12/10/2023 09:07 GMT+7

Khi giám đốc tham gia... livestream để bán hàng

Đích thân doanh nhân - giám đốc điều hành tham gia livestream để giới thiệu sản phẩm và bán hàng, chủ tịch và tổng giám đốc công ty đưa sản phẩm ra nước ngoài tham gia triển lãm và trực tiếp giới thiệu với khách tham quan, tìm kiếm thị trường mới...

Doanh nghiệp phải chắt chiu từng đơn hàng để có công ăn việc làm cho người lao động. Trong ảnh: công nhân của Công ty Việt Thắng Jeans sản xuất hàng xuất khẩu - Ảnh: NGỌC HIỂN

Doanh nghiệp phải chắt chiu từng đơn hàng để có công ăn việc làm cho người lao động. Trong ảnh: công nhân của Công ty Việt Thắng Jeans sản xuất hàng xuất khẩu - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trên đây chỉ là một vài nét chấm phá trong bức tranh đa dạng cho thấy những nỗ lực của các doanh nhân Việt trong việc tìm đơn hàng, với canh cánh nỗi lo đảm bảo tiền lương để giữ chân người lao động khi mà kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam trải qua giai đoạn nhiều khó khăn thời hậu dịch Covid-19 cũng như những bất ổn địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới.

CEO tham gia... livestream để bán hàng

Cuộc chiến giữa các doanh nghiệp (DN) bán lẻ sản phẩm công nghệ diễn ra ngày càng khốc liệt, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Để bán được hàng, mỗi DN đều phải tìm ra những cách làm sáng tạo như tổ chức livestream bán hàng với sự tham gia của các KOL (người nổi tiếng) và cả... CEO (giám đốc điều hành) của công ty. "Tôi không cảm thấy ngại mỗi khi tham gia livestream để giới thiệu sản phẩm cũng như tư vấn dịch vụ" - ông Nguyễn Ngọc Đạt, CEO hệ thống bán lẻ Di Động Việt, nói.

Giải thích lý do "lên sóng", ông Đạt cho rằng trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, việc tiếp cận và mở rộng kênh bán hàng là nhu cầu tất yếu của bất cứ DN nào, đặc biệt xu hướng livestream bán hàng đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của công ty. "Với vai trò người đứng đầu, nếu bản thân không thể bán được hàng, làm sao có thể dẫn dắt và lan tỏa được tinh thần tích cực, sự đam mê bán hàng cho đội ngũ nhân viên của mình", ông Đạt chia sẻ.

Là một start-up trong lĩnh vực công nghệ, anh Trần Viết Quân, chủ tịch kiêm nhà sáng lập Công ty chuyển đổi số Tanca.io, cho biết việc chạy đến các công ty hay hẹn cà phê với khách hàng là chuyện bình thường như cơm bữa.

Theo anh Quân, bất kỳ ai trong công ty đều phải có trách nhiệm bán hàng, kể cả giám đốc. "Chúng tôi đang cố gắng bán hàng bất kể ngày đêm. Khách hàng nước ngoài có thể sắp xếp bất kỳ thời gian nào, kể cả ban đêm, để họp trực tuyến", anh Quân cho biết.

Với Hoàng Hường, CEO start-up Unikon, một công ty cung cấp các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thời gian "chạy ngoài đường" gấp nhiều lần thời gian ngồi ở văn phòng công ty. "CEO hay các giám đốc, ai cũng trực tiếp tham chiến. Mình chịu trách nhiệm cao nhất cho việc sắp xếp, linh hoạt điều chỉnh nguồn lực để vừa đảm bảo tiến độ dự án của khách hàng, vừa hoàn thành các mục tiêu phát triển dài hạn của công ty", Hường cho biết.

Theo vị CEO này, trong bối cảnh thị trường đầy biến động hiện nay, các nhà sáng lập, quản trị, đặc biệt trong lĩnh vực start-up công nghệ, đều gánh trên vai mình rất nhiều nỗi lo. Các giám đốc điều hành đều phải xông pha chiến đấu trên nhiều mặt trận để phát triển sản phẩm và bán hàng, để xây dựng và phát triển nguồn lực trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. "Những điều này cần sự tập trung, nhiệt huyết, kiên định và rất nhiều sự hy sinh...", nữ CEO này khẳng định.

DN chắt chiu từng đơn hàng

Là một trong những ngành nghề có lượng đơn hàng sụt giảm lớn, lại đang "nuôi" nhiều lao động bậc nhất trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, theo ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, thị trường dệt may thời gian qua đã có những tín hiệu ấm dần lên nhưng bức tranh chung vẫn khó khăn kéo dài, đơn hàng vẫn dưới năng lực sản xuất của các DN.

Bản thân DN này trước đây cũng "đánh" vào phân khúc hàng thời trang chất lượng cao, vải vóc cao cấp hơn để xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU với giá trị xuất khẩu cao hơn. Tuy nhiên, khi kinh tế ở những thị trường này gặp khó, người dân thắt lưng buộc bụng, những mặt hàng thời trang giá cao lại trở thành lực cản bởi xu hướng người dân chi tiêu ít hơn, ưu tiên hàng giá mềm.

Do đó, ông Việt cho hay DN đã phải "xoay trục", sản xuất hàng giản đơn, bớt đi sự cầu kỳ để cho ra những sản phẩm thời điểm này có giá thành thấp hơn. Ngoài thay đổi mẫu mã, DN cũng tìm kiếm những thị trường mới như Canada, Úc... Nhờ đó, đơn hàng ngắn hạn của DN đang tăng khoảng 5%, công suất sản xuất đạt 85 - 90% với các mặt hàng ngắn hạn, còn những mặt hàng thời trang chỉ đạt công suất sản xuất khoảng 60 - 70%.

Còn ông Đinh Hồng Kỳ, chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin, cho biết cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều gặp khó nên những DN sản xuất vật liệu xây dựng như Secoin đều chịu cảnh giảm đơn hàng. Riêng với DN này, xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn nên khi thị trường quốc tế suy giảm, không ít mặt hàng của DN giảm đến 60 - 70% so với cao điểm 2018 - 2019.

Theo ông Kỳ, vấn đề quan trọng nhất của những DN là làm sao để duy trì các đơn hàng để công nhân có việc làm, trong đó ưu tiên giữ những lao động nòng cốt, kể cả khi không có việc làm vẫn có thu nhập tối thiểu. Do vậy, ông Kỳ cho biết bản thân ông cũng như nhiều doanh nhân khác là phải cố gắng nhiều hơn, chắt chiu từng đơn hàng một, không còn tính đến chuyện lợi nhuận mà ưu tiên là giữ người lao động.

"Bây giờ có được đơn hàng cho nhà máy là niềm vui của DN, doanh nhân và cả người lao động. Tôi hy vọng rằng chúng ta đang đứng ở đáy của suy thoái, kỳ vọng sang năm tình hình sẽ cải thiện, phục hồi, giúp các DN sản xuất ấm lên, chúng tôi cũng có sẵn được nguồn nhân lực để đáp ứng các đơn hàng mới", ông Kỳ nói.

Doanh nhân Lê Mai Hữu Lâm (bìa phải) giới thiệu sản phẩm cho các đối tác quốc tế tại triển lãm ở Nhật Bản - Ảnh: H.L.

Doanh nhân Lê Mai Hữu Lâm (bìa phải) giới thiệu sản phẩm cho các đối tác quốc tế tại triển lãm ở Nhật Bản - Ảnh: H.L.

Xuất ngoại tìm thị trường mới

Những ngày qua, một nhóm doanh nhân đại diện cho hơn 20 DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM đã bay sang xứ sở mặt trời mọc để tìm kiếm đơn hàng. Trên đất Nhật, những chủ tịch, tổng giám đốc của các công ty đã trực tiếp giới thiệu các sản phẩm do trí tuệ, đôi tay của người Việt sản xuất đến các đối tác, bạn hàng không chỉ ở Nhật mà còn các đối tác quốc tế tham gia triển lãm Mtech Osaka 2023.

Dù mới mổ gót chân chưa lành hẳn, ông Lê Mai Hữu Lâm, tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi, đã đưa 45kg hàng mẫu sang triển lãm tìm kiếm đối tác.

Tại triển lãm, ông Lâm tự mình giới thiệu với khách tham quan những ưu điểm về chất lượng, mẫu mã và giá thành của những sản phẩm của công ty, từ những phụ kiện điện công nghiệp, hệ treo, giá đỡ đến thiết bị chống sét, tiếp địa... Suốt hai năm qua, ông Lâm đã lặn lội đến các triển lãm như thế tìm kiếm đơn hàng mới ở Campuchia, Nhật Bản và tới đây là các thị trường mới nổi khu vực ASEAN.

"Mình phải xắn tay vào tìm những đối tác xuất khẩu mới, nhà phân phối, những đơn hàng mới để có đầu ra, tạo công ăn việc làm bên cạnh những đơn hàng sẵn có trong nước. Bây giờ mình phải làm mới đi, không làm theo kiểu cũ nữa bởi thị trường đang khó khăn", ông Lâm nói. Cũng nhờ vậy, đơn hàng của DN này đã tăng trở lại, có đủ đơn hàng để sản xuất tối đa từ nay đến năm sau.

Thậm chí, nhà máy đang chạy hết công suất để phục vụ cho các công trình lớn như nhà máy Lego ở Bình Dương; nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM); sân bay Long Thành, nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (Đồng Nai); nhiệt điện Quảng Trạch (Quảng Bình)... Đặc biệt, ông Lâm cho hay DN đang chuẩn bị đưa vào vận hành nhà máy số hai tại Khu công nghiệp Cơ khí ô tô (huyện Củ Chi, TP.HCM) để nâng công suất, năng lực sản xuất lên gấp đôi.

"Chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thời điểm này nhiều nơi gặp khó khăn đủ đường nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng hết các nguồn lực, khi gió tới, cơ hội đến thì mình chụp lấy thôi. Việc xây nhà máy số hai cũng là để đón đầu những cơ hội đầu tư vào Việt Nam sắp đến", ông Lâm chia sẻ.

* Ông Nguyễn Ngọc Hòa (chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM):

DN tìm những thị trường ngách

Trong chín tháng qua, bức tranh của cộng đồng DN trên địa bàn đã có những sự thay đổi rất nhanh. Trong đó, quý 2 và quý 3 đơn hàng khó khăn, Nhà nước đã có những chính sách để kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ DN, giảm lãi suất...

Tuy nhiên, vốn không hấp thu được cho thấy DN rất lúng túng, rất khó khăn trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như mang tâm thế dè dặt, cân nhắc về việc đầu tư bởi đầu ra cũng chưa rõ nét.

Các DN cũng nỗ lực chắt chiu từng đơn hàng và tìm những thị trường mới, kể cả những thị trường ngách. Ví dụ như các quốc gia Hồi giáo, thị trường đông dân Ấn Độ hay các quốc gia Nam Mỹ đã ký các FTA với Việt Nam.

Các chính sách hỗ trợ DN cũng đã tác động tích cực, song các chính sách này chỉ mới tập trung về đầu ra, trong khi các DN cũng cần giải phóng các nguồn lực đầu vào nhất là nguồn lực đất đai. Các DN mong muốn sớm được xác định giá đất, thay vì áp giá đất tạm tính như thời gian qua sẽ rất khó cho DN trong bài toán kinh doanh.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị:

Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo đó, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước...

Bộ Chính trị cũng nêu mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn...

Để thực hiện các mục tiêu trên, nghị quyết nêu rõ bảy nhiệm vụ, giải pháp như nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Thực hiện phương thức đối tác công - tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh...

Doanh nhân Việt và khát vọng cống hiến tại cuộc gặp Thường trực Chính phủDoanh nhân Việt và khát vọng cống hiến tại cuộc gặp Thường trực Chính phủ

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), chiều nay 11-10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên