​Khi học sinh “thoát” ra khỏi bốn bức tường

HÀ MI
HÀ MI

TT - Chiều 29-11, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp với Sở GD-ĐT và một số đơn vị tổ chức buổi báo cáo tổng kết chương trình “Tích hợp liên môn, liên ngành để phát triển năng lực toàn diện cho học sinh”.

Nhiều nhóm học sinh cùng phụ huynh ở Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã về hội trường Văn miếu Trấn Biên để trình bày với thầy cô, nhà quản lý về việc học của chính mình.

Thay mặt nhóm học sinh tham gia chuyến đi về chiến khu Đ, em Triệu Tuấn Kiệt (lớp 12A1) trình bày hành trình cùng ăn cùng ở với người dân tộc Châu Ro. Các em tổ chức đi tìm hiểu văn hóa của họ, nói chuyện với già làng nổi tiếng Năm Phổi...

Tất cả được các em thu thập và làm tư liệu như một phóng viên, làm clip nói lên thông điệp của những người Châu Ro, đồng thời xây dựng một dự án để đề đạt với người lớn chuyện bảo tồn văn hóa ở đồng bào dân tộc Châu Ro.

Còn em Lương Yến Tuyết (lớp 11 chuyên sinh), sau chuyến lên rừng học thực tế cùng bạn bè, cho biết chuyến du khảo chỉ kéo dài hai ngày ngắn ngủi nhưng đó là khoảng thời gian quý báu trong cuộc đời.

“Phương pháp giáo dục mà giáo viên đứng trên bục giảng độc thoại, áp đặt những kiến thức có sẵn trong sách, còn học sinh thì tiếp thu thụ động, tai nghe, tay chép một cách máy móc, không khoa học. Học sinh như một “cái hộp” mà giáo viên muốn nhồi nhét cho đầy...” - Tuyết thẳng thắn bộc bạch.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, thầy trò Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đã xây dựng một lộ trình giúp học sinh thoát ra khỏi những lý thuyết khô cứng. Đó là phương pháp “tích hợp liên môn, liên ngành để phát triển năng lực toàn diện cho học sinh”.

Cô Trần Thị Châu Thưởng (tổ trưởng tổ ngữ văn nhà trường) kể từ năm 2009 trường đã tổ chức cho các em du khảo trên sông Đồng Nai để các em hiểu được giá trị lịch sử kinh tế - văn hóa quê hương. Từ đó những câu chuyện thực tế được gợi mở và các tiết học của các em sôi động hẳn lên.

Cô kể ngày ghé thăm Trường Lương Thế Vinh, ông Huỳnh Văn Tới - trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai - nhắc: “Hạn chế của học sinh là còn ít hỏi, ít tư duy, thụ động, không giao tiếp”.

Từ đây, ông Tới cùng các ngành xắn tay với trường mời đạo diễn phim, nhà khoa học đưa các em đi thực địa, chỉ dạy những kỹ năng cơ bản rồi các em tìm hiểu đề tài, tự xây dựng các đề án, bài học của chính mình sau những chuyến đi.

Cô Thưởng nói mô hình “tích hợp liên môn” giải quyết vấn đề thực tiễn mà Bộ GD-ĐT đang hướng đến. Các em đến thực tế ở lòng hồ Trị An, đảo Đồng Trường nướng bắp, nướng khoai, gặp nhà khoa học ở khu bảo tồn... Các em tự phát triển năng lực như tự trải nghiệm, giao tiếp, từ đó yêu môi trường, quê hương.

Mô hình tích hợp liên môn để phát triển năng lực cho học sinh mà Trường chuyên Lương Thế Vinh là nơi “thí điểm” đầu tiên bắt đầu đơm hoa kết trái. Kiến thức văn học, lịch sử, địa lý, môi trường... không chỉ giới hạn trong những trang sách mà đã được mở rộng ra từ thực tế trải nghiệm của các em.

Nét rạng ngời trên khuôn mặt các thầy cô, nhà quản lý và đặc biệt là các em học sinh tại buổi báo cáo tổng kết là minh chứng sinh động cho thành quả bước đầu này.

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên