26/05/2023 09:47 GMT+7

Khi Đức gắng không sao nhãng châu Á

Chuyến thăm Hàn Quốc chỉ vài tiếng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã mang lại một loạt thỏa thuận. Đáng chú ý nhất là hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự và sắp xếp lại chuỗi cung ứng công nghiệp quốc phòng của hai nước.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sau cuộc họp báo chung tại Seoul ngày 21-5 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sau cuộc họp báo chung tại Seoul ngày 21-5 - Ảnh: REUTERS

Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Olaf Scholz và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol diễn ra sau khi ông Scholz dự xong Hội nghị G7 tại Nhật. Cả hai sự kiện ngoại giao đều tập trung chủ yếu vào cuộc khủng hoảng an ninh đang diễn ra tại Ukraine và căng thẳng âm ỉ ở Đông Bắc Á. 

Và khi nói đến châu Á, Trung Quốc lại một lần nữa là chủ đề quan trọng nhất.

Rõ ràng Hàn Quốc đang tìm kiếm sự can dự chặt chẽ hơn và lớn hơn với các nước phương Tây và điều đó có thể bắt nguồn từ sự bùng nổ của cuộc chiến ở Ukraine, vốn là cú sốc sâu sắc đối với nước này.

Ông Rah Jong Yil (một cựu sĩ quan tình báo cấp cao của Hàn Quốc) nhận định với Đài DW, Đức.

Nhắm tới Trung Quốc?

Giới phân tích đã chỉ ra các thỏa thuận quốc phòng giữa ông Scholz và ông Yoon chỉ là ví dụ mới nhất về sự bắt tay của các nước nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc. Kể từ khi công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2020, Bắc Kinh trở thành lý do của Berlin khi nhắc đến nhu cầu Đức cần phải tăng cường hiện diện hơn nữa tại khu vực này.

Để thể hiện rõ ràng sự quan tâm của Đức đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo chính trị Đức đã liên tục đến đây. Sau khi Thủ tướng Scholz thăm Nhật vào tháng 4-2022 (chuyến công du đầu tiên tới khu vực), Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã tới Singapore, Indonesia, Palau và Nhật Bản.

Các động thái gần đây của Bắc Kinh có thể được coi là lý do cho những cuộc bắt tay mới, như thỏa thuận vừa đạt được giữa Hàn Quốc và Đức. Ông Scholz và ông Yoon gặp nhau tại Seoul ngày 21-5, sau đó hai bên nhất trí về một thỏa thuận chia sẻ và bảo vệ các bí mật quân sự, đồng thời thiết lập các cơ chế giúp chuỗi cung ứng quân sự có khả năng phục hồi tốt hơn.

Đức đã đúng khi công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng điều khiến giới chuyên gia lo ngại là nguồn lực của Berlin cho việc này. Chính phủ Đức đã tuyên bố sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, nhưng như vậy là chưa đủ và có thể phản tác dụng với những nước ở gần Trung Quốc.

Theo giới quan sát, hiện nay cách tiếp cận của Đức tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa quá nhiều vào khung sườn là chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Người Đức có thể lập luận Bắc Kinh là nước lớn nhất tại khu vực, nhưng theo nhà nghiên cứu Helena Legarda tại Viện Mercator nghiên cứu Trung Quốc (Đức), Berlin cần phải đa dạng cách tiếp cận hơn. 

Bởi với việc chỉ dựa vào khung sườn là chính sách Trung Quốc, Đức sẽ có xu hướng rút lui khi căng thẳng gia tăng. Lo ngại này là có cơ sở khi nhìn vào thương mại song phương hơn 320 tỉ USD giữa Trung Quốc và Đức năm 2022.

Cuộc chiến tại Ukraine vẫn chi phối

Với vai trò là nền kinh tế số 1 châu Âu và có tiếng nói quan trọng trong cả Liên minh châu Âu lẫn NATO, Đức đã dành nhiều nguồn lực cho cuộc xung đột tại Ukraine. Việc Berlin tăng cường hợp tác với Seoul không chỉ phản ánh nhu cầu của Đức mà còn của châu Âu nói chung.

Năm ngoái Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận quốc phòng lớn với Ba Lan lên tới 16 tỉ USD. Hợp đồng bao gồm việc bán gần 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2, 648 pháo tự hành và 48 máy bay chiến đấu FA050. 

Là nhà sản xuất đạn pháo hàng đầu thế giới, Hàn Quốc đang trở thành mục tiêu thuyết phục của các chính phủ phương Tây khi nhóm này tìm cách đảm bảo năng lực chiến đấu lâu dài cho Ukraine.

Không lâu sau chuyến thăm Hàn Quốc của ông Scholz, tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ Seoul đã bí mật chuyển hàng trăm ngàn viên đạn pháo cho Ukraine thông qua Washington. 

Chính phủ Hàn Quốc đã phản ứng thận trọng trước thông tin này khi tuyên bố tôn trọng quyền được biết của người dân, song cần phải tính thêm các biến số ngoại giao, theo Đài KBS.

Đối với Seoul, tăng cường quan hệ với Đức là cách để tìm kiếm thêm tiếng nói ủng hộ và sự quan tâm của thế giới với vấn đề bán đảo Triều Tiên. Theo truyền thông Hàn Quốc, trong khi xung đột tại Ukraine gây lo ngại sâu sắc, mối quan tâm lớn nhất của Seoul vẫn là nước láng giềng phía Bắc của họ.

Tựu trung lại, chuyến thăm của Thủ tướng Scholz lần này ngoài mở ra các cơ hội hợp tác mới còn nhằm chứng minh Berlin không sao nhãng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì cuộc chiến ở Ukraine. Đó là điều mà tham mưu trưởng không quân Đức Ingo Gerhartz cũng từng đề cập năm 2022 khi đến Úc và Nhật Bản.

Thủ tướng Đức nói cứng sau khi Nga duyệt binhThủ tướng Đức nói cứng sau khi Nga duyệt binh

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố việc Nga duyệt binh sẽ không đe dọa Liên minh châu Âu (EU) và lục địa già sẽ tiếp tục kiên định ủng hộ Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên