28/11/2020 13:03 GMT+7

'Không còn đánh vợ, tôi đã biết giữ hạnh phúc gia đình'

MAI THƯƠNG
MAI THƯƠNG

TTO - Thay đổi nhận thức và hành vi về bạo lực giới, những người đàn ông trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn trong gia đình khi ngưng đánh đập vợ con, san sẻ việc nhà và thậm chí trở thành tấm gương thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội.

Không còn đánh vợ, tôi đã biết giữ hạnh phúc gia đình - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu tham dự hội nghị tổng kết mô hình “Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng” sáng 28-11 - Ảnh: MAI THƯƠNG

"Sáng nay, tôi dậy sớm, tự nấu bữa sáng rồi mới đến đây. Nếu là trước đây, tôi chỉ việc bắt vợ chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà vì từ lâu nay cứ nghĩ việc nội trợ là bổn phận của phụ nữ. Nhưng từ lúc được đi tập huấn, được nghe chia sẻ từ mọi người, tôi thay đổi mình từ những việc nhỏ trong gia đình như vậy".

Anh Tấn Sỹ (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ tại hội nghị tổng kết mô hình hoạt động “Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng” sáng 29-11. 

Buổi tổng kết bắt đầu bằng một cảnh trong phim truyền hình về bạo lực gia đình. Anh Sỹ ngồi ở góc phòng, thi thoảng lấy tay quệt nước mắt. Nhìn cảnh này, không ai nghĩ rằng chỉ mới mấy tháng trước đây, anh lại là người gây bạo lực đối với chính người vợ của mình.

"Lúc giơ tay đánh vợ chỉ để thỏa mãn cảm xúc bực tức của mình thôi. Nhiều khi mình cứ đánh mà chẳng cần lý do gì to tát, đi nhậu say về là đánh, thấy vợ cãi lời mình cũng đánh để thể hiện quyền lực. Tôi biết đấy là tính gia trưởng, nhưng nghĩ đàn ông Việt Nam ai cũng có tính cách đấy, chuyện đấy là bình thường.

Nhưng khi biết điều đó sẽ gây nên những điều tiêu cực cho vợ và cả con của mình như thế nào, tôi cảm thấy rất ân hận. Lần đầu tiên tôi nghe cảm nhận của đứa con về mình, tôi ngỡ ngàng. Tôi không muốn trở thành tấm gương xấu cho con.

Tôi tham gia lớp kỹ năng ứng xử gia đình tại CLB nam giới, ở đó, tôi biết thế nào để giữ cho gia đình ấm êm cùng với tình yêu thương của vợ. Chính tôi cũng bất ngờ với bản thân mình bây giờ" - anh Sỹ tâm sự.

Câu chuyện của anh Tấn Sỹ cũng là câu chuyện điển hình cho hơn 8.000 cá nhân được tác động để thay đổi hành vi và nhận thức về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Đà Nẵng. Đây là dự án được thực hiện bởi Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) do Chính phủ Úc tài trợ.

Đến nay đã có 8.000 người dân (40% là nam giới) tại 11 xã phường của quận Hải Châu và Hòa Vang (Đà Nẵng) được nâng cao nhận thức và hành vi sau 7 năm thực hiện các hoạt động của mô hình. Nhiều phụ nữ đã được sống trong môi trường lành mạnh, tôn trọng và thúc đẩy sự bình đẳng trong gia đình và xã hội.

"Lúc bị chồng bạo hành, tôi không dám kháng cự hay phản ứng gì. Vì như định kiến từ xưa nay, phụ nữ phải nhịn nhường cho gia đình trong ấm ngoài êm, cho nên tôi cứ cắn răng chịu đựng để có một gia đình trọn vẹn cho con cái.

Nhưng từ lúc được tham gia tập huấn, được tổ chức buổi hòa giải với chồng, tôi đã bắt đầu có tiếng nói hơn trong gia đình và chồng tôi cũng thay đổi thái độ.

Thay đổi một định kiến sâu đậm không phải câu chuyện ngày một ngày hai, nhưng nếu không bao giờ làm thì chẳng thay đổi được gì cả" - chị Hà Ngân (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Elisa Feznandes Saenz, trưởng đại diện UN Women (tổ chức hỗ trợ mô hình hoạt động "Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng") đánh giá cao kết quả mà dự án đã mang lại cho thành phố và trở thành mô hình điểm cho các hoạt động vận động chính sách của UN Women về phòng ngừa bạo lực giới tại Việt Nam.

Không còn đánh vợ, tôi đã biết giữ hạnh phúc gia đình - Ảnh 2.

Bà Elisa Feznandes Saenz, trưởng đại diện UN Women, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: MAI THƯƠNG

“Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không phải là vấn đề riêng tư, cá nhân hay của riêng phụ nữ. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, có ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cần cam kết chính trị mạnh mẽ và đầu tư nguồn lực cho các hoạt động này tại tất cả các cấp" - bà Elisa Feznandes Saenz nhấn mạnh. 


Lời cảnh báo từ game nhập vai bạo lực Lời cảnh báo từ game nhập vai bạo lực

TTO - Tham gia các trò chơi nhập vai bạo lực, người chơi sẽ được thực hành các cảnh dùng vũ khí bắn, giết các nhân vật y như thật. Những người không chơi thì xem video quay lại quá trình chơi của game thủ - cũng đầy cảnh bạo lực...

MAI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên