09/10/2012 07:55 GMT+7

Khi nhà gái không chịu làm sui

TRẦN VĂN TÂM (*)
TRẦN VĂN TÂM (*)

TT - Tôi có đứa con trai cùng sống chung với một cô gái. Hai đứa đã có một con gái 10 tháng tuổi. Lúc cô gái mang thai, chúng tôi đã mang trầu cau, lễ vật xin cưới nhưng gia đình nhà gái là ông bà Phúc và Thanh (*) ở huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng không đồng ý.

Chúng tôi đã nhờ các cấp chính quyền nói giúp cũng không được. Cô gái đó đã theo con trai tôi về ở đến nay.

Gia đình ông Phúc không chịu trả giấy tờ cho con gái để làm giấy kết hôn theo quy định. Chúng tôi có đến công an xã bên cô gái nhờ xác minh cô còn độc thân nhưng họ đòi hộ khẩu, CMND. Cô gái cũng đã làm đơn nhờ công an xã giải quyết, yêu cầu gia đình cô trả lại giấy tờ, nhưng bên gia đình vẫn không chịu trả. Chính quyền xã nói cần phải có thời gian thuyết phục gia đình ông Phúc trả giấy tờ.

Tôi không biết phải làm sao để chu toàn cho con mình và kết sui gia được với bên nhà gái. Thật là khổ tâm!

Phần chia sẻ của luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM

Theo lời trình bày của ông thì đây là một vấn đề khá tế nhị. Gia đình nhà gái không đồng ý cuộc hôn nhân này, trong khi đôi bạn trẻ đã “góp gạo thổi cơm chung”, quyết tâm và quyết liệt đến mức sinh ra được một công dân tí hon hiện đã hơn 10 tháng tuổi!

Về lý, điều 4 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định về việc cấm cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Trong trường hợp này, ông Phúc và bà Thanh không trả lại giấy tờ tùy thân của cô con gái nhằm mục đích để con gái không kết hôn được.

Hành vi này của ông bà có thể bị xử lý theo nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21-11-2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Cụ thể theo điều 7, người nào có một trong các hành vi sau đây sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng: cản trở người khác kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.

Như vậy, nếu căn cứ theo quy định này thì gia đình ông có thể làm đơn khiếu nại gửi đến UBND xã nơi ông Phúc, bà Thanh cư ngụ để nhờ can thiệp và đề nghị được giải quyết theo pháp luật. Nếu ông Phúc và bà Thanh sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện mà vẫn tiếp tục cố tình cản trở không cho con gái họ được kết hôn thì họ sẽ bị xem xét khởi tố về tội cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ theo điều 146 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, nếu xét về tình thì ông Phúc và bà Thanh là cha mẹ của cô gái, việc giải quyết bằng pháp luật như nói ở trên có thể dẫn đến hậu quả gia đình, họ hàng hai bên thêm phần căng thẳng, quan hệ cha mẹ, con cái cũng không cải thiện được. Liệu cô con gái có thể sống vui bên cạnh chồng con khi cha mẹ mình bị xử phạt hoặc thậm chí bị kết tội? Do vậy, đôi bạn trẻ cần kiên trì thuyết phục gia đình, và phía cha mẹ cô gái cũng cần nhận thức đầy đủ việc hai người cấm cản hôn nhân tự nguyện của con là sai trái, có thể dẫn đến hậu quả nặng nề.

Cách tốt nhất có thể làm bây giờ, theo tôi, là cả hai gia đình nên cố gắng ngồi lại với nhau để nói chuyện, hòa giải và cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Ông cũng có thể nhờ chính quyền địa phương vận động, thuyết phục nhà gái để giải thích cho họ biết hành vi của họ có thể bị xử lý theo quy định như nói ở trên, để họ thấy được thiện chí và mong muốn được giải quyết mọi chuyện bằng tình cảm từ phía gia đình ông.

Hi vọng một thời gian ngắn nữa cha mẹ cô gái sẽ thay đổi ý kiến để con trai ông cùng cô gái có thể sống hạnh phúc theo đúng quy định của pháp luật, trong niềm vui chung của hai bên gia đình.

____________

(*) Tên của những người trong cuộc đã được đổi khác.

TRẦN VĂN TÂM (*)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên