 

JinkoSolar, tập đoàn pin mặt trời khổng lồ (chiếm 10% thị trường toàn cầu) đã lập hệ thống cung cấp ngoài Trung Quốc phục vụ riêng cho thị trường Mỹ. Tương tự, nhiều tập đoàn khác đang tách phần hoạt động ở Trung Quốc với hoạt động toàn cầu trước sức ép chính trị ngày một lớn.

Theo The New York Times, một số tập đoàn có lý do thực dụng như giảm chi phí lao động và vận tải, hay tránh để khách hàng nhìn nhận sản phẩm Trung Quốc có chất lượng kém, nhưng làn sóng quy định chặt chẽ hơn của Mỹ trong làm ăn với Trung Quốc chắc chắn đã có tác động. 

Do căng thẳng Mỹ - Trung mấy năm gần đây, dòng vốn đầu tư giữa hai nước đã giảm. Thuế của Mỹ nhắm vào hàng Trung Quốc cả hai thời Trump và Biden đã đẩy các công ty dịch chuyển sản xuất sang các nước khác. Covid-19 khiến nhiều nhà máy ở Trung Quốc dừng hoạt động đẩy nhanh thêm quá trình này.

Chính sách này không chỉ được Mỹ triển khai ở cấp liên bang. Các chính quyền tiểu bang vốn trước kia thường chào đón đầu tư từ Trung Quốc giờ cũng cứng rắn hơn. Hồi tháng 1, Thống đốc Virginia Glenn Youngkin đã bác đề xuất thành lập nhà máy của Ford Motor tại bang này vì sử dụng công nghệ từ nhà sản xuất pin Trung Quốc. Ông gọi đây là mối quan hệ "ngựa thành Troy". ■

Công ty được thành lập ở Trung Quốc năm 2008 và được định giá khoảng 100 tỉ đô la vào năm 2022 Shein đang tìm nhiều cách để thoát khỏi nguồn gốc Trung Quốc. Trong một tuyên bố gần đây, nhãn hàng thời trang nhanh này nói họ là "tập đoàn đa quốc gia với hoạt động đa dạng khắp thế giới, khách hàng ở 150 thị trường, các quyết định kinh doanh của chúng tôi được thực hiện với tư duy như vậy".

Tuy nhiên, một ủy ban Hạ viện Mỹ điều tra về cạnh tranh kinh tế, an ninh với Trung Quốc hiện đang điều tra Temu và Shein do liên quan tới các vấn đề lao động ở Trung Quốc. "Thông điệp điều tra Shein, Temu, Adidas và Nike của chúng tôi là rõ ràng: họ phải đảm bảo chuỗi cung ứng sạch, dù có khó khăn đến đâu, hoặc họ phải rời khỏi các nước có liên quan tới lao động cưỡng bức như Trung Quốc", hạ nghị sĩ Mike Gallagher, chủ tịch ủy ban này, nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận