07/02/2012 07:19 GMT+7

Khó nhớ nổi có bao nhiêu ruộng

HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HÀ
HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HÀ

TT - Đó là câu trả lời của nhiều người dân tại thôn Chùa - thôn có dân đông nhất xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) và chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đất ruộng ít lại nằm rải rác nên người dân thôn Chùa vẫn tếu táo đùa nhau rằng họ đang sở hữu nhiều ruộng nhất nước, đến nỗi họ không nhớ có bao nhiêu ùng (thửa).

Phải nới rộng thời gian giao đất và hạn điền

qjstKqy6.jpgPhóng to
Ruộng tại thôn Chùa bị chia cắt manh mún - Ảnh: Hoàng Điệp

Nhiều thửa, ít đất

Thửa ruộng chỉ 12m2

Theo chị Nguyễn Thị Lụa ở thôn Chùa, gia đình có sáu nhân khẩu với ba lao động được chia 5 sào ruộng chân cấy lúa và hơn 1 sào trồng màu với 32 thửa. Trong đó, thửa bé nhất chỉ chừng hơn 12m2, thửa to nhất cũng chỉ 288m2.

Nằm ngay cạnh con đường liên xã ở thôn Chùa là cánh đồng Lớn. Mùa này cánh đồng Lớn không có nước nên những luống đất đã được cày lật lên chờ đổ ải. Tên là cánh đồng Lớn nhưng không tìm thấy một mảnh ruộng nào được 360m2 (một sào Bắc bộ) mà là chi chít những mảnh ruộng nhỏ xíu không khác gì ruộng của người Mông ở trên núi.

Bên một lò gạch cũ bỏ hoang ở ngay ven đường thôn Chùa, khi được hỏi về số ruộng nhà mình đang sử dụng, bà Hà Thị Lai (59 tuổi) la lên: “Ối giời ơi, nhiều lắm không tính hết được đâu, dễ đến gần 40 ùng (thửa) ở khắp nơi”. Ùng ruộng to nhất của nhà bà Lai chỉ chưa đầy 200m2, nhỏ nhất chưa đầy 10m2.

Nhà anh Thêm (43 tuổi) có 3 sào ruộng nhưng có bảy nhân khẩu. 3 sào ruộng nhà anh Thêm nằm rải rác ở sáu đồng: đồng Gai (bốn mảnh), đồng Phủng (hai mảnh), đồng Trán Trâu (một mảnh), đồng Sau (ba mảnh, trong đó mảnh nhỏ nhất là 36m2). Ruộng được chia thành nhiều nơi nên khi bón phân, cấy hái, thu hoạch đều không được thuận lợi.

Nói về việc “nhiều ruộng”, bà Lai than: “Chỉ nhiều về số thửa thôi, nhà tôi có đến 15 nhân khẩu nhưng chỉ có 7 sào ruộng. Thời điểm chia ruộng (năm 1993) thì có bảy người nhưng 20 năm qua tăng thêm tám người nữa thế nên chừng ấy ruộng không đủ cày cấy, phải đi làm thuê ngoài thành phố”.

Không chỉ kể về nỗi thiếu ruộng suốt bao năm qua bởi đất chật người đông, bà Lai còn kể câu chuyện về những khó khăn của việc canh tác. Ruộng nhiều, lại nhỏ nên công sức bỏ ra so với diện tích ruộng đất của thôn bên thường lớn hơn rất nhiều. “Thay vì tập trung cày cấy ở một nơi để được bừa, bón phân thì tất cả các công đoạn cày, bừa, cấy, gặt chúng tôi đều chia ra làm. Trong gần 20 cánh đồng nằm rải rác ở khắp làng, mỗi ngày đi làm đồng thường phải đi từ đồng nọ sang đồng kia mất rất nhiều thời gian” - bà Lai nói.

Người thôn Gai ở Xuân Hương có chung cánh đồng Gai với người thôn Chùa. Chỉ cách nhau bên này và bên kia một bờ đường đất đủ cho xe bò kéo đi lọt nhưng chị Lụa (thôn Gai) không nhịn nổi cười nhớ lại mỗi khi người thôn Chùa ra đồng. “Đông lắm, đen cả cánh đồng và ầm ĩ nữa”. Bởi ruộng của người thôn Chùa rải khắp nơi, không có bảo vệ trông đồng nên mỗi khi có nhà nào chuẩn bị thu hoạch là cả làng cùng ra thu hoạch. “Nếu không gặt cùng thì gà vịt, trâu bò của làng trên xóm dưới sẽ phá sạch” - anh Thêm cho biết.

Vì ruộng bé, để chia từng ô ruộng nhỏ xíu ấy cho từng gia đình thì đều phải có bờ. Từ đồng lớn đến đồng nhỏ ruộng của thôn Chùa đều chi chít những bờ là bờ. “Bờ nhiều ruộng ít nên ai cũng muốn vạc bờ ra để bên ruộng nhà mình được thêm vài centimet nữa” - một người dân nói.

Nói về năng suất lúa, anh Thêm, người thôn Chùa, cho rằng: “Ở cánh đồng Gai thì được khoảng 2 tạ một sào, còn lại có những chỗ chỉ được vài chục cân. Người đông, đất ít nên thiếu ăn suốt”.

Hậu quả của lịch sử?

Lý do được nhiều người thôn Chùa đưa ra là bởi đất sản xuất nông nghiệp của thôn Chùa nằm tại nhiều cánh đồng khác nhau: Gai, Xởm, Phủng, Trán Trâu, Cửa Đình, Súp, Ao Đô, Nghè, Xó, Đũm, Trũng Mốc, Ngố, Cửa Chùa, Cuổi, Vươn, Đầm, Mé... trong đó chỉ có đồng Gai và Phủng là chân ruộng tốt cho năng suất cao và trồng được màu, còn lại những cánh đồng khác đều là chân ruộng xấu, năng suất thấp nên chẳng ai muốn nhận. Bởi vậy để bà con khỏi tị nạnh, người ta chia đều các đồng để ai cũng có phần.

Bà Ngọt (70 tuổi, người từng tham gia HTX nông nghiệp của Xuân Hương và cũng là người đi rút thăm bốc ruộng) cho biết: năm 1993 chia ruộng cho bà con xã viên. Lúc ấy thôn Chùa đông dân nhất nhưng lại ít ruộng nhất và nằm rải rác ở nhiều nơi khác nhau. Khi chia ruộng thì cứ mười người được bốc một thẻ. Cái thẻ ấy sẽ biết mảnh ruộng ở chỗ nào, mười người của thẻ này về lại chia thành mười phần bằng nhau.

Theo ông Nguyễn Văn Quế - phó chủ tịch UBND xã Xuân Hương: “Ruộng nằm rải rác khắp nơi, nhận thức của người dân chưa cao nên thôn Chùa là thôn duy nhất trong mười thôn của Xuân Hương: Hương Mẫn, Chùa, Gai, Am, Vườn, Hoa, Lẻ, Phú Mẫn, Trại Phú Mẫn, Đình... không thể dồn điền đổi thửa theo mô hình nông thôn mới. Và đương nhiên, không dồn điền đổi thửa để có được những mảnh ruộng rộng hàng mẫu thì việc canh tác, cấy hái vẫn sẽ diễn ra như cũ”. Và nỗi lo của người dân thôn Chùa sau năm 2013 sẽ chia lại ruộng thì không biết với số nhân khẩu tăng lên gần gấp đôi so với thời điểm năm 1993 thì chừng ấy ruộng sẽ được chia lại như thế nào.

HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên