28/05/2022 09:43 GMT+7

Không để thiếu hụt nhân lực khi kinh tế phục hồi

TẤN LỰC - TRƯỜNG TRUNG
TẤN LỰC - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Trái với dự đoán dư thừa lao động sau COVID-19, ngành du lịch đang đối diện nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực khi du khách quay trở lại. Chung cảnh ngộ, ngành công nghệ thông tin cũng đang đỏ mắt tìm người.

Không để thiếu hụt nhân lực khi kinh tế phục hồi - Ảnh 1.

Toàn cảnh Tọa đàm nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và du lịch thành phố Đà Nẵng ngày 27-5 - Ảnh: TẤN LỰC

Việc đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế cùng với làn sóng nhảy việc sau dịch và tình trạng chảy máu lao động chất lượng cao, lao động người nước ngoài gây nguy cơ tắc nghẽn dòng chảy phục hồi kinh tế.

Đà Nẵng xác định nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin không những là lợi thế, mà là lợi thế đặc biệt của thành phố trong thời gian tới để phát triển đột phá.

Ông Trần Ngọc Thạch (phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng)

Lao động không theo kịp đà tăng trưởng du khách

Ngày 27-5, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng và Trường đại học Duy Tân tổ chức buổi Tọa đàm nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và du lịch thành phố Đà Nẵng. 

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, cùng với đà phục hồi chung cả nước, lượng khách du lịch quay lại Đà Nẵng không ngừng tăng lên. 

Đến nay thị trường khách nội địa cơ bản đã phục hồi hoàn toàn so với trước dịch. Trong khi đó, thị trường khách quốc tế cũng đang trở lại từng bước với kết quả rất khả quan.

Theo đà tăng trưởng du khách, tình trạng thiếu nhân lực cũng bộc lộ. Ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, tiết lộ từ những năm 2017 - 2018 thành phố đã bắt đầu thiếu hụt lao động du lịch và cú sốc COVID-19 càng làm mọi thứ khó khăn hơn. 

Ngành du lịch Đà Nẵng ước tính cần thêm 55.000 nhân lực mới đủ đáp ứng nhu cầu phục hồi như trước dịch. Trong đó, lao động chất lượng cao, cấp quản lý, trưởng phòng ban đang rất khó tìm kiếm dù mức đãi ngộ rất cao.

Cơ quan này cho hay đang khảo sát xu hướng và nhu cầu chuyển dịch lao động để đưa ra dự báo, định hướng nguồn nhân lực thời gian tới. Chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng thị trường du lịch quốc tế và nội địa. Cập nhật các xu hướng du lịch mới sau dịch vào chương trình đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đồng thời sẽ liên kết các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tổ chức chương trình cung cầu, kết nối lao động thời gian tới.

GS.TS Lim Sang Taek - viện trưởng Viện đào tạo và nghiên cứu du lịch, Đại học Duy Tân - đề xuất giải pháp thu hút lao động chất lượng cao qua chương trình du lịch kết hợp lao động, mở cửa đón lao động quốc tế, đặc biệt là vị trí cấp quản lý, trưởng phòng ban. 

Về lâu dài để giải bài toán nhân lực, các bên liên quan từ trường học, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý cần liên kết hợp tác đào tạo để lao động đáp ứng chuẩn đầu ra khi bước chân vào doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng, mặc dù thị trường trọng điểm Hàn Quốc đã mở cửa nhưng du khách chưa quay lại nhiều bởi thiếu hụt lao động dịch vụ. 

Hàng ngàn người Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong vận hành các cơ sở du lịch, dịch vụ phục vụ cộng đồng khách Hàn đã trở về khi COVID-19 ập tới. Đến nay, rất nhiều người chưa thể trở lại do gặp khó khăn trong việc xin visa lao động.

Không để thiếu hụt nhân lực khi kinh tế phục hồi - Ảnh 3.

Đông đảo sinh viên khối ngành công nghệ thông tin và du lịch lắng nghe triển vọng nghề nghiệp khi kinh tế phục hồi - Ảnh: TẤN LỰC

Liên kết chặt chẽ nhà trường - doanh nghiệp

Là ngành đi ngược xu hướng, phát triển mạnh mẽ ngay trong đại dịch, lĩnh vực công nghệ thông tin cũng rơi vào tình trạng khát lao động không thua gì du lịch. Để hạ nhiệt ngắn hạn, các doanh nghiệp buộc phải vừa đào tạo vừa sử dụng lao động. 

Ông Lê Hồng Lĩnh - giám đốc FPT Software miền Trung - cho rằng không riêng Đà Nẵng thiếu nhân lực công nghệ, mà đây là tình trạng chung ở miền Trung.

Như tại FPT Software hiện có 5.000 nhân lực. Trong định hướng đến năm 2024 sẽ tăng trưởng 10.000 người. Nếu tính dự phòng cho cả những trường hợp nhảy việc thì trong hai năm tới đơn vị cần 8.000 nhân lực. 

Trong khi đó, theo mỗi năm các cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng chỉ tuyển sinh chừng 6.000 - 7.000 sinh viên công nghệ thông tin (tỉ lệ ra trường còn thấp hơn). Do vậy có sự cạnh tranh nhân lực chất lượng cao giữa các doanh nghiệp. 

Hiện nay để thu hút hiền tài, FPT Software đưa ra chính sách đãi ngộ như an cư lập nghiệp, hỗ trợ gia đình lao động. Đồng thời, thực hiện giải pháp ngắn hạn là thu hút nhân tài ở hai đầu đất nước về.

Ông Lĩnh cho biết giải pháp dài hạn là phải liên kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học để việc cung ứng và tuyển dụng bám sát nhu cầu của nhau. 

"Chúng tôi mong muốn đưa chương trình của chúng tôi vào các cơ sở đào tạo. "Nhúng" chương trình mà doanh nghiệp cần vào các học phần từ năm 1, năm 2. Đến học kỳ 6 nhiều bạn sinh viên có thể làm được việc và đến kỳ thực tập các bạn đã kiếm ra tiền", ông Lĩnh nói.

Cũng chia sẻ về chương trình đào tạo, TS Nguyễn Đức Mận - viện trưởng Viện đào tạo quốc tế Đại học Duy Tân - cho rằng việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những yêu cầu mà trường đòi hỏi phải có trong bối cảnh hiện nay. 

Doanh nghiệp phải tham gia cùng các cơ sở đào tạo để thỏa mãn nhu cầu nhân lực và bám sát thị trường. Theo TS Mận, thực tế chương trình đào tạo trên ghế nhà trường chủ yếu ở mức nền tảng, trong khi bản thân từng doanh nghiệp lại cần một chuyên môn sâu. 

Do vậy, việc "bắt tay" là vô cùng cần thiết để rút ngắn khoảng cách. Với cơ sở đào tạo, việc đạt kiểm định phải được đề cao để cập nhật kịp tình hình.

Ông Trần Ngọc Thạch - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng - cho biết hiện nay thành phố có khoảng 44.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong khi nhu cầu thực tế 77.000 người. 

Trong thời gian qua, thành phố đẩy mạnh triển khai đào tạo nhân lực công nghệ thông tin tại cơ sở quản lý nhà nước và các doanh nghiệp để đảm bảo chuyển đổi số. Đồng thời gia tăng vai trò của các tổ chức hội, tổ chức nghề nghiệp để cung cấp lao động cho doanh nghiệp. 

Theo ông Thạch, nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quyết định thành công nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Do vậy, thành phố đã có những chính sách về phát triển công nghệ thông tin trong khu vực công và khu vực tư.

Xu hướng du lịch đã thay đổi

Ông Cao Trí Dũng - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cho biết năm 2019 thành phố có 56.000 lao động du lịch nhưng hiện nay chỉ còn 17.000. Trước tình hình này, các doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận cơ sở đào tạo, đưa sinh viên về làm việc nhưng xu hướng mới sau dịch đòi hỏi các trường phải thích nghi, cập nhật kịp thời cho lao động.

"Xu hướng du lịch sau dịch đang thay đổi sâu sắc, các đơn vị trung gian dịch vụ giảm dần vai trò, khách đoàn giảm đi, khách nhóm nhỏ, gia đình nhiều hơn. Do đó, lực lượng lao động phải thích ứng để thay đổi", ông Dũng chia sẻ.

Nâng chất nhân lực công nghệ thông tin và du lịch Đà Nẵng Nâng chất nhân lực công nghệ thông tin và du lịch Đà Nẵng

TTO - Những năm qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) và du lịch TP Đà Nẵng luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng và trở thành hai ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố.

TẤN LỰC - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên